Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm - Động lực xây dựng NTM ở Tân Kỳ
Tân Kỳ là huyện miền núi có địa hình phong phú, với 38.000 ha đất lâm nghiệp, đặc biệt có nhiều núi đá, phù hợp với phát triển chăn nuôi dê thương phẩm. Toàn huyện có tổng đàn lên tới hơn 30.000 con, theo đề án của huyện số lượng dê sẽ tăng 18% trên 1 năm. Huyện Tân Kỳ không chỉ có chính sách khuyến khích phát triển đàn dê mà còn có chủ trương xây dựng và phát triển thương hiệu dê Tân Kỳ.
Năm 2018, Cục Sở hữu Trí Tuệ đã cấp bằng chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm “Dê Tân Kỳ”. Đây là huyện đầu tiên của tỉnh Nghệ An được chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm. Từ đó các địa phương và bà con nông dân chú trọng phát triển nhanh tổng đàn. Điển hình như xã Tân Xuân, đến nay toàn xã có tổng đàn 2.000 con.
Thực hiện đề án “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019 -2020, định hướng đến năm 2030. Huyện Tân Kỳ chỉ đạo các địa phương căn cứ vào thế mạnh của mỗi vùng miền để xây dựng mỗi xã 1 sản phẩm. Điển hình như Trứng gà sạch của xã Nghĩa Hoàn đã và đang được đăng ký sản phẩm theo hướng OCOP. Sản xuất theo hướng này, không chỉ giúp người dân mà các doanh nghiệp, hợp tác xã chăn nuôi trên địa bàn xã xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm đi từ người sản xuất đến nơi tiêu thụ, với sự liên kết mật thiết giữa 4 nhà để nâng cao hơn nữa giá trị trứng gà sạch của xã Nghĩa Hoàn. Với sản xuất theo hướng OCOP, gia đình anh Cao Văn Cường ở xóm Đồng Tâm xã Nghĩa Hoàn đã chú trọng đến chất lượng quả trứng gà hơn trước đây rất nhiều. Trên diện tích 3.500m2 gia đình anh nuôi từ 4.000 đến 5.000 con gà đẻ trứng, trung bình mỗi ngày mỗi ngày xuất bán ra thị trường từ 1.500 đến 2.000 quả trứng. Mỗi năm gia đình có nguồn thu nhập 400 triệu đồng.
Thực hiện đề án “Mỗi xã 1 sản phẩm” là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng gía trị, gắn phát triển nông thôn với đô thị; Là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của OCOP là phát triển sản phẩm nông ngiệp, phi nông nghiệp theo hướng giá trị sản phẩm được nâng cao. Với lợi ích của chương trình OCOP mang lại, năm 2019 này, Tân Kỳ đang triển khai xây dựng 4 sản phẩm sản xuất theo hướng OCOP đó là Cam ở xã Tân Phú, Trứng gà sạch ở xã Nghĩa Hoàn, mật Mía ở xã Tân Hương, mật Ong ở xã Nghĩa Bình. Bên cạnh đó, để phát triển các sản phẩm OCOP, huyện Tân Kỳ đã tập trung vào hai nhiệm vụ chính, thứ nhất là ưu tiên hoàn thiện, tiêu chuẩn hóa các sản phẩm đã có. Thứ hai là nghiên cứu xây dựng các sản phẩm mới tại các địa phương trong toàn huyện.
"Triển khai xây dựng “Mỗi xã một sản phẩm” ở huyện Tân Kỳ không chỉ mang ý nghĩa về phát triển sản xuất mà còn giúp các xã trên địa bàn giải quyết những vấn đề quan trọng trong giảm nghèo, tạo việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng mối liên kết chuỗi bền vững. Đây được xem là hướng đi đúng và trúng trong việc lan tỏa nhãn hiệu, thương hiệu địa phương, tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường và quan trọng hơn là nâng cao thu nhập cho người nông dân Tân Kỳ, góp phần tích cực hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới" - ông Nguyễn Công Trung, Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tân Kỳ trao đổi.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin