Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2/2019
Tại phiên họp này, Chính phủ bàn về một số nội dung chính, gồm đánh giá tình hình KT-XH tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2019; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP; báo cáo phương án phân bổ nguồn dự phòng chung vốn ngân sách Trung ương kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; về phân bổ cho các địa phương kinh phí bảo trì đường bộ năm 2018; Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ và kết quả kiểm tra tháng 2/2019 của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và một số nội dung khác.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư, nhìn chung, tình hình KT-XH tháng 2/2019 tiếp tục ổn định, diễn biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2019 tăng 0,8% so với tháng trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng cao ở mức 9,2% so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ năm trước tăng 13,7%), trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 11,5%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm trước tăng 9,25%).
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tăng 5,9% so với cùng kỳ, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 9,9%; khu vực FDI (kể cả dầu thô) tăng 4,3%.
Cả nước có gần 16.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 14,6% về số doanh nghiệp, do một trong những nguyên nhân chính là thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi kéo dài tới 09 ngày. Tuy nhiên, số vốn đăng ký tăng 25,4% so với cùng kỳ. Có trên 10.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng 48,2% so với cùng kỳ.
Vốn FDI thực hiện tăng 9,8%. Đây cũng là mức tăng cao nhất của 2 tháng đầu năm trong vòng 3 năm trở lại đây cả về giá trị và tốc độ tăng. Tính chung, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần đạt 8,47 tỷ USD, tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2019 ước đạt 3,15 triệu lượt khách, tăng 10,12% so với cùng kỳ.
Những thành tựu đạt được của năm 2018 và tiếp tục phát triển ổn định trong 2 tháng đầu năm 2019 là rất phấn khởi, nhưng nền kinh tế nước ta còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước và quốc tế để kịp thời có những phản ứng chính sách phù hợp.
Theo VGP