Thời sự - Chính trị

Giảm thuế giá trị gia tăng để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế

18:51, 20/11/2023

Theo phương án Chính phủ trình Quốc hội, sẽ tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024.

Việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ góp phần giảm giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ, từ đó góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh và duy trì công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2024.

Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV, ngày 20/11.

Giảm thuế, dân hưởng lợi

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).

Theo ông Phớc, việc giảm thuế sẽ khiến ngân sách Nhà nước giảm thu khoảng 4,175 nghìn tỷ/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2024 thì tương đương khoảng 25 nghìn tỷ đồng.

Ông Hồ Đức Phớc khẳng định người dân là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này. Việc giảm thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống người dân.

Đối với doanh nghiệp, việc giảm 2% mức thuế giá trị gia tăng sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, từ đó giúp sản phẩm của doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh, tăng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh việc giảm thuế là cần thiết.

Nguyên nhân là dịch COID-19 xảy ra đã gây hậu quả nặng nề và kéo dài, tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế-xã hội, cùng với sự biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ đã làm cho nền kinh tế-xã hội nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức lớn, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Việc tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về chính sách tài chính thời gian qua đã có tác động tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ổn định sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân được trở lại bình thường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế,” Bộ trưởng nêu rõ.

Qua 4 tháng thực hiện (tháng 7-10/2023), chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 15,6 nghìn tỷ đồng, đã góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy, cần tiếp tục có giải pháp về chính sách tài chính để thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước.

Về nội dung của chính sách giảm thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu cụ thể: Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; thời gian áp dụng từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024.

Đảm bảo sự bình đẳng thị trường

Tại báo cáo thẩm tra về Nghị quyết này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết đa số ý kiến đồng tình kéo dài thực hiện chính sách này để nền kinh tế phục hồi nhanh hơn trong bối cảnh khó khăn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh báo cáo tại Quốc hội. (
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh báo cáo tại Quốc hội. (

Cơ quan thẩm tra cho rằng việc đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện chính sách năm 2022-2023 và dự báo diễn biến về kinh tế, xã hội, nhu cầu hỗ trợ đối với doanh nghiệp và người dân cho cả năm 2024 cần được làm rõ tại thời điểm hiện nay khi xác định các biện pháp điều hành chính sách tài khóa cho cả năm 2024, bao gồm cả khả năng thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

“Việc chỉ ban hành chính sách cho mỗi lần 6 tháng thể hiện sự thiếu sự ổn định và tính dự báo của việc xây dựng chính sách. Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo cần có giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật,” ông Lê Quang Mạnh nêu.

Mặc dù còn những ý kiến băn khoăn nhất định về sự cần thiết của việc tiếp tục ban hành và thực hiện chính sách, về hiệu quả của chính sách, song với quan điểm đồng hành cùng Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng, Ủy ban thẩm tra tán thành việc trình Quốc hội xem xét, thông qua chính sách giảm thuế giá trị gia tăng và đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp Quốc hội, tương tự như đã quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội.

Qua nghiên cứu Hồ sơ Tờ trình của Chính phủ về việc giảm thuế giá trị gia tăng và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Đại biểu Dương Khắc Mai (tỉnh Đắk Nông) bày tỏ sự tán thành với sự cần thiết ban hành chính sách giảm thuế giá trị gia tăng để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, góp phần giảm giá hàng hóa dịch vụ, kích cầu tiêu dùng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người lao động.

Đại biểu Dương Khắc Mai, tỉnh Đắk Nông tán thành với chính sách giảm thuế giá trị gia tăng để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Đại biểu Dương Khắc Mai, tỉnh Đắk Nông tán thành với chính sách giảm thuế giá trị gia tăng để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Theo đại biểu, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội được ban hành ở thời điểm chống dịch. Thực tế, nhiều ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng với mức độ khác nhau. Vì vậy, Nghị quyết số 43 chỉ giảm thuế giá trị gia tăng cho một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất 10%.

Hiện nay, tính hình kinh tế-xã hội đã thay đổi, nhiều ngành, lĩnh vực không được giảm thuế theo Nghị quyết số 43 cũng đang rất khó khăn, như kinh doanh bất động sản, ngân hàng, chứng khoán…. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần có đánh giá lại tình hình thực tế hiện nay để có quy định về phạm vi áp dụng của dự thảo Nghị quyết cho phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (tỉnh Cà Mau) cũng thống nhất với đề xuất của Chính phủ bởi dự báo thương mại toàn cầu tiếp tục khó khăn do biến động địa chính trị và nguy cơ chi phối kinh tế.

Tuy nhiên, Đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề nghị cần cân nhắc áp dụng chung một mức thuế giảm giá trị gia tăng cho tất cả các hàng hóa dịch vụ có mối quan hệ khăng khít với nhau. Việc phân biệt đối tượng giảm giá trị gia tăng làm ảnh hưởng các quan hệ kinh tế, tạo ra sức bất bình đẳng trong thị trường.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh cũng đề ngh Quốc hội xem xét cho tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng cho cả năm 2024 bởi đây là giải pháp khả thi và hiệu quả trong chính sách hỗ trợ áp dụng trong vài năm gần đây./.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện