EU kêu gọi giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế
Tuyên bố của bà Maja Kocijancic, Người phát ngôn của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU, nêu rõ: “Các hành động đơn phương trong mấy tuần qua ở Biển Đông đã dẫn tới hậu quả làm gia tăng căng thẳng, xói mòn môi trường an ninh hàng hải, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế một cách hòa bình của khu vực. Điều quan trọng đối với tất cả các bên trong khu vực là thể hiện kiềm chế, có những bước đi cụ thể hướng tới khôi phục nguyên trạng, kiềm chế quân sự hóa khu vực và giải quyết các tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Các bên cũng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên thứ ba dưới hình thức hòa giải hoặc trọng tài phân xử nhằm tạo điều kiện giải quyết các khiếu nại của từng bên – nếu thấy hữu ích”.
Tuyên bố cho biết thêm “EU sẽ tiếp tục ủng hộ hoàn toàn tiến trình do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đứng đầu, nhằm thúc đẩy hơn nữa một trật tự khu vực và quốc tế dựa trên luật pháp, củng cố hợp tác đa phương, cũng như hợp tác mật thiết hơn với các bên thứ ba. Chúng tôi mong muốn (các bên) sớm hoàn tất, theo hướng minh bạch, các cuộc đàm phán về một ‘Bộ qui tắc Ứng xử’ mang tính hiệu quả, thực chất và ràng buộc về pháp lý".
EU khẳng định cam kết với trật tự pháp lý ở các vùng biển và đại dương dựa trên luật pháp quốc tế, an ninh và hợp tác hàng hải, cũng như tự do hàng hải và hàng không vì lợi ích của tất cả các bên.
Chiều 22/8, tại Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam kể từ khi nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
“Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã trở lại và tiếp tục hành vi xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với Trung Quốc về vấn đề này, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không có những hành vi làm gia tăng căng thẳng, gây phức tạp tình hình, đe dọa đến hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông cũng như ở khu vực. Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục thực thi và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam phù hợp luật pháp quốc tế và pháp luật của Việt Nam.
Với quyết tâm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đóng góp vào hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, Việt Nam luôn sẵn sàng giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng tôi đề nghị các quốc gia liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì trật tư, hòa bình, an ninh trong khu vực; an ninh, an toàn và tự do hàng hải hàng không; tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết thông tin về việc các nước ASEAN lần đầu tiên có cuộc tập trận với Mỹ ở Vịnh Thái Lan, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Cuộc diễn tập hàng hải ASEAN-Mỹ sẽ diễn ra từ ngày 2-6/9/2019, được tiến hành theo thỏa thuận giữa các bộ trưởng Bộ quốc phòng ASEAN và Mỹ năm 2018. Là thành viên của ASEAN, Việt Nam sẽ tham gia cuộc diễn tập này”.
Theo Báo Tin tức
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin