Việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở TP Vinh: Vì sao chậm?
Hộ gia đình ông Bùi Ngọc Thanh, bà Chu Thị Nguyệt đã cư trú lâu đời tại xóm 3 xã Hưng Chính – TP Vinh. Ông bà được thừa hưởng diện tích đất đai từ người bố để lại. Căn cứ vào GCN QSDĐ do huyện Hưng Nguyên cấp ngày 16/4/1996, tổng diện tích đất đai mà gia đình này được giao quản lý sử dụng là 3.770m2. Trong đó, diện tích đất ở là 500m2, số còn lại là đất sản xuất nông nghiệp, được ghi trên 6 thửa đất, 3 tờ bản đồ khác nhau, tại 4 khu vực canh tác. Tuy nhiên, trên thực tế, đất sản xuất nông nghiệp của gia đình ông Thanh đã được tập trung vào một địa điểm sau khi gia đình ông đăng ký phát triển kinh tế theo mô hình cá – lúa. Sau khi xã Hưng Chính sáp nhập vào TP Vinh vào giữa năm 2008, gia đình ông Thanh là một trong số 150 hộ đầu tiên của xã được cấp đổi GCN QSDĐ theo chủ trương mới của TP Vinh. Theo đó, ngày 10/6/2010, gia đình ông Bùi Ngọc Thanh đã được cấp đổi GCN QSD đất ở với diện tích 523m2. Số diện tích này căn cứ vào diện tích đất ở mà gia đình đang sử dụng và trên cơ sở qui định của GCN QSDĐ năm 1996.
Cũng tại xã Hưng Chính, trên 1000 hộ dân phải cấp đổi GCN QSDĐ, gồm 2 loại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp và đất ở, đất vườn. Tuy nhiên, trước thời điểm Hưng Chính sáp nhập vào TP Vinh vào tháng 7 năm 2008, huyện Hưng Nguyên đã tiến hành cấp đổi GCN QSD đất ở cho 500 hộ dân. Trên 500 hồ sơ còn lại, TP Vinh tiếp nhận và cho đến nay chỉ mới cấp đổi được 150 bìa đất cho các hộ dân.
Trung tâm giao dịch "một cửa", UBND Thành phố Vinh (Ảnh: Tin tức thương mại) |
Sở dĩ TP Vinh phải thực hiện chủ trương cấp đổi GCN QSDĐ là vì trước khi sáp nhập vào TP Vinh, phần lớn các hộ dân đều đã được cấp bìa đỏ, song tất cả các loại đất đều được chứng nhận trên cùng một bìa. Thực tế này sẽ tạo ra nhiều bất cập trong công tác quản lý đất đai đô thị và tác động đến hiệu quả sản xuất, phát triển kinh tế của người dân. Chính vì vậy, việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là bước đi thích hợp và cần thiết. Theo quy trình, TP Vinh sẽ tiến hành cấp bìa đỏ cho 2 loại đất là đất nông nghiệp và đất ở, đất vườn. GCN QSDĐ (cũ) cũng đồng thời là chứng thư pháp lý cao nhất để xác định diện tích đất sẽ giao cho các hộ dân quản lý sử dụng. Việc cấp đổi có sự phân định rạch ròi giữa các loại đất, tránh được tình trạng manh mún, nhập nhằng trên thực địa và cả trong cả sơ đồ, hồ sơ quản lý. Đất sản xuất nông nghiệp sẽ tách khỏi đất vườn và đất ở. Chính vì vậy, tùy theo hiện trạng sử dụng, một hộ gia đình có thể có 1 hoặc 2 GCN QSDĐ: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp. Nguyên lý như vậy nhưng trên thực tế, quá trình thực hiện chủ trương cấp đổi đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Theo kế hoạch, đầu năm 2009, TP Vinh bắt đầu thực hiện việc cấp đổi GCN QSDĐ cho các đơn vị mới sáp nhập. 3 xã có nhiều thuận lợi để tiến hành trước là Nghi Liên, Nghi Kim và Hưng Chính. Riêng xã Nghi Liên, TP Vinh tiến hành cấp cả 2 loại, là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở.
Có nhiều nguyên nhân ra tình trạng chậm tiến độ trong việc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu vực ngoại thành mới sáp nhập vào TP Vinh. Trong đó có một thực tế phổ biến là sự chênh lệch về diện tích đất trên sơ đồ, giấy tờ so với hiện trạng sử dụng. Diện tích đất trên thực địa luôn lớn hơn diện tích được giao ghi trên giấy chứng nhận. Có những trường hợp diện tích chênh lệch lên trên 50%. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này được xác định là do vấn đề về lịch sử . Hiện nay công tác quản lý đất đai các xã mới đều căn cứ vào bản đồ địa chính đo đạc từ năm 1993 trở về trước - thời điểm mà Nghị định 64 của Chính phủ về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Trên tinh thần của Nghị định 64, ở Nghệ An các hộ sản xuất nông nghiệp đã được giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến năm 2002, để giải quyết tình trạng sản xuất manh mún và thiếu tập trung, hiệu quả thấp, tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Chỉ thị 02 về việc chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp từ ô thửa nhỏ sang ô thửa lớn. Việc dồn điền đổi thửa đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc sản xuất thâm canh cho bà con nông dân. Mặc dù chủ trương này được thực thi ngay sau khi ban hành, các hộ nông dân đã chuyển sang sản xuất thâm canh trên những ô thửa lớn, song hồ sơ đất đai và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn giữ nguyên của những năm 1993 trở về trước, chưa thay đổi theo hiện trạng mới. Chính vì vậy việc xác minh diện tích các loại đất gặp nhiều khó khăn. Trong khi công tác đo đạc trước đây chủ yếu là thủ công, đo bằng dây, bằng sào nên sai số về mốc, diện tích là rất lớn. Bên cạnh đó, sơ đồ quy hoạch quản lý, sử dụng đất của các xã không chính xác so với hiện trạng còn bởi những thay đổi về hạ tầng kỹ thuật nông thôn, như xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, cải tạo vườn tạp, quy hoạch lại vùng sản xuất... Thực tế còn cho thấy, trên cùng một diện tích đất ở đã được cấp GCN QSDĐ, nhiều hộ gia đình đã tiến hành tách thửa, xây dựng nhà cửa cho con cái ra ở riêng, thậm chí đã tiến hành chuyển nhượng nhưng sơ đồ quản lý vẫn là sơ đồ cũ chưa chỉnh lý. Điều này đã gây không ít khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất và hiện trạng sử dụng. Một vấn đề khác đang tồn tại ở xã Nghi Liên, đó là có hằng trăm hộ gia đình trước đây được UBND huyện Nghi Lộc cấp đất theo diện đối tượng chính sách và nhiều hộ đã có bìa đỏ, song sau đó huyện ủy thanh tra và kết luận cấp sai thẩm quyền, sai đối tượng đề nghị thu hồi. Tuy nhiên, UBND huyện chưa có quyết định nào để xử lý. Chính vì vậy, cho đến nay, sau khi chuyển về TP, các hộ này vẫn chưa thể được thực hiện cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong khi các nghĩa vụ về tài chính đã hoàn thành từ lâu.
Xã Nghi Liên là một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh Nghệ An thực hiện chủ trương cấp GCN QSDĐ theo Nghị định 64 năm 1993 của Chính phủ. Và Nghi Liên cũng là xã mà đất đai trên thực địa so với sơ đồ, giấy chứng nhận có tỷ lệ sai về diện tích, kích thước, hình dáng trên 80%.
Do công tác đo đạc trước đây có nhiều hạn chế, nên về cơ bản các xã mới sáp nhập vào TP Vinh có sự chênh lệch diện tích trên bản đồ và thực địa chiếm tỷ lệ đến 50%. Muốn thực hiện cấp đổi TP phải tiến hành đo đạc từ đầu, đồng thời phải công nhận lại hạn mức đất ở theo tiêu chí mới. Nếu đất có nguồn gốc trước năm 1980, trước đây, hạn mức đất ở cho mỗi hộ dân là 200m2 thì qui định mới tối đa là 1.500m2 đối với xã Hưng Chính và 1.000m2 với các xã còn lại. Nói là như vậy, nhưng để thực hiện cấp đổi đúng quy trình, đảm bảo tính pháp lý hoàn toàn không dễ dàng. Phần lớn bìa đỏ của các hộ dân được cấp trước đây không có sơ đồ hình dạng đất, không có thuyết minh về giáp ranh, không có sự tham gia ký xác nhận của các hộ liền kề. Trong khi đó, ở TP Vinh yêu cầu này là bắt buộc. Mục đích chí ít cũng có thể xác định được các vấn đề về tranh chấp đất đai. Chính vì vậy, đã hạn chế rất nhiều đến công tác cấp đổi và gây cản trở đối với các hộ dân khi thực hiện các quyền về đất đai.
Theo kế hoạch, đến hết năm 2011, các hộ dân sẽ được cấp GCN QSDĐ mới. (Ảnh: Tin tức thương mại) |
Qua hơn 2 năm TP Vinh thực hiện chủ trương cấp đổi GCN QSDĐ cho các xã mới sáp nhập, tỷ lệ hộ dân được cấp đổi vẫn còn khiêm tốn so với yêu cầu của thực tế. Nguyên nhân còn đến từ những bộ phận được giao xử lý. Theo đó, các phòng, ban chức năng và chính quyền các địa phương chưa bám sát nội dung chỉ đạo của UBND TP. Những người được phân công phụ trách một mặt chưa nắm vững yêu cầu chuyên môn, mặt khác cách tiến hành thiếu nhất quán. Công tác tuyên truyền vẫn còn nhiều hạn chế, làm cho người dân hiểu chưa đầy đủ về chủ trương cấp đổi GCN QSDĐ.
Để từng bước đẩy nhanh tiến độ cấp đổi GCN QSDĐ, hiện nay, các địa phương tạo điều kiện cho các hộ dân chủ động ký hợp đồng với Phòng Tài nguyên – Môi trường TP Vinh trích đo đất ở, đất vườn. Trên cơ sở đã xác định diện tích, kích thước, hình dạng đất, chính quyền cơ sở và TP sẽ từng bước hoàn thiện hồ sơ để cấp Giấy chứng nhận. Đối với xã Nghi Ân, TP sẽ hỗ trợ 100% kinh phí đo đạc, còn xã Nghi Đức được dự án Sim La – Thụy Điển tài trợ kinh phí. Theo kế hoạch của UBND TP Vinh, đến hết năm 2011, về cơ bản các hộ dân sẽ được cấp bìa đỏ mới. Và người dân vẫn phải chờ đợi đến hết năm nay.
(Đào Tuấn)