Dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Ngọc Hoa - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các ban HĐND tỉnh, một số sở, ngành địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa trình bày báo cáo về các dự án treo, dự án chậm tiến độ và dự án sử dụng đất không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh Nghệ An. |
Qua giám sát của HĐND tỉnh từ đầu tháng 4 đến nay cho thấy, nhiều dự án không triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ; sau khi được gia hạn nhưng vẫn chưa thực hiện hoặc triển khai không đúng tiến độ mới. Đặc biệt, khu vực đô thị có tỷ lệ dự án treo, dự án chậm tiến độ nhiều. Như tại TP Vinh hiện có khoảng 200 dự án với tổng diện tích đất khoảng 600 ha đang chậm tiến độ.
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Cao Tiến Trung trình bày một số nội dung đoàn đề nghị làm rõ sau giám sát. |
Ở đây có trách nhiệm của các sở, ngành và chính quyền các địa phương... Nhiều vấn đề, nhất là các nguyên nhân tồn tại cũng đã được đoàn giám sát chỉ ra.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình - Trưởng đoàn giám sát trao đổi một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả xử lý dự án treo, dự án chậm tiến độ, sử dụng đất không đúng mục đích. |
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung khẳng định: Báo cáo của các Sở, ngành cấp tỉnh và đoàn giám sát đã cho UBND tỉnh cái nhìn tổng thể để làm cơ sở giải quyết tồn tại của các dự án chậm tiến độ, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư cũng như tạo lực cản cho sự phát triển.
Quan điểm của UBND tỉnh là phải nhìn thẳng vào sự thật, thấy rõ những vướng mắc để quyết tâm tháo gỡ... Vì vậy, trước mắt, UBND tỉnh sẽ tập trung xử lý các dự án đã được HĐND tỉnh giám sát, kiểm tra; những dự án không có khả năng triển khai sẽ kiên quyết thu hồi. Trong giai đoạn mới phải kiểm soát ngay từ ban đầu đối với các nhà đầu tư, có ràng buộc chặt chẽ trên cơ sở quy định của pháp luật...
UBND tỉnh sẽ tham mưu để BTV Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết trong xử lý các dự án chậm tiến độ.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý kết luận nội dung về các dự án treo, dự án chậm tiến độ và dự án sử dụng đất không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh Nghệ An. |
Phát biểu kết luận về nội dung này, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý nêu 6 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là đồng ý chủ trương xây dựng nghị quyết để BTV ban hành về xử lý các dự án chậm tiến độ; Hoàn thiện các văn bản pháp luật, nhất là trình tự thủ tục đầu tư, quy trình thu hồi các dự án; Giải quyết các vấn đề lâu nay còn vướng mắc.
Đồng chí Thái Thanh Quý cũng đồng tình cao với đề xuất của Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn giám sát về việc số hoá toàn bộ các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Các sở, ngành liên quan, sau cuộc làm việc này phải bắt tay ngay vào việc rà soát, phân loại kỹ đối với các dự án, trên quan điểm đồng hành cùng nhà đầu tư, nếu không thực hiện sẽ phải thu hồi. Đồng chí nhấn mạnh đây là một vấn đề nhạy cảm, nhiều thách thức, khó khăn nhưng không thể không làm.
Về công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ năm 2015 đến năm 2020, đoàn giám sát HĐND tỉnh đánh giá: Bên cạnh những kết quả đạt được, mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuy đã có sự sắp xếp, sáp nhập nhưng vẫn còn dàn trải, trùng lặp chức năng nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ đào tạo còn thiếu về số lượng, chất lượng. Chương trình đào tạo chưa thực sự linh hoạt, chưa đa dạng, chưa cập nhật kịp với xu hướng công nghệ mới. Nguồn lực kinh phí đầu tư còn hạn chế, cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo… Chất lượng lao động qua đào tạo nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp tại Nghệ An hiện vẫn không tuyển đủ lao động có tay nghề.
Toàn cảnh buổi làm việc. |
Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý nêu rõ: Ngay từ bây giờ, tỉnh và các ngành liên quan phải rà soát lại các trung tâm, trường nghề để đầu tư nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm; Tiếp tục sắp xếp lại các trung tâm, trường nghề theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH và trong thẩm quyền của tỉnh phù hợp với xu thế phát triển, yêu cầu của xã hội cũng như thực tiễn tại các địa bàn của Nghệ An; Rà soát lại đội ngũ giáo viên đang công tác tại các trung tâm, trường nghề để cân đối số lượng. Trong thời gian tới chỉ cho phép tuyển dụng, bổ sung thêm giáo viên thực hành…
Về kết nối cung cầu lao động, đồng chí Thái Thanh Quý nhấn mạnh: Đây không chỉ là trách nhiệm riêng của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, còn có vai trò chính quyền ngay từ cơ sở để kết nối với doanh nghiệp trong giải quyết việc làm cũng như công tác đào tạo nghề./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin