Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý: Nghệ An ưu tiên thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản
NTV trân trọng giới thiệu nội dung bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý tại Hội nghị “Gặp gỡ Nghệ An – Nhật Bản: Hợp tác và phát triển”:
Tiếp nối thành công của Hội nghị Gặp gỡ Nhật Bản – Khu vực Bắc Trung Bộ, hôm nay, tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị “Gặp gỡ Nghệ An – Nhật Bản” nhằm giới thiệu tiềm năng, tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển và hội nhập của tỉnh.
Vào những năm đầu của thế kỷ 20, người con quê hương Nghệ An – Nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu đã khởi xướng phong trào Đông Du, góp phần đặt nền móng cho lịch sử bang giao Việt Nam - Nhật Bản. Tiếp nối truyền thống hữu nghị mà cụ Phan Bội Châu và Bác sỹ Asaba Sakitaro gây dựng, trên cơ sở chính sách ngoại giao quan hệ hợp tác hữu nghị toàn diện của hai Nhà nước Việt Nam – Nhật Bản, tỉnh Nghệ An xác định Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu để hợp tác và phát triển, là đối tác trụ cột để hợp tác trong Chiến lược hội nhập quốc tế của tỉnh tầm nhìn 2030. Đồng thời, cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản cũng xác định Nghệ An sẽ là mô hình, điể hình cho hợp tác dài hạn và trung hạn giữa hai bên trong cung cấp chuỗi giá trị liên kết.
Những năm qua, tỉnh Nghệ An đã đẩy mạnh các hoạt động hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài với các đối tác Nhật Bản và đã đạt được những kết quả quan trọng tên nhiều lĩnh vực, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của tỉnh.
Tỉnh Nghệ An đã xây dựng mối quan hệ hữu nghị hợp tác với tỉnh Gifu, Shizuoka, Kochi; Thành phố Vinh đã thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác với thành phố Kasumigaura, Irabai… Nghệ An là một trong những đối tác được Nhật Bản dành nhiều vốn ưu đãi, đến nay là 44 dự án, với tổng số vốn là 5.070,39 tỷ đồng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện 5 dự án với tổng số vốn là 4.819 tỷ đồng, nổi bật như Dự án “Khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An”, Dự án hỗ trợ kỹ thuật lập quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Nghệ An.
Về đầu tư FDI, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 7 dự án đầu tư Nhật Bản với tổng số vốn là 72,19 triệu USD trong các lĩnh vực: khai thác đá vôi, thực phẩm, may mặc... Kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt 22,13 triệu USD; Kim ngạch nhập khẩu, năm 2018 đạt 13,1 triệu USD. Nghệ An là một trong những địa phương có số lượng lớn công dân đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản với khoảng 3000-4000 lao động/năm.
Về giáo dục – đào tạo, tỉnh đã mở lớp chuyên Nhật ngữ tại trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Bên cạnh đó, Trường Đại học Vinh hợp tác với Học viện JINNO, Nhật Bản mở Trung tâm đào tạo tiếng Nhật, tiến tới thành lập khoa tiếng Nhật trong tương lai.
Tỉnh Nghệ An nằm ở trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, trên tuyến giao lưu Bắc - Nam và Đông - Tây, cửa ngõ thông ra biển đông của miền Trung Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan qua cảng Cửa Lò. Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước với diện tích tự nhiên 16.500 km2 - lớn nhất cả nước, có tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, có biển, đồng bằng, trung du và miền núi. Dân số hơn 3,2 triệu người (đứng thứ tư của cả nước); Là địa phương có truyền thống hiếu học, học giỏi nổi tiếng, cần cù, sáng tạo, đã và đang được đầu tư phát triển trở thành trung tâm giáo dục – đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực Bắc miền Trung.
Hệ thống kết cấu hạ tầng đã được tỉnh đầu tư tương đối đồng bộ, hoàn thiện. Có đầy đủ các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, cảng biển và đường thủy nội địa. Có hệ thống các siêu thị và trung tâm thương mại lớn, các khách sạn tiêu chuẩn 3-5 sao, sân golf 18 lỗ tiêu chuẩn quốc tế đảm bảo nhu cầu giải trí cho người dân và nhà đầu tư nước ngoài; mạng lưới bệnh viện đồng bộ với trang thiết bị hiện đại đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám chữa bệnh; hệ thống ngân hàng thương mại lớn của Việt Nam đều có chi nhánh tại Nghệ An; mạng lưới điện, nước đáp ứng đầy đủ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất; hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp đồng bộ với nhiều chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định của Chính phủ Việt Nam.
Một trong những mũi trọng điểm phát triển kinh tế đã được tỉnh Nghệ An xác định đó là cải cách thể chế kinh tế mà trong tâm là cải cách hành chính, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Tỉnh đã chọn năm 2019 là “Năm cải cách hành chính”, nhằm hướng đến nền hành chính phục vụ, đem đến sự hài lòng cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục đăng ký doanh nghiệp; Thay đổi cách thức giao tiếp, phục vụ: chuyển dần từ cơ chế xin phép, đăng ký sang cơ chế phục vụ và dịch vụ. Tỉnh tập trung dồn các nguồn lực tương xứng, tạo mọi điều kiện thuận lợi và quan tâm lắng nghe, hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư; xem việc hỗ trợ nhà đầu tư là nghĩa vụ của chính quyền. Những nỗ lực đó được phản ánh qua chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Nghệ An năm 2018 đứng thứ 4 cả nước; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2018 tiếp tục tăng 2 bậc so với năm 2017, xếp thứ 19/63 tỉnh thành, đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ.
Với những cố gắng của mình, kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm gần đây đã có bước phát triển khá nhanh và toàn diện. Thể hiện rõ nhất trong năm 2018, tốc độ tăng trưởng đạt 8,77%, cao nhất trong những năm gần đây. Thu ngân sách năm 2018 đạt 14.052 tỷ đồng, bằng 110,7% dự toán. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, khu công nghiệp – xây dựng và dịch vụ chiếm tỷ trọng cao, đạt 79,5% trong cơ cấu kinh tế. Văn hóa – xã hội chuyển biến rõ nét. Các vấn đề an sinh xã hội được chăm lo; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,54%. Tình hình chính trị ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Kết quả tốt đẹp trên là tiền đề và động lực để tỉnh Nghệ An tiếp tục tìm kiếm những cơ hội hợp tác, phát triển mới, trong đó hợp tác với Nhật Bản được xác định là hướng trọng tâm ưu tiên hàng đầu.
Hợp tác phát triển giữa Nghệ An và Nhật Bản trong thời gian qua cơ bản đã mang lại nhiều thành quả tốt đẹp, song vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của cả hai bên. Vì vậy, thông qua hội nghị này, chúng tôi kỳ vọng sẽ giới thiệu tới các đối tác Nhật Bản những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để thúc đẩy cơ hội hợp tác, thu hút đầu tư vào tỉnh. Theo đó, chúng tôi kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản, nghiên cứu, xúc tiến đầu tư vào tỉnh trên các lĩnh vực, đó là:
Về công nghiệp: Ưu tiên phát triển công nghệ sạch, công nghiệp công nghệ cao, điện tử viễn thông, sản xuất linh kiện điện thoại, thiết bị y tế; Công nghệp cơ khí như sản xuất linh kiện ô tô, lắp ráp ô tô, kim loại nhẹ, dệt may, vật liệu xây dựng; Công nghiệp khai thác gắn với các chế biến sâu khoáng sản; Công nghiệp đồ uống; Công nghiệp sinh học như sản xuất các loại thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, phát triển dược liệu và công nghiệp dược ở địa phương.
Về nông nghiệp: Ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng ông nghệ cao gắn với chế biến sâu, sản phẩm nông nghiệp lợi thế của tỉnh. Đầu tư phát triển kinh tế biển, chế biến nông, thủy sản, các dự án góp phần đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới.
Về thương mại, dịch vụ: Phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị có quy mô lớn, có thương hiệu; phát triển đồng bộ hiện đại các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; Dịch vụ kho vận logistics; Khu vui chơi giải trí cao cấp; du lịch sinh thái, đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
Về y tế, giáo dục: Đầu tư xây dựng các bệnh viện ung bướu; lão khoa; bệnh viện tư nhân chuyên khoa và đa khoa tại các huyện có đông dân số; cácnhà máy xử lý rác thải y tế quy mô tập trung. Đầu tư phát triển trường Đại học trọng điểm, các trường THPT chất lượng cao, trung tâm đào tạo nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Về văn hóa, thể thao, du lịch: Tăng cường tổ chức các hoạt động lễ hội, giao lưu văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc mang đậm bản sắc dân tộc tại Nghệ An và Nhật Bản. Đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo, thi đấu cho một số môn thể thao thế mạnh của tỉnh; tập trung ưu tiên khai thác thị trường khách du lịch Nhật Bản.
Trên tinh thần hợp tác chân thành, cởi mở, tôi mong muốn các đại biểu tham dự hội nghị sẽ tích cực trao đổi, đàm luận, để xuất các giải pháp phù hợp để tăng cường hợp tác trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của địa phương ũng như hai đất nước Việt Nam – Nhật Bản.
NTV lược ghi
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin