Đền thờ Đại tướng quân xứ Nghệ thống lĩnh 12 cửa biển
Theo gia phả họ Hoàng ở Vạn Phần (nay là Diễn Vạn, Diễn Châu, Nghệ An) và văn bia “Nam miếu tôn thần sự tích” do Tổng tài quốc sử quán Cao Xuân Dục biên soạn và một số tài liệu khác tại địa phương, Sát Hải Đại Vương tên thật là Hoàng Tá Thốn, hiệu là Tô Đại Liêu, sinh ngày 15/4/1254 (năm Giáp Dần) ở làng Vạn Phần, huyện Diễn Châu. Mẹ người họ Trương ở thôn Lý Trai.
Tương truyền rằng: một buổi sáng tinh mơ, Trương phu nhân ra sông gánh nước bỗng thấy 2 con trâu từ dưới nước nhào lên và lao vào húc nhau. Chúng lao đến chỗ bà, bà dùng đòn gánh đuổi, tự nhiên hai con trâu biến mất. Nhưng một cái lông trâu đã dính vào đầu đòn gánh rồi rơi xuống thùng nước, bà uống phải, thì thấy trong người khác thường. Từ đó bà mang thai, ít lâu sau sinh được một bé trai khôi ngô tuấn tú, đặt tên là Hoàng Tá Thốn. Lớn lên Hoàng Tá Thốn có sức khỏe hơn người, vật giỏi, trai tráng trong vùng không ai địch nổi, đặc biệt là tài bơi lội.
Hoàng Tá Thốn lớn lên gặp lúc đất nước bị giặc Mông Nguyên xâm lược. Do có tài bơi lội, giỏi võ nghệ, thông minh, lắm cơ mưu nên được Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn bổ sung vào đội thủy binh của triều đình và chiêu làm “Nội thư gia” (giúp việc binh thư). Mùa thu tháng 8 năm 1284, Hưng Đạo Vương tổng duyệt binh ở bến Đông Bộ Đầu, Hoàng Tá Thốn được giao nhiệm vụ “quản quân mãnh lang” thủy chiến đóng giữ nơi xung yếu. Trong những lần giao tranh với quân giặc, Ngài cùng các chiến hữu của mình lặn xuống sông đục ngầm thuyền địch, làm đắm hàng trăm chiếc. Quân Nguyên hoảng sợ bỏ chạy tan tác, Toa Đô bị chém đầu, Thoát Hoan phải chui vào ống đồng tháo chạy, Ô Mã Nhi dùng thuyền nhỏ vượt biển thoát thân. Từ đó Ngài trở thành trợ thủ thân cận của Hưng Đạo Vương.
Sau 2 lần xâm lược Đại Việt thất bại, tháng 3 năm Bính Tuất (1286) quân Nguyên quyết chiếm nước ta lần nữa. Lần này Hoàng Tá Thốn tiếp tục được triều đình giao nhiệm vụ chỉ huy đội quân “mãnh lang” thủy chiến. Cuộc chiến kéo dài suốt 2 năm (1286-1288), làm nên chiến thắng lẫy lừng là trận Bạch Đằng năm Mậu Tý được ví như trận Xích Bích, khiến quân Nguyên phải kinh hồn bạt vía, từ bỏ hẳn ý định xâm lược Đại Việt. Sau khi đất nước sạch bóng quân thù, triều đình luận công ban thưởng, vua Trần Nhân Tông phong cho Hoàng Tá Thốn là Sát Hải Chàng Lại Đại Tướng Quân, ban tước “Minh Tự” làm tướng thống lĩnh các đạo thủy binh coi giữ 12 cửa biển, bảo vệ vùng duyên hải.
Từ đó ngày đêm ngài huấn luyện, truyền dạy cho binh sỹ trở thành những thủy binh thiện chiến nhất. Ngày 15/3/1339, trên đường đi tuần thú đường biển từ Thanh Hóa đến Cửa Trào huyện Hoằng Hóa, Ngài đã hóa. Triều đình được tin, truy phong là Tô Đại Liên Thiên Bồng Nguyên Soái Đại Tướng Quân, cho thuyền rồng chở linh cữu về quê Vạn Phần an táng tại xứ Mả Cháy và lập đền thờ ở đó. Về sau các triều đại đều sắc phong cho Ngài là “Sát Hải Đại Vương Quản quân Mãnh lang Thiên Bồng Nguyên Soái Đại Tướng Quân, thượng thượng đẳng tôn thần”, “Bản Xứ Thành Hoàng Bảo Đức Phúc Thần Quản Quân Mãnh Lang Thái Minh Trợ Quốc Tích Dân Hồng Mô Vĩ Lược Hoằng Tế Quảng Đại Vương...
Ghi nhớ công lao to lớn của Ngài nhân dân khắp nơi ở các vùng duyên hải đều lập đền thờ Ngài như: Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Khánh Hòa, Ninh Thuận...
Những lúc gặp thiên tai, hạn hán, dịch bệnh, triều đình đều lệnh cho nhân dân quanh vùng rước các thần về đền Đệ Nhất lập đàn cầu đảo. Hiện nay, ngoài thờ chính là Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn, tại đền Đệ Nhất còn phối thờ các vị Chư Phật.
Từ năm 1949, do điều kiện chiến tranh, thiên tai nhiều vị phật, thánh, thần ở các ngôi đền, chùa, các xã lân cận như: Diễn Nguyên, Diễn Đồng, Diễn Liên, Diễn Thái... được nhân dân hợp tự ở đền Đệ Nhất.
Đền Đệ Nhất không chỉ là công trình kiến trúc tín ngưỡng tâm linh mà còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương nói riêng và của dân tộc nói chung. Trong phong trào Cần Vương, làng Đệ Nhất là nơi đóng quân của nghĩa quân cụ nghè Nguyễn Xuân Ôn.
Năm 1928, đồng chí Võ Nguyên Hiến được tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội cử về xây dựng cơ sở ở Diễn Châu. Từ cơ sở Hậu Luật (Diễn Bình) đồng chí đã mở rộng sang làng Đệ Nhất (Diễn Nguyên).
Sau khi Đảng bộ huyện Diễn Châu ra đời, chi bộ làng Đệ Nhất là 1 trong 2 chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Diễn Châu cũng được thành lập tại đền Đệ Nhất. Ngày 20/8/1945, tại đền Đệ Nhất, Lý Trưởng đã bàn giao ấn triện, sổ sách, giấy tờ cho chính quyền cách mạng. Ngày 21/8/1945, nhân dân làng Đệ Nhất tập trung tại sân đền sau đó cùng với nhân dân làng Thái Xá đi bắt bang tá Hữu Trân, đoàn biểu tình kéo xuống phối hợp với nhân dân toàn huyện biểu tình đấu tranh cướp chính quyền, thành lập chính quyền Việt Minh.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, đền Đệ Nhất trở thành nơi cất vũ khí, đạn dược, nơi tập trung dân quân tự vệ, nơi đón tiếp bộ đội về làng, nơi kết nạp Đảng viên mới, nơi tập trung nhân dân để tuyên truyền cách mạng.
Hàng năm ở Đền Đệ Nhất có các kỳ lễ lớn như: Lễ Khai hạ được tổ chức vào mồng 7 tháng giêng âm lịch. Lễ thượng nguyên còn gọi là tết Nguyên Tiêu là lễ cầu an, giải hạn đầu năm được tổ chức vào 2 ngày 14 và 15 tháng Giêng (âm lịch). Lớn nhất là lễ giỗ Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn được tổ chức vào rằm tháng 3 âm lịch (từ ngày 14-15/3). Lễ chính được tổ chức vào 9 giờ sáng ngày 15/3 đến 11 giờ sáng.
Đền Đệ Nhất gồm các công trình: Tam quan, Thượng điện, giếng nước và bia Văn Hội. Tam quan được xây theo kiểu chồng diêm ba tầng tám mái, dật cấp, tạo theo thế vát dần lên trên. Bia Văn Hội nằm ở phía tây đền, diềm bia có hình hoa lá cách điệu, ở giữa lòng bia khắc nội dung bài văn bia.
Nhà chính điện nằm ở trong cùng là ngôi nhà dọc 2 gian 3 vì, bài trí thành 3 cung thờ. Cung chính giữa, gồm 2 gian. Gian ngoài bài trí ba lớp hương án và bàn thờ, tiếp theo là 2 án thờ cổ bằng gỗ mít, sơn đỏ. Trên án đặt một tòa sen cổ, hai bên có hai cột nến, chính giữa là tượng Địa Tạng Bồ Tát. Gian trong là giường thờ được gác lên cột cái, bài trí hai lớp thờ. Lớp thờ ngoài bài trí tượng Đông Phương Thái Giám và Bắc Phương Thái Giám. Lớp trong là long khám, long khám chính là nơi đặt bài vị của Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn. Cung bên tả được bài trí hai án thờ cao bằng nhau. Án thờ thứ nhất đặt bát hương, án thờ thứ hai đặt bài vị các thần.
Hiện đền đang lưu giữ nhiều hiện vật cổ có giá trị như 2 con rùa bằng đá, cối đá dùng để giã các hương liệu, bia đá cổ, chiếc bàn hình vuông rộng chừng 1,2m được chạm hổ phù, rồng và các linh vật khác. Theo ông Trần Văn Thanh 82 tuổi là người trông coi đền ở làng Đệ Nhất cho biết, chiếc bàn cổ hàng trăm năm tuổi này thường được đưa ra ngoài sân để đặt lễ tế, mỗi năm 4 kỳ: rằm tháng giêng, tháng 3, tháng 6 và tháng 12 âm lịch. Ngoài ra, đền còn lưu giữ nhiều tượng Phật cổ được gọi là Công Vương Phật, qua quan sát, các pho tượng này còn giữ được nước sơn ta nguyên bản, rất quý.
Trải qua hàng trăm năm tồn tại, đền Đệ Nhất là công trình văn hóa tâm linh lâu đời tiêu biểu của nhân dân Diễn Nguyên nói riêng và cả vùng nói chung. Đây là nơi ghi dấu và chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử cũng như sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương trong nhiều thế kỷ. Vì thế hàng năm, vào những ngày lễ trọng nhân dân quanh vùng về dự rất đông. Đó cũng thể hiện tấm lòng tri ân, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, góp phần giáo dục nhân cách đạo đức cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Ngọc Phương
ảnh:
1.
2.
3.
4.
5.
6. Một trong 2 rùa cổ đội hạc, tuy nhiên cặp hạc phía trên theo thời gian đã không còn
7.
8.
9.