Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nông dân Quỳnh Lưu thu nhập tiền triệu mỗi ngày từ sản xuất nấm bào ngư theo quy trình khép kín

17:42, 17/10/2019
Với mục tiêu phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu ngay trên chính quê hương và mang đến nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng, hơn hai năm qua, chị Nguyễn Thị Thúy Hiền ở xóm 3, xã Quỳnh Bá đã xây dựng mô hình sản xuất nấm bào ngư không sử dụng hóa chất. Hiện mỗi ngày chị có thu nhập hơn 1 triệu đồng từ sản xuất nấm bào ngư sạch.

Mô hình sản xuất nấm bào ngư theo quy trình khép kín của gia đình chị Nguyễn Thị Thúy Hiền – hội viên phụ nữ xóm 3, xã Quỳnh Bá được xây dựng từ cuối năm 2017. Trên diện tích 250 m2 chị Hiền đã mạnh dạn đầu tư số vốn 350 triệu đồng để xây dựng khuôn viên nhà xưởng, lắp đặt hệ thống pét phun nước tự động và hệ thống giàn treo hiện đại.

Mô hình sản xuất nấm bào ngư của chị Hiền có quy mô gần 1 vạn bịch nấm.

Hiện nay quy mô sản xuất của gia đình chị đạt 6.000 bịch nấm bào ngư, vào lúc cao điểm có thể lên đến gần 1 vạn bịch. Theo chia sẻ của chị Hiền, ngoài việc chọn mua phôi giống tốt, trong quá trình sản xuất phải đảm bảo duy trì nhiệt độ từ 25 – 28 độ C, độ ẩm khoảng 70 – 80%; tưới nước phun sương tự động một lần/ngày và theo dõi bệnh mốc xanh để kịp thời cách ly. Chỉ sau một tuần đưa phôi về chăm sóc, mỗi ngày chị Hiền thu hoạch được từ 50 - 70 kg nấm, với giá bán 35 nghìn đồng/kg. 

Mô hình sản xuất nấm bào ngư đem lại thu nhập hơn 1 triệu đồng/ngày.

Mỗi bịch nấm có thời gian thu hoạch kéo dài trong 3 tháng, đạt sản lượng bình quân từ 1 – 1,1 kg. Nấm bào ngư có vị thơm ngon, mát, có giá trị dinh dưỡng cao nên được bà con ưa chuộng, hiện mỗi ngày chị Hiền thu lãi trên 1 triệu đồng từ hái nấm nhập cho các thương lái. Anh Trần Văn Lý – một chủ nhà hàng thị xã Hoàng Mai cho biết nhà hàng của mình thường xuyên lấy nấm bào ngư của cơ sở chị Hiền và đều nhận được sự đánh giá cao của khách hàng. Trung bình mỗi ngày nhà hàng tiêu thụ từ 5 – 7 kg nấm. Nấm bào ngư ngoài chế biến các món xào, gỏi còn có thể cho vào món lẩu, cháo… Vì vậy hầu như không bao giờ ứ hàng mà sản xuất ra tới đâu tiêu thụ hết đến đó.

Nấm bào ngư được sản xuất theo quy trình khép kín, đảm bảo sạch, an toàn nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

Với hiệu quả đó, tới đây chị Hiền sẽ mở rộng phát triển mô hình, sản xuất thêm các loại nấm khác như nấm đùi gà, nấm hoàng đế… Đây là mô hình kinh tế hiệu quả được hội phụ nữ xã Quỳnh Bá xây dựng điển hình vì vừa tránh được thiệt hại do thời tiết bất lợi, ngăn côn trùng từ bên ngoài xâm nhập, lại không dùng hóa chất, sản phẩm đảm bảo sạch, an toàn. 

 “Tôi luôn chú trọng đến chất lượng sản phẩm, nấm làm ra phải thật sạch. Gia đình đã đầu tư hệ thống nước tưới 100% là nước sạch không hề có hóa chất nào, nhiệt độ trong phòng nấm từ 20 – 28 độ C, trong phòng nấm luôn sạch sẽ, khi mình lấy nấm thì phải vệ sinh sạch sẽ các phôi nấm để đảm bảo lượng rau sạch cho người dân" - chị Nguyễn Thị Thúy Hiền chia sẻ.

Bình quân mỗi ngày chị Hiền thu hoạch từ 50 – 70 kg nấm bào ngư với giá bán 35n – 40 ngàn đồng/kg.

Chị Hiền cũng là người đầu tiên trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu mạnh dạn đầu tư làm nấm theo phương thức khép kín. Từ triển vọng của mô hình này, hội phụ nữ xã Quỳnh Bá đã tìm hiểu về kỹ thuật và tìm kiếm thị trường tiêu thụ để tuyên truyền, vận động hội viên cùng tham gia sản xuất, nâng cao thu nhập, đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Vì vậy, hiện tại có một số hộ trên địa bàn đã chủ động tham khảo cách thức làm nấm từ chị Hiền và các kênh thông tin để tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, mùn cưa… tự sản xuất phôi làm nấm.

Giới thiệu sản phẩm Nấm bào ngư được sản xuất theo quy trình khép kín.

"Đây là mô hình phát triển kinh tế được hội phụ nữ chọn làm điểm hình và huyện hội sẽ tổ chức cho các cơ sở hội, hội viên đến tham quan học tập. Đặc biệt của mô hình sản xuất nấm bào ngư là được người tiêu dùng ưa chuộng vì sản xuất theo hướng thực phẩm sạch, an toàn. Đây cũng là định hướng của hội phụ nữ huyện Quỳnh Lưu trong thời gian tới nhằm hướng đến một nền nông nghiệp sạch và nâng cao chất lượng, giá trị nông sản" - chị Trần Thị Hà, Chủ tịch hội LHPN huyện Quỳnh Lưu trao đổi.

Lê Nhung

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm