Còn nhiều băn khoăn về chức danh, mức phụ cấp, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách

18:04, 07/12/2021
Chiều 7/12, tại tổ 2, các đại biểu đã tiến hành thảo luận về công tác cải cách hành chính, tái cơ cấu và chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp; Nghị quyết về số lượng, chức danh, mức phụ cấp, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác ở xã, phường, thị trấn và xóm khối bản.
Toàn cảnh thảo luận tại tổ 2.
Toàn cảnh thảo luận tại tổ 2.

Tham gia thảo luận tại tổ 2 có 23 đại biểu HĐND tỉnh được bầu tại các đơn vị bầu cử: Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành. Ông Hà Xuân Quang - Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Diễn Châu chủ trì phiên thảo luận.

Cùng tham dự có các đồng chí Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ: Võ Thị Minh Sinh - Chủ tịch MTTQ tỉnh; Lê Đức Cường - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ; Hồ Lê Ngọc - Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ; Bùi Thanh An - Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ; Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số Sở, ngành.

Các lãnh đạo tỉnh dự buổi thảo luận tại tổ 2.
Lãnh đạo tỉnh dự thảo luận tại tổ 2.

Cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 22 về số lượng, chức danh, mức phụ cấp, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác ở xã, phường, thị trấn và xóm khối bản trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đại biểu Nguyễn Công Văn (Nghi Lộc) cho rằng cần điều chỉnh ở Điều 7 - Mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của khối, xóm, bản. Hiện địa bàn được sáp nhập nên rộng, đoàn viên, hội viên đông, chi phí đi lại, trách nhiệm quản lý cao hơn, ngân sách tiết kiệm được nhờ sáp nhập tương đối lớn.

Bên cạnh đó, trong dự thảo Nghị quyết dùng từ “bồi dưỡng” là không phù hợp, còn xem nhẹ vai trò của các vị trí này, trong khi một số vị trí khác thì vẫn dùng từ “phụ cấp”. “Đây phải xem là trả thù lao chứ không phải bồi dưỡng thêm”, đại biểu Nguyễn Văn Công nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Công Văn (Nghi Lộc) 

Cũng cho ý kiến vào dự thảo này, đại biểu Hồ Sỹ Nguyệt (Quỳnh Lưu) cho rằng, trong Điều 7, có đối tượng cùng cấp nhưng không được hưởng mức bồi dưỡng tương đương là chi đoàn, chi hội của khối. Đại biểu Hồ Sỹ Nguyệt lý giải, ở cấp khối, mật độ dân cư đông, phát sinh nhiều vấn đề, nên đưa vào khối xóm, thôn, bản ở cùng một mức.

Bên cạnh đó, bất cập từ Nghị định 34, sửa đổi quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, dự thảo Nghị quyết 22 đã bổ sung 2 chức danh: Thú y và Bảo vệ thực vật nhưng không cho tăng tổng chức danh và mức phụ cấp.

Đại biểu Hồ Sỹ Nguyệt (Quỳnh Lưu) phát biểu thảo luận.

“Bổ sung thêm 2 chức danh thú y và bảo vệ thực vật nhưng không vượt quá tổng mức phụ cấp và số lượng chức danh sẽ làm khó, gây khó khăn cho cơ sở”, đại biểu Đặng Thị Thanh (Diễn Châu) bày tỏ quan điểm.

Góp ý vào dự thảo này, một số đại biểu cũng đề xuất bổ sung thêm chức danh Phát thanh cơ sở.

Ông Trần Quốc Chung - Phó Giám đốc Sở Nội vụ giải trình ý kiến của đại biểu.

Giải trình ý kiến đề xuất của các đại biểu, ông Trần Quốc Chung - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của khối, xóm, bản trong dự thảo so với Nghị quyết 22 đã nhiều hơn. Mặt khác, chi đoàn, chi hội hoạt động trên cơ sở xã hội hóa với đoàn phí, hội phí. Thêm nữa, mức chi được đưa ra cũng dựa trên cơ chế chính sách của Trung ương.

Về việc dùng từ “bồi dưỡng” trong dự thảo Nghị quyết được dựa theo quy định của Nghị định 34, ở địa phương cũng cần có sự đồng nhất. Về ý kiến đề nghị bổ sung chức danh Đài Phát thanh cơ sở chưa được Tỉnh ủy cho phép..

Về quy định xã loại 1, 2, 3 tương ứng với 12, 11, 10 người chuyên trách, để đảm bảo tăng mức phụ cấp cho mỗi người. Nếu bổ sung thêm chức danh Thú y và Bảo vệ thực vật vẫn có thể đảm bảo đủ số lượng vì hiện tại nhiều xã vẫn chưa bố trí đủ số lượng cho các chức danh theo quy định.

Các đại biểu HĐND tỉnh tham gia thảo luận tại tổ.
Các đại biểu HĐND tỉnh tham gia thảo luận tại tổ.

Các đại biểu đã tiến hành thảo luận về công tác cải cách hành chính, tái cơ cấu và chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Theo đại biểu Đặng Thị Thanh (Diễn Châu), các chính sách của Nghị quyết dự kiến ban hành chủ yếu hỗ trợ cho khu vực miền núi mà không có vùng đồng bằng. Trong khi đó, ở đồng bằng, nhiều địa phương như Diễn Châu, Yên Thành được biết đến là vùng lúa nhưng việc ưu tiên cho phát triển cây lúa và các mô hình sản xuất khác như phát triển nhà màng, cánh đồng mẫu lớn... vẫn chưa có. HĐND tỉnh cần đưa thêm các chính sách hỗ trợ để khuyến khích người nông dân phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Bà Đặng Thị Thanh cũng nêu một thực tế khác, giá vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp rất cao nhưng sản phẩm đầu ra thấp, dẫn đến tình trạng nông dân bỏ hoang đất nông nghiệp khá nhiều. Cần có chính sách hỗ trợ nông dân trong giá vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Chung (Quỳnh Lưu): Nhiều mô hình thí điểm nông nghiệp không phát huy được hiệu quả.

Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Chung (Quỳnh Lưu), hiện không có sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, nhiều mô hình thí điểm không phát huy được. Cần có sự phối hợp, định hướng giữa các Sở Khoa học - Công nghệ, Nông nghiệp và PTNT trong phát triển các sản phẩm hàng hóa.

Đại diện Sở NN&PTNT giải trình ý kiến của đại biểu.
Đại diện Sở NN&PTNT giải trình ý kiến của đại biểu.

Giải trình các ý kiến thảo luận của đại biểu tổ 2, đại diện Sở NN&PTNT cho biết, Ngành đã đưa ra 10 nhóm chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, trong đó có những chính sách không phân biệt vùng miền, chỉ riêng chính sách về Lâm nghiệp không áp dụng cho vùng đồng bằng. Một số chính sách hỗ trợ đã được Trung ương ban hành thì tỉnh không có chính sách riêng. Về chính sách hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân, trước đây chủ yếu hỗ trợ cho đồng bào miền núi, nhưng hiện nay đã có những nhóm chính sách hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân như xây dựng trang web, thương mại điện tử...

Ngoài ra, một số đại biểu cũng đưa ra ý kiến thảo luận về: cải cách hành chính, công tác giải phóng mặt bằng, hoàn trả lưới điện...

Tổ trưởng tổ thảo luận số 2  - Ông Hà Xuân Quang phát biểu kết luận.

Kết luận phiên thảo luận, Tổ trưởng tổ thảo luận số 2 - ông Hà Xuân Quang đánh giá cao với tinh thần trách nhiệm của đại biểu HĐND tỉnh, khách mời; Đồng thời tiếp thu ý kiến, tổng hợp để trình lên HĐND tỉnh.

 

Thuỳ Dương

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện