Cử tri kiến nghị gì về quy trình vận hành xả lũ ở các hồ chứa thủy điện, thủy lợi?

17:32, 08/12/2022
Trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIIII vào chiều nay (8/12), cử tri quan tâm  nhiều đến quy trình vận hành xả lũ, sau khi xả xong có thể có những khu vực ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, làm sạt lở đất đai vườn tược rau màu, cơ chế trách nhiệm của chủ đầu tư của các công trình thuỷ điện thuỷ lợi này như thế nào?

Giải trình tại phiên chất vấn, ông Phạm Văn Hoá - Giám đốc sở Công Thương Nghệ An chỉ rõ, Quy trình liên hồ chứa do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tại Nghệ An có 2 quy trình liên hồ là Sông Cả và Sông Mã. Trên lưu vực sông Cả gồm, Bản Vẽ, Khe Bố, Nậm Nơn, Chi Khê, Châu Thắng, Nhạn Hạc A, Nậm Mô, Bản Ang, Bản Mồng (Bản Mồng chưa vận hành); Liên hồ Sông Mã gồm: Hủa na, Đồng văn (hạ lưu đổ về tỉnh Thanh Hóa liên quan ít đến Nghệ An).

Ông Phạm Văn Hoá - Giám đốc sở Công Thương Nghệ An trả lời chất vấn cử tri kỳ họp 11, HĐND tỉnh Nghệ An. 
Ông Phạm Văn Hoá - Giám đốc sở Công Thương Nghệ An trả lời chất vấn cử tri kỳ họp 11, HĐND tỉnh Nghệ An. 

Thẩm quyền phê duyệt được quy định tại Điều 12 Nghị định 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Trong đó Bộ Công Thương phê duyệt, công bố công khai quy trình vận hành hồ chứa thủy điện quan trọng đặc biệt và hồ chứa thủy điện được xây dựng trên địa bàn 2 tỉnh trở lên (trong đó thuỷ điện Bản Vẽ do Bộ Công Thương phê duyệt).

Đối với hồ chứa nước nhỏ (đập có chiều cao dưới 10m hoặc hồ chứa nước có dung tích toàn bộ dưới 500.000 m3.), Chủ đầu tư lập quy trình vận hành và công bố công khai. (Nậm Giải, Ca Lôi, Sao Va, bản Cánh, Nậm cắn 2, Bản Cốc).

Các đại biểu tham dự kỳ họp.

UBND tỉnh phê duyệt, công bố công khai hoặc phân cấp cho UBND cấp huyện phê duyệt, công bố công khai quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, trừ hồ chứa thuộc thẩm quyền của Bộ và Chủ đầu tư tự phê duyệt ở trên. (ở ta chưa thực hiện phân cấp cho huyện) 

Cũng theo Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An, hiện nay, trên địa bàn có 22 hồ chứa thủy điện đang tích nước phát điện. Có 2 hồ chứa là hồ điều tiết năm và nhiều năm (Hủa Na, Bản Vẽ), còn lại 20 hồ chứa là hồ vận hành theo chế độ điều tiết ngày đêm. 

Nhà máy thủy điện Khe Bố xả lũ. (Tư liệu)

Công tác cảnh báo khi vận hành xả lũ trong trường hợp bình thường và trong tình huống khẩn cấp, cảnh báo khi vận hành phát điện được quy định rõ trong Quy trình vận hành liên hồ và đơn hồ chứa, cụ thể: Quy định tối thiểu trước 04 giờ phải thông báo trước khi vận hành mở cửa xả nước đầu tiên. Đồng thời chủ hồ phát tín hiệu cảnh báo, phát lệnh, truyền lệnh, thực hiện lệnh vận hành xả lũ. Việc cảnh báo sớm cho người dân ở vùng hạ du trước khi hồ chứa thủy điện xả lũ thời gian qua được thực hiện bằng văn bản, tin nhắn, loa truyền thanh, hệ thống Đài phát thanh, truyền hình và báo đến người dân vùng hạ du hồ chứa thủy điện theo thời gian quy định tại quy trình vận hành để người dân chủ động phòng tránh. 

Việc thực hiện công tác quản lý nhà nước theo thẩm quyền của Sở Công Thương được thực hiện không phân biệt loại đập, hồ chứa. Qua kiểm tra, theo dõi cơ bản các nhà máy thủy điện nhỏ thực hiện nghiêm quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa quy định tại Nghị định 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và Thông từ 09/2019/TT-BCT ngày 08/7/2019 của Bộ Công Thương về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện.

Các đại biểu tham dự kỳ họp.

Qua kiểm tra ghi nhận 22/22 nhà máy thủy điện đã vận hành có phương án ứng phó thiên tai trong quá trình vận hành đã được phê duyệt. 03/03 nhà máy thủy điện đang thi công có Phương án ứng phó thiên tai trong quá trình thi công được phê duyệt. Công tác vận hành hồ chứa thủy điện trong mùa mưa bão, tuân thủ các quy định trong quy trình. Các nhà máy thực hiện tốt các công điện chỉ đạo của các cấp trong công tác phòng chống thiên tai. Các nhà máy trên địa bàn đã tổ chức diễn tập các phương án PCTT, trong đó có một số nhà máy có phối hợp với chính quyền địa phương trong diễn tập.

Đến nay, hầu hết các nhà máy đã chuẩn bị cơ bản đầy đủ số lượng vật tư, thiết bị theo phương án ứng phó thiên tai đã được phê duyệt. Đoàn kiểm tra yêu cầu các nhà máy kiểm kê lại số lượng vật tư theo danh sách các phương án đã được phê duyệt, nếu không đủ nguồn lực để mua sắm hết tất cả vật tư, thiết bị theo phương án, các nhà máy thủy điện cần ký hợp đồng với các công ty có năng lực ở địa phương, để kịp thời cấp bổ sung cho nhà máy khi có tình huống xấu xảy ra.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh kết luận nội dung chất vấn về công tác quản lý, vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong mùa mưa lũ.

Tại phiên chất vấn này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý nêu rõ, cả nước có 1700 hồ chứa nước thuỷ lợi, thuỷ điện, riêng Nghệ An có 22 hồ thuỷ điện có 1083 đập hồ chứa nước thuỷ điện, thuỷ lợi, chiếm 15,3% của cả nước. 

Như vậy, Nghệ An quản lý số lượng rất lớn về các hồ đập, địa phương chịu tác động trực tiếp nặng nề thiên tai, nhất là lũ và lụt. Trong năm 2022, năm thiên tai ảnh hưởng nghiệm trọng đời sống nhân dân, chỉ tính riêng cơn bão số 4 thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng.

Hàng năm, việc vận hành hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi được cử tri quan tâm lo lắng. Tuy nhiên nhiều năm qua, tỉnh Nghệ An đã làm được số việc nhất định, như cơ chế điều hành thống nhất từ tỉnh xuống đến xã, bằng cáchs thành lập ban chỉ huy phòng chống tiên tai, tìm kiếm cứu nạn, xây dựng quy chế chính quyền địa phương các ngành với các chủ hồ chứa để thực hiện quy trình vận hành hồ chứa. 

Các đại biểu tham dự kỳ họp.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý thực tiễn đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải quan tâm giải quyết, khắc phục đó là số lượng công trình hồ đập thủy lợi bị xuống cấp nhiều, nguy cơ mất an toàn cao. Thiếu các thiết bị quan trắc, dự báo hiện đại; chưa có hệ thống giám sát vận hành hồ chứa, hệ thống thông tin cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du; chưa xây dựng bản đồ ngập lụt; thiếu hệ thống lưu trữ hồ sơ, hệ thống cơ sở dữ liệu… Việc vận hành xả lũ tại một số hồ chứa thủy điện, thủy lợi lớn thiếu sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương sở tại, công tác thông tin tuyên truyền cho người dân chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến vẫn còn tình trạng người dân bị động, không nắm được thông tin. Một bộ phận cán bộ, chính quyền cơ sở chưa làm tròn trách nhiệm tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức phòng tránh thiên tai cho người dân, bản thân nhiều người dân còn chủ quan, bất cẩn dẫn đến nhiều trường hợp tử vong đáng tiếc trong các đợt bão, lũ. Nguồn kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai hạn chế; Công tác di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai triển khai chậm, kéo dài; các vướng mắc liên quan chậm được tháo gỡ (như Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư để di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai xã Hưng Hoà, thành phố Vinh kéo dài đến nay là 09 năm).

Toàn cảnh kỳ họp lần thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIIl, chiều 8/12.

Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị quan tâm một số nhiệm vụ trong thời gian tới: trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành của các tổ chức, cá nhân về quản lý, vận hành an toàn đập, hồ chứa nước với quan điểm “An toàn tính mạng và bảo vệ tài sản của Nhân dân là trên hết, trước hết”. Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa, lũ và việc vận hành hồ chứa, liên hồ chứa để chỉ đạo phòng, chống lũ lụt và xử lý các tình huống bất thường có ảnh hưởng đến an toàn hạ du, muốn vậy phải: Quan tâm đầu tư thiết bị quan trắc, dự báo, giám sát; Quan tâm củng cố lực lượng quản lý đập, hồ chứa nước có đủ năng lực, chuyên môn; tổ chức tốt việc theo dõi, kiểm tra đập, hồ chứa nước trước, trong và sau mùa mưa, lũ nhằm phát hiện sớm những nguy cơ gây mất an toàn công trình và có biện pháp xử lý kịp thời, tránh để xảy ra sự cố. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, an toàn đập, hồ chứa nước; kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm; Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các hoạt động đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp đập, hồ chứa nước trên địa bàn. Tăng cường đầu tư sửa chữa, nâng cấp đập, hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo an toàn trước mùa mưa, lũ hàng năm. Tổ chức diễn tập, hướng dẫn nhân dân chủ động ứng phó với các tình huống khẩn cấp.

Nhóm PV

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện