Đảm bảo cân đối các chỉ tiêu thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi
Cần thêm chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số
Đánh giá việc xây dựng Đề án đã thể hiện sự chăm lo đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) cho rằng, Đề án đã đánh giá một cách toàn diện, khách quan thực trạng và đề ra các giải pháp đảm bảo tính lý luận, thực tiễn cao.
Đồng tình với tiêu chí phân loại thôn, xã đặc biệt khó khăn được thể hiện trong Đề án, tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo Đề án quan tâm xem xét thêm về nội dung đối với loại xã ở vùng trọng điểm có công trình quốc phòng đặc biệt mà chưa đạt tiêu chí như Đề án nêu. Các xã này thường nằm trong diện quản lý rất chặt chẽ về mọi mặt, không được đầu tư khai thác mà luôn được bảo tồn để xây dựng thế trận lòng dân.
“Tuy Nhà nước đã có nhiều sự quan tâm nhưng ở chừng mực nào đó còn những khó khăn. Nếu không để cho các xã này được thụ hưởng các chính sách đầu tư của Đề án, xã khó có khả năng phát triển theo kịp các địa phương khác. Người dân và cán bộ ở đó sẽ rất bị thiệt thòi”, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang khẳng định.
Để phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước cần đánh thức được tiềm năng, phát huy được lợi thế của vùng, giúp đồng bào khơi dậy nội lực làm giàu, làm chủ chính trên mảnh đất của mình. Trong đó, việc phát triển hạ tầng thiết yếu, nhất là hạ tầng giao thông và thông tin kết nối, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo thu nhập là vấn đề đặc biệt quan trọng.
Đối với việc phát triển hạ tầng, đại biểu tán thành với dự thảo Đề án. Về vấn đề tạo sinh kế, từ thực tế địa phương, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang cho rằng, cần tập trung ở một số vùng sâu, vùng xa, có chính sách hỗ trợ đồng bào xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình gắn với đặc thù của vùng miền núi như: chăn nuôi, trồng trọt một số cây, con chủ lực... bởi những mô hình kinh tế này không cần đầu tư lớn, có thể tận dụng sức lao động, “lấy công làm lãi”; thay đổi bộ mặt cảnh quan nông thôn miền núi, mang lại giá trị về kinh tế bền vững, thường xuyên.
Đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang cho rằng, cần có chính sách thu hút những doanh nghiệp, dự án nhà máy sử dụng nhiều lao động địa phương và hỗ trợ khởi sự kinh doanh khởi nghiệp. Theo đại biểu, về hai vấn đề này, dự thảo Đề án đã giải quyết khá tốt và cụ thể.
Từ thực tế thành công của một số doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An như chăn nuôi bò sữa, chế biến gỗ, trồng và chế biến dược liệu…, đại biểu đề xuất cần hỗ trợ đầu tư, thu hút những mô hình doanh nghiệp theo hướng doanh nghiệp là trung tâm, người dân là vệ tinh xung quanh doanh nghiệp.
“Ở đó, doanh nghiệp vừa sản xuất một phần, nhưng vẫn đầu tư giống và hướng dẫn kỹ thuật để người dân sản xuất, chăn nuôi, sau đó thu mua, chế biến sản phẩm của bà con”, đại biểu Trang nêu ví dụ. Với mô hình này, có thể sẽ không sử dụng nhiều lao động địa phương như khung 70% mà dự thảo Đề án đặt ra, nhưng vẫn giúp được người nông dân có việc làm với tư cách làm chủ trên mảnh đất của mình. “Cái hay của mô hình này là doanh nghiệp không sử dụng quá nhiều đất đai”, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang góp ý thêm.
Các đại biểu thống nhất cho rằng, để thay đổi bộ mặt vùng miền núi, cần thu hút các dự án lớn. Tuy nhiên, tổng kết của Chính phủ qua 3 năm 2016 - 2018, Việt Nam đã thu hút được 4.699 dự án đầu tư, nhưng những dự án này chủ yếu ở vùng đô thị, ven đô thị, ở địa bàn xã khu vực hai và khu vực ba hầu như không có.
Theo đại biểu Hoàng Thị Thu Trang, để có được những dự án lớn đầu tư làm thay đổi bộ mặt vùng miền núi, cần rất nhiều vốn và thời gian hoạt động của dự án rất dài. Do đó, đại biểu cho rằng, ngoài những chính sách hỗ trợ như dự thảo Đề án đã nêu, cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn vay nước ngoài nhằm thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nước ngoài. Đặc biệt, cần cam kết đảm bảo tính bền vững của các chính sách cho các dự án lớn để doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào những vùng khó khăn này.
Bất bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Cùng tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Thảo - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, là đại biểu của một địa phương nằm trong tốp 10 tỉnh có đông đồng bào dân tộc cùng sinh sống, vấn đề sự bất bình đẳng giữa nam và nữ tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số là rất lớn. Nhưng trong thực trạng của Đề án lại chưa chỉ rõ những hạn chế, bất cập này.
“Phụ nữ người dân tộc thiểu số, miền núi thì khoảng cách về bình đẳng giữa nữ và nam còn rất xa. Họ vẫn phải chịu rất nhiều thiệt thòi trong cuộc sống do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ điều kiện sinh hoạt, phong tục tập quán, nhận thức của cộng đồng về vai trò của người phụ nữ và thậm chí từ chính nhận thức của người phụ nữ, sự cam chịu của chính họ khiến công tác bình đẳng giới khó đạt được kết quả như mong muốn. Tuy nhiên, phần Thực trạng của Đề án lại chưa chỉ rõ những hạn chế, bất cập này”, đại biểu Nguyễn Thị Thảo nói thêm.
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu cũng cho rằng, đây là Đề án có tầm nhìn dài hạn 10 năm, đến 2030, là năm Việt Nam cần đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững theo cam kết với Liên hợp quốc. Do đó, các mục tiêu của Đề án được xác lập cần đảm bảo khả thi để được thực hiện bền bỉ, kiên trì, thống nhất thực hiện qua hai nhiệm kỳ, với nội dung hàm chứa mục tiêu tầm nhìn, đồng thời thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin