Bố trí nguồn vốn đối ứng thực hiện các chương trình, dự án, chính sách đầu tư trong vùng đồng bào DTTS

18:50, 08/12/2022
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 11, chiều 8/12, HĐND tỉnh đã tiến hành nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đối với ông Trịnh Thanh Hải, Giám đốc Sở Tài chính về việc bố trí nguồn vốn đối ứng của tỉnh thực hiện các chương trình, dự án, chính sách đầu tư trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo cơ cấu quy định của từng chương trình, dự án, chính sách nhằm phát huy mọi nguồn lực để đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển nhanh và bền vững. 

Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành phiên chất vấn.

Dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các huyện, thành, thị xã.

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 8/12.

Mở đầu phiên chất vấn, ông Trịnh Thanh Hải - Giám đốc Sở Tài chính đã đăng đàn trả lời về nội dung bố trí nguồn vốn đối ứng của tỉnh thực hiện các chương trình, dự án, chính sách đầu tư trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo cơ cấu quy định của từng chương trình, dự án, chính sách nhằm phát huy mọi nguồn lực để đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển nhanh và bền vững. 

Ông Trịnh Thanh Hải - Giám đốc Sở Tài chính trả lời chất vấn.

Nội dung chất vấn này đã nhận được 11 lượt đại biểu đặt câu hỏi. Cùng với Giám đốc Sở Tài chính, đại diện lãnh đạo các đơn vị gồm: Sở KHĐT và Sở GTVT đã làm rõ các nội dung mà đại biểu và cử tri quan tâm liên quan đến việc đầu tư xây dựng nâng cấp tuyến đường tỉnh lộ lộ 532 đi qua các địa bàn Châu Lộc, Liên Hợp, Châu Hồng, Châu Tiến.. hiện đã xuống cấp nghiêm trọng; Việc không bố trí đủ vốn đối ứng thì có ảnh hưởng gì đến tiến độ cũng như chất lượng các công trình dự án trong chương trình mục tiêu quốc gia hay không?

Đại biểu Đinh Anh Dũng (Kỳ Sơn) nêu câu hỏi chất vấn.

Trả lời câu hỏi đại biểu Đinh Anh Dũng (Kỳ Sơn) nêu về việc triển khai Kế hoạch vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển Kinh tế - Xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An có xác định được hiệu quả sau đầu tư để đạt được mục tiêu và chỉ tiêu mà Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ đề ra hay không? Và định hướng phấn đấu để đạt được những mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản nào? Những giải pháp cơ bản để tổ chức thực hiện có hiệu quả mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra? Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải cho biết với mục tiêu xây dựng nền KT- XH vì dân, hướng tới bình đẳng, công bằng, bền vững, tỉnh đã tập trung xây dựng nền kinh tế đảm bảo bình đẳng giữa cơ hội và thu nhập, đảm bảo quyền an sinh xã hội và đảm bảo việc tiếp cận các dịchv ụ thiết yếu cơ bản.

 Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải trả lời vấn đề đại biểu chất vấn.

Trong đó, đặc biệt quan tâm vùng đồng bào DTTS miền núi. Tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn thách thức do đặc thù đất rộng người đông, dân số chủ yếu sống ở vùng nông thôn, riêng sống ở khu vực miền núi có đến 1,2 triệu người, chiếm 83% diện tích toàn tỉnh, địa hình phức tạp. Nghệ An hiện có 76 xã và 588 thôn bản đặc biệt khó khăn. Giải pháp cơ bản để thực hiện các chương trrình MTQG phải bám vào mục tiêu tổng quát để định lượng mục tiêu cả năm và giai đoạn; phải lựa chọn những dự án có tính trọng yếu, cấp thiết, có hiệu quả ngay và có tính lan toả để ưu tiên thực hiện; Lồng ghép nguồn vốn để đảm bảo vốn đối ứng, tranh thủ tối đa nguồn lực TW dành cho địa phương; Thực hiện đẩy mạnh phân cấp giao quyền. Theo QĐ 1719 của TTCP đã nêu cụ thể: Tăng mức thu nhập bình quân của người DTTS, giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm trên 2,5%; 100 % xã có đường ô tô đến trung tâm được rải nhựa hoặc bê tông, 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được kiên cố hoá; Tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi được đến trường trên 98%…

Các đại biểu dự kỳ họp.

Dự thảo báo cáo tổng kết NQ26 có đánh giá có một số chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu QĐ1719 đã đề ra như tỷ lệ nông thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hoá là 72%; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi tiểu học đến trường đạt 99,2%… Một số chỉ tiêu gần đạt như tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm có rải nhựa… Từ những kết quả này, về cơ bản có thể khẳng định tính hiệu quả của chương trình mục tiêu quốc giá sau khi được triển khai. Còn một số mục tiêu có khoảng cách còn xa. Để thực hiện được những mục tiêu trên hiệu quả cần được giám sát , đánh giá thường xuyên. Vì vậy, ngay sau khi Thường trực HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết quy định về triển khai các chương trình MTQG, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 768 ngày 7/1/2022 để giám sát đánh giá thực hiện việc thực hiện chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025.

Đại biểu Trần Thị Thanh Huyền (Thanh Chương) nêu chất vấn.

Về vấn đề đại biểu Trần Thị Thanh Huyền (Thanh Chương) nêu việc phân cấp trao quyền, phân công nhiệm vụ trong triển khai thực hiện NQ 27 của CP trên địa bàn tỉnh như thế nào? Có phân cấp trao quyền cho cấp xã không, nếu có các công trình có quy mô giá trị như thế nào? Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải cho biết, việc phân cấp trao quyền cho chính quyền địa phương các cấp là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện chương trình, đáp ứng yêu cầu CCHC, đảm bảo sự chỉ đạo điều hành thống nhất, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chủ tự chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền. 

Trong quá trình thực hiện, Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm vấn đề này. UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định uỷ quyền cho Chủ tịch UBND các huyện, thành thị được tự quyết định đầu tư các dự án thuộc nhóm C thuộc phạm vi 1 địa phương do mình quản lý, được sử dụng nguồn vốn đối ứng có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng. Đối với cấp xã cũng cần được đẩy mạnh. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại chưa thể triển khai do UBND tỉnh chưa ban hành các danh mục các dự án đáp ứng theo cơ chế đặc thù; các ngành chuyên môn cần phải có hướng dẫn cấp xã triển khai thực hiện. Danh mục các dự án, Sở KHĐT đã trình UBND tỉnh ban hành. Tới đây các Sở ngành sẽ có hướng dẫn. Riêng liên quan đến lĩnh vực thanh quyết toán, Sở Tài chính đã tham mưu theo hướng thanh quyết toán rút gọn. UBND cấp xã thẩm tra phê duyệt quyết toán các dự án đầu tư đáp ứng tiêu chí thực hiện theo cơ chế đặc thù có tổng mức từ 500 triệu đến dưới 5 tỷ; Cho phép UBND cấp xã không thực hiện quyết toán dự án hoàn thành các công trình có tổng mức dưới 500 triệu đồng.

Đại biểu Quế Thị Trâm Ngọc (Quỳ Châu) nêu câu hỏi chất vấn.

Đại biểu Quế Thị Trâm Ngọc (Quỳ Châu) nêu câu hỏi: Điều 6 Quyết định 39 năm 2021 của CP có quy định các địa phương bố trí đủ nguồn vốn nguồn ngân sách địa phương để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Đối với các địa phương không bố trí đủ vốn đối ứng trong năm thì theo quy định khi phân bổ kế hoạch trong năm sau Trung ương sẽ trừ đi tương ứng với số vốn đối ứng mà địa phương còn thiếu. Vậy tình hình triển khai của tỉnh Nghệ An theo quy định trên như thế nào? Nếu không bố trí đủ vốn đối ứng mà năm sau Trung ương trừ đi thì có ảnh hưởng gì đến tiến độ cũng như chất lượng các công trình dự án trong chương trình mục tiêu quốc gia hay không?

Các đại biểu tham dự kỳ họp.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, qua thông tin nắm bắt có thể khẳng định vốn đối ứng các chươgn trình mục tiêu quốc gia được đảm bảo. Bởi: trong quá trình triển khai thực hiện, quan điểm chỉ đạo điều hình xuyên suốt ưu tiên bố trí vốn cho các công trrình dự án thuộc miền núi, vùng đồng bào DTTS. Chính quyền các cấp và các cơ quan liên quan tiến hành chủ động nắm bắt nhu cầu địa phương đã xây dựng nheièu đề án, dự án phù hợp, cùng nội dung mục tiêu với chương trình MTTQ để đẩy mạnh thực hiện; Các cấp chính quyền của tỉnh đúc rút được nhiều kinh nghiệm khi triển khai 2 chương trình MTTQ trước đây; Quan tâm sớm ban hành các văn bản pháp lý giao nhiệm vụ cho các địa phương để phê duyệt các dự án và giao vốn để khẩn trương thực hiện. Thực tế thời gian qua, chương trình MTTQ về phát triển vùng đồng bào DTTQ và miền núi, Trung ương giao dự kiến 4380 tỷ, theo quy định tỉnh Nghệ An phải đối ứng nguồn vốn 438 tỷ. Nghệ An đã cân đối đủ.

Ông Nguyễn Xuân Đức - Giám đốc Sở KHĐT trao đổi làm rõ vấn đề đại biểu nêu.

Bổ sung phần trả lời cho câu hỏi của đại biểu Quế Thị Trâm Ngọc, ông Nguyễn Xuân Đức - Giám đốc Sở KHĐT cho biết: Kế hoạch đầu tư công trung hạn được làm từ đầu nhiệm kỳ, trong khi 3 chương trình mục tiêu quốc gia hơn 1,5 năm sau mới có kế hoạch nên vốn phân bổ theo dự toán của Sở Tài chính và ngành KHĐT dẫn đến vốn đối ứng trực tiếp 3 chương trình này gặp khó khăn. Tuy nhiên đối với quy định của Trung ương không quy định đối ứng trực tiếp, chỉ quy định đối ứng trên địa bàn. Như vậy nguồn đối ứng của Sở Tài chính hơn 500 tỷ, KHĐT hơn 1.000 tỷ, tổng nguồn vốn đối ứng trên địa bàn tỉnh hơn 1.500 tỷ đồng. Trong khi đó, 3 chương trình này chỉ cần mức vốn đối ứng hơn 500 tỷ đồng. Vì vậy, đai biểu không cần phải lo lắng về việc không đủ nguồn vốn đối ứng thực hiện chương trình. Còn vốn đối ứng trực tiếp của 3 chương trình này sẽ được Sở Tài chính và Sở KHĐT phối hợp cân đối bố trí trong thời gian tới.

Đai biểu Hà Thị Phương Thảo (Nghĩa Đàn) nêu câu hỏi chất vấn.

Đai biểu Hà Thị Phương Thảo (Nghĩa Đàn) nêu câu hỏi: Thời gian qua, ngoài bố trí nguồn sự nghiệp đối ứng cho các chương trình vùng đồng bào DTTS, Sở Tài chính đã tham mưu cho UBND tỉnh bố trí những công trình dự án nào trên vùng đồng bào DTTS và miền núi? Tình hình bố trí vốn sự nghiệp cho các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025?

Trả lời câu hỏi này, ông Hải cho biết, tổng vốn sự nghiệp trung ương đã dự kiến bố trí cho 3 chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh 2663 tỷ. Nguồn vốn đối ứng từ nguồn chi ngân sách thường xuyên của tỉnh theo quy định phải bố trí 702 tỷ, trong đó chương trình NTM 557 tỷ, giảm nghèo bền vững 60 tỷ, phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS 174 tỷ đồng. Với điều kiện ngân sách địa phương thời gian qua gặp nhiều khó khăn, bên cạnh phải thực hiện nhiệm vụ đảm bảo chính sách tiền lương, an sinh xã hội, tỉnh còn phải thực hiện các chính sách cơ chế ban hành. 2 chương trình MTQG triển khai trước đây, vốn đối ứng bố trí chủ yếu được tính toán lồng ghép với các chương trrình khác được triển khai trên địa bàn có cùng mục tiêu, nội dung. Tổng số vốn ngân sách địa phương đã dự kiến bố trí đối ứng nguồn vốn sự nghiệp 2.174 tỷ đồng cho 3 chương trình MTQG: NTM 1.542 tỷ; giảm nghèo bền vững 282 tỷ; DTTS và miền núi 349 tỷ đồng. Trong đó vốn sự nghiệp bố trí theo báo cáo NTM 1.300 tỷ đồng; giảm nghèo bền vững 842 tỷ đồng; DTTS và miền núi 349 tỷ đồng . Như vậy nguồn vốn đối ứng các chương trình cơ bản được đảm bảo. Ngoài bố trí kinh phí sự nghiệp, Sở Tài chính đã tham mưu UBDN tỉnh trình HĐND tỉnh bố trí vốn từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi từ nguồn ngân sách TW theo Nghị quyết 36 của Quốc hội cho 123 công trình dự án. Tổng kinh phí đã thực hiện 444 tỷ đồng. Đa số các dự án được chọn đều là những dự án dân sinh cấp bách, giao thông kết nối lan toả…

Đại biểu Lê Thị Thêu (Tân Kỳ) nêu chất vấn.

Liên quan đến vấn đề đại biểu Lê Thị Thêu (Tân Kỳ) nêu vốn đầu tư phát triển năm 2022 chương trình MTQG khu vực đồng bào DTTS và miền núi cần bố trí vốn cho 44 công trình với số vốn đối ứng 49 tỷ 254 triệu đồng trong khi dự toán đầu năm được giao. Số kinh phí đối ứng có đối ứng được không và từ nguồn nào? Giám đốc Sở Tài chính cho biết vốn đầu tư đối ứng cho cân đối ngân sách địa phương, theo quy định kinh phí đối ứng vốn đầu tư thưc hiện các chương trình MTTQ được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, mức đối ứng 10%. Số kinh phí đối ứng cần bố trí trong cả giai đoạn 263 tỷ đồng. Riêng số kinh phí cần bố trí đối ứng trong năm 2022 là 49 tỷ đồng. Trong thực hiện chương trình, Trung ương quy định tỷ lệ đối ứng theo quy định được giao sau thời điểm xây dựng và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Vì vậy việc rà soát sắp xếp nguồn vốn bố trí đối ứng tương đối khó khăn. Tuy nhiên nếu tính theo địa bàn và lĩnh vực đầu tư thuộc chương trình, Sở KHĐT báo cáo đã phân bổ 1.056 tỷ cho 44 dự án. Đây là giải pháp lồng ghép. Ngoài ra Sở cũng tham mưu hỗ trợ một số dự án trên địa bàn, cụ thể là 123 dự án với tổng mức 444 tỷ đồng. Về cơ bản kinh phí đối ứng đã được đảm bảo theo quy định. Thời gian tới tiếp tục phối hợp Sở KHĐT rà soát nguồn trong đầu tư công trung hạn và nguồn bố trí khác để các chương trình mục tiêu quốc gia được đảm bảo.

Đại biểu Nguyễn Thị Thúy An (Anh Sơn) nêu chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Thị Thúy An (Anh Sơn): Thời điểm này đã cuối năm nhưng một số địa phương có bố trí nguồn vốn các công trình lớn cần có thời gian thực hiện quy trình đấu thầu. Nếu đến hết năm chưa thực hiện giải ngân kịp thời có nguy cơ bị thu hồi vốn, Sở có hướng xử lý như thế nào để các địa phương vừa không bị thu hồi vốn và thực hiện đúng quy trình hồ sơ không bị sai phạm?  Trả lời câu hỏi của đại biểu Thuý An, ông Hải cho biết, việc giải ngân chậm có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó 3 nguyên nhân chủ yếu: Năm đầu tiên triển khai thực hiện nên văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành TW còn chậm, một số thiếu tính kế thừa, nội dung chưa quy định rõ, hướng dẫn chưa phù hợp khó thực hiện;  Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của chương trình được TTCP giao muộn, quỹ thời gian thực hiện không còn nhiều; danh mục các dự án thuộc chương trình đều khởi công mới nên việc hoàn thiện hồ sơ thủ tục quy trình đòi hỏi nhiều thời gian. Nguyên nhân muộn cũng đã được các Bộ ngành tổng hợp để Chính phủ báo cáo và được Quốc hội đồng ý cho gia hạn đến tháng 31/12/2023. Về hướng xử lý, trước hết sẽ phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện chuyển nguồn; phân công phân cấp giao quyền sớm cho chính quyền địa phương các cấp, nhất là cấp xã để tăng cường kiểm tra giám sát.

Đại biểu Nguyễn Thị Anh Hoa (Diễn Châu) nêu câu hỏi chất vấn.

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Anh Hoa (Diễn Châu) về NQ16/2017 trước đây và hiện nay là NQ 05 năm 2022 của HĐND tỉnh về nguyên tắc, tiêu chí định mức phân bổ vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi có quy định ngân sách địa phương sẽ đối ứng tối thiểu 10% tổng ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện chương trình. Đề nghị Giám đốc Sở Tài chính cho biết cơ chế điều hành tỷ lệ cân đối tỷ lệ đối ứng này trong việc cấp ngân sách thời gian vừa qua như thế nào và gia đoạn 2021 - 2025 sẽ như thế nào để đảm bảo tính khả thi trong khi các địa phương được thụ hưởng chính sách này rất khó khăn, nguồn lực còn hạn chế, người đứng đầu Sở Tài chính cho biết theo quy định của Trung ương bố trí nguồn đối ứng 10% cho chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững được thực hiện ở 3 cấp: tỉnh, huyện, xã. Tuy nhiên đối tượng thụ hưởng chương trình này tập trung ở khu vực đồng bào DTTS và miền núi nên ngân sách cấp huyện, xã không đủ nguồn lực để bố trí đối ứng cho chương trình nên ngân sách tỉnh bố trí là chủ yếu. Cách thức chủ yếu là bố trí lồng ghép. Về tính hiệu quả, qua tiếp cận các báo cáo về cơ bản mục tiêu giảm nghèo đạt kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung giai đoạn 2016 - 2020 giảm 1,7%, cao hơn tỷ lệ bình quân chung của cả nước 1,53%, cao hơn so với mục tiêu Quốc hội đề ra từ 1-1,5%. Bên cạnh đó, chương trình cũng đã góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện chương tình MTQG về NTM, tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội. Về định hướng trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện việc lồng ghép ngoài đảm bảo nguồn vốn đói ứng tranh thủ sự hỗ trợ từ Trung ướng, tránh đầu tư dàn trải gây thất thoát lãng phí; Tham mưu rà soát các cơ chế chinh sách về giảm nghèo để tham mưu bố trí nguồn vốn hợp lý, nhằm củng cố tạo niềm tin trong nhân dân với Đảng, chính quyền.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh kết luận nội dung chất vấn về việc bố trí nguồn vốn đối ứng của tỉnh thực hiện các chương trình, dự án, chính sách đầu tư trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều nay, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý đánh giá các đại biểu nêu câu hỏi đúng và trúng, nội dung ngắn gọn, súc tích, đi thẳng vào vấn đề. Đại diện lãnh đạo các ngành, đơn vị liên quan đã nắm chắc vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý, đã trả lời đầy đủ, thẳng thắn các vấn đề chất vấn, tranh luận của đại biểu. 

Từ kết quả thực hiện bố trí nguồn vốn đối ứng của tỉnh trong thực hiện các chương trình, dự án vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp nghiên cứu, tổ chức thực hiện một số giải pháp sau: Việc thực hiện 03 Chương trình MTQG, trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là Chương trình mới, có nhiều nội dung (10 dự án, 14 tiểu dự án, 36 nội dung hỗ trợ đầu tư) nhiều đầu mối chủ trì, quản lý, tổ chức thực hiện (08 sở, ngành và 12 huyện, thị xã), vì  vậy, cần đảm bảo  tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước… và  các  quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; các Nghị quyết của HĐND tỉnh về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn NSNN thực hiện Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 và hàng năm trên địa bàn tỉnh Nghệ An và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến các Chương trình.

Đồng thời, tập trung ưu tiên nguồn lực để thực hiện các chính sách do Trung ương đã ban hành đối với vùng miền núi, dân tộc; đồng thời, rà soát để khắc phục tình trạng phân tán, thiếu nguồn lực trong tổ chức thực hiện. Bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, khu vực kinh tế trọng điểm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ưu tiên bố trí vốn để thực hiện các dự án đã có quyết định đầu tư và đang thực hiện dở dang để từng bước đẩy nhanh hơn tiến độ; xem xét, bố trí vốn trả nợ, quyết toán các hạng mục đã thực hiện tại các dự án.

Toàn cảnh kỳ họp lần thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIIl, chiều 8/12.

Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu quản lý quy hoạch, cung cấp thông tin quy hoạch trực tuyến; từng bước thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát quá trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành với chính quyền địa phương cấp huyện, xã và các cơ quan liên quan; tích cực, chủ động nâng cao trách nhiệm, thực hiện có hiệu quả việc bố trí lồng ghép các nguồn vốn đối ứng của tỉnh trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về việc triển khai thực hiện bố trí nguồn vốn. Điều chỉnh các chương trình, dự án cho phù hợp với thực tế đảm bảo khoa học, hợp lý, phục vụ nhu cầu của nhân dân về phát triển kinh tế - vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của 03 chương trình MTTQ trên địa bàn vùng DTTS của Tỉnh.

Nhóm PV

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện