Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nghề “phu keo”

19:01, 04/07/2021
Những năm gần đây, nghề trồng keo lai lấy gỗ ở huyện Con Cuông phát triển mạnh. Bên cạnh việc mang lại thu nhập cho người trồng rừng, việc thu hoạch keo cũng tạo việc làm cho rất nhiều lao động. Nhưng do việc khai thác nằm trong rừng sâu, vất vả, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nên nghề này được gọi là nghề “phu keo”.
 

Tại huyện Con Cuông thời điểm này, các xã: Mậu Đức, Đôn Phục, Thạch Ngàn… đang vào mùa thu hoạch keo. Trên những triền đồi, từng nhóm người mũ áo kín đầu, mồ hôi nhễ nhại, quần quật mưu sinh bằng nghề khai thác keo thuê.

 

Dù đã 50 tuổi, nhiều năm nay, không kể nắng mưa, ông Lương Văn Đoàn ở bản Lam Khê, xã Chi Khê cùng các thành viên trong nhóm vẫn lặn lội vào rừng bóc vỏ keo kiếm tiền. Nhóm của ông có 10 người, cả đàn ông và phụ nữ. Cả nhóm có một cái cưa xăng để cắt keo, các công đoạn khác như bóc vỏ, khuân vác, tập kết đều làm thủ công. Công việc vất vả nhưng bình quân mỗi ngày thu được 200 - 300 nghìn đồng/người.

 

Ông Lương Văn Đoàn chia sẻ: “Công việc khai thác keo thuê rất nguy hiểm. Vì phần lớn keo được trồng ở sườn núi, hơn nữa sau khi bóc vỏ, thân keo rất trơn, nếu không cẩn thận rất dễ bị trượt chân hoặc thân cây va vào người. Bị bầm tím, chảy máu là chuyện khó tránh khỏi. Không chỉ nhận khai thác thuê trong huyện mà nhóm còn sang các huyện lân cận tùy vào chủ thu mua”.

 

Bản Lam Khê cách đó không xa, anh Lộc Văn Hà đang dùng máy cưa xích để hạ cây keo. Đây là công đoạn khó và “kén” người nhất trong quy trình khai thác keo gồm: Cắt cây, phát cành, phân khúc cây, bóc vỏ keo và tập kết gỗ keo lên xe. Người cầm cưa thường là những thanh niên tráng khỏe, nhanh nhẹn, xử lý nhanh mọi tình huống có thể xảy ra. Anh Hà cho hay, trước khi đặt máy lên cưa, anh sẽ ngắm chừng hướng cây đổ, nhưng lắm lúc cây ngã trật hướng, phải vứt máy cưa chạy thật nhanh.

 

Để hạn chế rủi ro, phần cắt cây có thêm người dùng tay kéo sợi dây móc sẵn ở ngọn cây để cây đổ xuống mặt đất. Giơ đôi bàn tay nhăn nhúm, dính đầy nhựa keo, anh Hà tâm sự: “Với những người làm nghề thu hoạch keo thuê thì việc trầy xước, dẫm phải gai, té ngã là chuyện thường. Có những lúc bốc gỗ keo lên xe, gỗ rơi trúng chân, trúng người không hiếm. Biết nghề này vất vả và rủi ro nhưng vì miếng cơm, manh áo vẫn phải làm. Nếu làm việc ở những khu rừng gần nhà thì sáng đi chiều về, còn làm xa cách nhà hàng chục cây số đường rừng thì phải ở lại cả tháng trời”.

Cũng theo anh Hà, một tháng, trừ những ngày mưa, đi làm cũng được hơn 20 ngày. Tuy vất vả vì hàng ngày phải đi làm xa nhưng công việc này ổn định hơn những công việc làm thuê khác.

 

Nghề thu hoạch keo cũng hình thành những nhóm làm việc với nhau, mỗi nhóm từ 6-8 người hoặc đông hơn tùy vào số lượng keo. Công việc chính là cưa, bóc vỏ keo và vận chuyển keo lên xe tải. Để làm thật nhanh, người bóc vỏ keo thường mang theo rựa và tua-nơ-vít. Riêng người cưa keo thường mang thêm xăng và dụng cụ mài cưa khi cần thiết. Mọi việc trong nhóm đều có một trưởng nhóm chỉ huy. Thông thường một nhóm thường đi theo một chủ thu mua theo hình thức khoán theo tấn, mỗi tấn 260 nghìn đồng.

Ông Lộc Văn Hợi - Chủ tịch UBND xã Chi Khê, huyện Con Cuông cho biết: Đời sống của người dân địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Đất nông nghiệp ít, những lúc nông nhàn, nhiều chị em phụ nữ tại địa phương rủ nhau lên rừng làm nghề bốc vác keo tràm để tăng thêm thu nhập.

 

Ở huyện miền núi như Con Cuông, công việc khai thác keo vất vả vì những rẫy keo thường được trồng trên triền núi, độ dốc cao… Đối với những người đi khai thác keo thuê, hàng ngày họ phải đi làm khi trời vừa hửng sáng và kết thúc khi trời đã nhá nhem tối. Cũng có khi, những nhóm người đi thu hoạch keo phải dựng lều tạm để ở, có khi 5 ngày hoặc nửa tháng mới về nhà.

Bá Hậu

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm