Đến bản Xiêng Hương, chỉ mới những ngày đầu xuân nhưng các lò rèn ở đây đã bắt đầu đỏ lửa để rèn các nông cụ cho bà con nhân dân trong vùng bước vào sản xuất nông nghiệp. Lò rèn của gia đình ông Chương Văn Phượng là một trong số ít các gia đình tại bản Xiêng Hương còn giữ lại được nghề rèn truyền thống hiện nay.
Ban đầu, ông Phượng chủ yếu tự rèn nông cụ cho gia đình và giúp đỡ mọi người trong bản. Sau thấy được nhu cầu của người dân, ông Phượng tập trung chuyên làm đồ rèn thủ công để cung cấp cho bà con trong xã và cho người dân các bản khác. Đến nay, hơn 20 năm làm nghề các sản phẩm rèn của gia đình ông được nhiều người biết đến như: dao nhọn, dao thái, dao phát, cuốc ... Vì vậy, khách hàng từ khắp nơi đến tìm mua ngày càng nhiều.
Ông Chương Văn Phượng chia sẻ: "Để làm nên những sản phẩm ưng ý ngoài việc chọn loại thép tốt, phù hợp cho từng sản phẩm, còn đòi hỏi kinh nghiệm tôi thép trong khi làm. Nhìn những nông cụ rất đơn giản nhưng để làm được nghề thành thục, đòi hỏi người thợ rèn phải kiên trì".
Chẳng hạn để làm con dao phải mua được cái nhíp ô tô, mà phải là nhíp ô tô Liên Xô cũ, thì sản phẩm mới tốt, con dao làm ra mới sắc, dẻo, dao chặt đồ không sợ hỏng. Hầu hết các lò rèn hiện nay vẫn sử dụng các công cụ truyền thống. Các sản phẩm được tạo ra hoàn toàn bằng thủ công, từ khâu cắt sắt, tạo hình, quai búa, làm tay cầm… tất cả vẫn làm bằng tay không có sự can thiệp của máy móc công nghiệp. Nhưng cũng chính vì vậy, đồ rèn của các lò rèn bản Xiêng Hương làm ra có độ tinh xảo, sắc bén và dùng bền lâu hơn.
Từ bàn tay tài hoa, khéo léo và sự sáng tạo cộng thêm bí quyết riêng, những người thợ rèn ở đây đã cho ra lò những sản phẩm tinh xảo, vừa có giá trị làm sử dụng lâu dài vừa thể hiện bản sắc văn hóa riêng của người dân bản Xiêng Hương. Nghề rèn không chỉ góp phần thiết thực vào đời sống lao động sản xuất, tăng thu nhập cho bà con mà còn góp phần duy trì nét văn hóa độc đáo truyền thống của dân tộc Thái ở bản Xiêng Hương.
Vất vả là thế, nặng nhọc là vậy nhưng người Thái nơi đây vẫn rất quý nghề, lạc quan và say sưa làm việc. Bà con bản Xiêng Hương làm rèn từ khi còn nhỏ, cầm được búa là làm được nghề và cứ thế làm cho tới bây giờ. Kinh nghiệm làm rèn cũng theo đó rồi lớn dần hơn. Theo lời ông Phượng, ông duy trì lò rèn cốt để giữ lấy nghề truyền thống của cha ông để lưu truyền cho con cháu sau này.
Hiện nay, bản Xiêng Hương có hơn 20 hộ làm nghề rèn để bán lên vùng trên của huyện Tương Dương (nay là lòng hồ Bản Vẽ). Mặc dù, xã hội đã phát triển, các nông cụ được sản xuất bằng máy móc công nghiệp hiện đại, tuy nhiên để lưu giữ nghề rèn truyền thống, các lò rèn ở Xiêng Hương ngày ngày vẫn đỏ lửa để tạo nên những sản phẩm tinh xảo, góp phần bảo tồn, khôi phục nghề rèn và đó cũng là cách để bà con giữ gìn nét văn hóa của đồng bào Thái nơi đây.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin