Khói lửa bốc lên từ thành phố Gaza, sau các cuộc oanh kích của không lực Israel nhằm đáp trả các vụ tấn công bằng rocket của Phong trào Hamas, ngày 11/10/2023. Ảnh: THX/TTXVN |
Tờ Times of Israel ngày 12/10 dẫn thông báo của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF, quân đội Israel) cho biết kể từ khi xung đột bùng nổ, IDF đã tấn công khoảng 3.600 mục tiêu ở Dải Gaza, với tổng số bom sử dụng là 6.000 quả.
Theo IDF, họ đang và sẽ tấn công tất cả tài sản của Hamas trên Dải Gaza, bao gồm phòng chỉ huy tác chiến, khu quân sự, trung tâm sản xuất vũ khí và những nơi liên quan tới lãnh đạo Hamas.
Trong một diến biến liên quan, khi đứng cạnh các đối tác trong “Nội các chiến tranh” mới được công bố của Israel hôm 12/10, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant đã cam kết sẽ tiêu diệt Hamas.
Ông Gallant nhấn mạnh: “Hamas – Nhà nước Hồi giáo Gaza – sẽ bị xóa sổ khỏi bề mặt Trái đất. Hamas sẽ không tiếp tục tồn tại”.
Hãng tin Al Jazeera ở Trung Đông cho biết thêm cùng ngày máy bay Israel đã thả truyền đơn yêu cầu cư dân phía Bắc Gaza sơ tán 'ngay lập tức' và đến "những nơi trú ẩn đã biết".
Theo thông tin trên truyền đơn, bất cứ ai ở gần Hamas hoặc cơ sở của Hamas sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng và những ngôi nhà được Hamas sử dụng sẽ bị đánh bom.
Truyền đơn viết bằng tiếng Ả rập còn cho biết thêm rằng việc gia nhập quân đội Israel “sẽ giúp bạn không gặp nguy hiểm”.
Quân đội Israel phóng đạn pháo về khu vực giáp giới Dải Gaza, ngày 11/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN |
Sáng 7/10, Hamas phát động Chiến dịch Cơn lũ Al-Aqsa tấn công Israel cả trên bộ, trên không và trên biển trong một nỗ lực mà họ gọi là “trận chiến vĩ đại nhất nhằm chấm dứt sự chiếm đóng cuối cùng trên Trái đất”.
Để đáp trả, Israel đã triển khai Chiến dịch Những thanh kiếm sắt, đặt đất nước trong tình trạng chiến tranh, thành lập Nội các thời chiến và quyết định huy động 360.000 quân dự bị.
Tới nay, cuộc xung đột giữa Israel và Hamas đã diễn ra được 5 ngày.
Theo các quan chức y tế Palestine, các vụ bắn phá của Israel đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 1.417 người, làm hơn 6.200 người bị thương.
Trong khi đó, thông tin từ phía Israel cho hay cuộc tấn công đẫm máu của Hamas đã giết chết ít nhất 1.300 người Israel và làm bị thương 3.200 người.
Các vụ tấn công bằng rocket của lực lượng Hamas từ Dải Gaza xuống lãnh thổ Israel, ngày 10/10/2023. Ảnh: THX/TTXVN |
Cuộc xung đột khiến người dân ở Dải Gaza phải đối mặt với thảm họa nhân đạo ngày càng trầm trọng hơn, nhất là sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant ra lệnh “bao vây toàn diện” Dải Gaza vào ngày 9/10, tiến hành cắt điện, cắt nước và nguồn cung nhiên liệu.
Để ngăn chặn việc các bệnh viện quá tải “biến thành nhà xác”, Hội Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) đề nghị được phép cung cấp nhiên liệu cho các máy phát điện vì nhiên liệu đã sắp cạn.
Giám đốc khu vực của ICRC Fabrizio Carboni cho biết trong một tuyên bố ngày 12/10: “Sự đau khổ của con người do sự leo thang này gây ra thật kinh khủng và tôi kêu gọi các bên giảm bớt sự đau khổ của dân thường. Khi Gaza mất điện, các bệnh viện cũng mất điện, khiến trẻ sơ sinh phải vào lồng ấp và bệnh nhân cao tuổi phải thở oxy gặp nguy hiểm. Quá trình lọc thận dừng lại và không thể chụp X-quang. Không có điện, bệnh viện có nguy cơ biến thành nhà xác”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Israel Israel Katz cho biết sẽ không có trường hợp ngoại lệ nào đối với cuộc phong tỏa này chừng nào chưa có tự do cho các con tin Israel.
“Viện trợ nhân đạo cho Gaza? Sẽ không có công tắc điện nào được bật, vòi nước sẽ không được mở và xe chở nhiên liệu sẽ không đi vào (Gaza) cho đến khi các con tin Israel được đưa về nhà. Không ai nên rao giảng đạo đức cho chúng tôi”, Bộ trưởng Katz nói.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin