Văn hóa công vụ: Phải dẹp được nạn cấp trên, cấp dưới “nịnh bợ” nhau!
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt đề án Văn hóa công vụ nhằm nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Một trong những nội dung được nêu ra trong đề án này đối với công chức, viên chức là “không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ; không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng".
Không phải ngẫu nhiên, Bộ Nội vụ lại đưa ra đề án về Văn hóa công vụ trong tình hình hiện nay, trong đó có khuyến cáo “không nịnh bợ”. Mà thực tế đang có quá nhiều vấn đề trong văn hóa công vụ. Điều này không phải bây giờ mới được đề cập đến, mà vấn đề này từ lâu đã được nhắc đến, nhưng việc đề ra Văn hóa công vụ trong thời điểm hiện nay cho thấy tín hiệu tích cực: Chúng ta đã nhận diện rõ và bắt đầu tuyên chiến với tệ nạn “nịnh bợ”.
“Nịnh bợ” hiện đang là một căn bệnh lây lan khắp nơi, nhất là trong các cơ quan công quyền. Một vị cán bộ nguyên là Vụ phó ở Ban Tổ chức Trung ương đã phải thốt lên, "khi mở xem bản kiểm điểm cuối năm của đảng viên thì có đến 90% khuyết điểm của các đảng viên giống nhau, đều “nể nang”, “né tránh”, “ngại va chạm” …
Còn trong các cuộc họp kiểm điểm cán bộ, đảng viên thì việc phê bình và tự phê bình nhiều khi được biến thành diễn đàn để người ta tâng bốc, nịnh bợ nhau. Cấp dưới “nịnh" cấp trên để có mình trong đó, dù những câu nịnh chướng tai, đến mức khó nghe nhưng vẫn nhận được nhiều cái gật gù, tán dương. Cấp trên thì “nịnh” cấp dưới để tránh bị “moi tội”, để “tranh thủ phiếu bầu”, để “chạy” thành tích…
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) cũng đã nhấn mạnh việc tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao.
Không phải ngẫu nhiên mà trong các kỳ Đại hội, Đảng ta đều dành nội dung quan trọng cho công tác cán bộ và nhấn mạnh, đánh giá cán bộ là khâu quan trọng nhưng vẫn là khâu yếu hiện nay.
Công tác đánh giá cán bộ còn yếu do nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có một nguyên nhân ai cũng thấy rõ, là việc đánh giá cán bộ chưa thực sự khách quan, công tâm vì trong đó ít nhiều có bóng dáng của căn bệnh “nịnh bợ”. Vì nịnh bợ, người ta có thể tâng bốc thành tích và che giấu, làm mờ khuyết điểm của nhau. Vì “nịnh bợ” mà nhiều cuộc phê và tự phê đã biến thành các cuộc “phê bình khen ngợi” để có mình trong đó…
“Nịnh bợ” không phải ngẫu nhiên mà có, mà nó là hệ quả tất yếu của mối quan hệ “cung -cầu”. Đã có cung thì ắt phải có cầu và ngược lại. Mối quan hệ này sống được và ngày càng phát triển thành "bệnh", đến mức báo động và Bộ Nội vụ đã có hẳn thành Đề án để nhận diện và tiêu diệt nó.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém". Đảng ta cũng nhiều lần nhấn mạnh tại các kỳ Đại hội, cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng.
Vì thế, để “nịnh bợ” không còn đất phát triển, trước hết, chúng ta phải có một đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, có năng lực, có đạo đức từ cấp dưới đến cấp trên.
Chỉ khi cấp dưới có năng lực thực sự, người ta tự tin hoàn thành và làm tốt công việc mà không phải luồn cúi, nịnh nọt để chạy thành tích, chạy quy hoạch, chạy bổ nhiệm...
Chỉ khi cấp trên có “tâm và tài”, họ sẽ phân định rõ được hiệu quả, chất lượng công việc và lấy đó là ưu tiên hàng đầu. Đồng thời, phân biệt và hạn chế được việc “nịnh bợ” từ cấp dưới. Và một khi người đứng đầu không ưa “nịnh bợ” thì cấp dưới sẽ khó thực hiện được ý đồ không trong sáng của mình.
Cùng với đó, công tác phê bình và tự phê bình cũng phải được làm thực chất, tránh bệnh hình thức như hiện nay.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn phê bình và tự phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất giúp Đảng ta ngày càng thêm mạnh, ngày càng phát triển, càng nâng cao hơn nữa năng lực và sức chiến đấu của Đảng.
Người cũng từng nhấn mạnh, mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy, phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm chứ không phải phê bình người. Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét.
Phê bình trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng, chỉ rõ cho nhau những khuyết điểm, hạn chế của nhau để giúp nhau sửa chữa, cùng tiến bộ. Tự phê là bản thân tự soi, tự sửa lỗi của mình thì mỗi người mới tự mình khắc phục được những hạn chế của bản thân. Chỉ khi làm tốt được những việc này, thì chúng ta mới nhận diện rõ được những biểu hiện của sự suy thoái tư tưởng đạo đức và lợi ích nhóm.
Và khi mỗi cán bộ đảng viên làm tốt việc phê và tự phê, tự soi, tự sửa, tự bản thân họ sẽ ngộ ra rằng, “nịnh bợ” là một việc làm đáng xấu hổ./.
Theo VOV