Phiên họp thứ 35 của UBTVQH: Nhiệm vụ của dân quân và tự vệ đều do Bộ Quốc phòng chỉ huy
Giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết: Tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV, các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).
Sau kỳ họp, theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) đã phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.
Về tên gọi của dự thảo Luật, một số ý kiến đề nghị sửa tên Luật là “Luật Dân quân, Tự vệ” hoặc “Luật Dân quân và Tự vệ”, vì dân quân và tự vệ là hai chủ thể khác nhau, có chế độ, chính sách cơ bản không giống nhau.
Thường trực UBQPAN thấy rằng, cụm từ “Dân quân tự vệ” tại tên dự thảo Luật đã được sử dụng thống nhất trong các Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, Luật Quốc phòng, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan và kế thừa tên gọi của Luật Dân quân tự vệ năm 2009; cụm từ “Dân quân tự vệ” là dùng để chỉ một lực lượng thuộc thành phần lực lượng vũ trang.
Theo quy định của Luật hiện hành và dự thảo Luật, đơn vị dân quân được tổ chức ở địa phương, đơn vị tự vệ được tổ chức ở cơ quan, tổ chức, nhưng cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức, chỉ huy, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Dân quân tự vệ là thống nhất.
Mặt khác, tên gọi “Dân quân tự vệ” gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của lực lượng Dân quân tự vệ qua các thời kỳ và quen thuộc trong đời sống xã hội, quá trình tổ chức thực hiện không có gì vướng mắc. Do đó, đề nghị UBTVQH cho giữ tên gọi của dự thảo Luật như Chính phủ trình.
Về vị trí, chức năng của Dân quân tự vệ, một số ý kiến cho rằng, quy định vị trí, chức năng của lực lượng Tự vệ “là lực lượng bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước” như dự thảo Luật là khó bảo đảm việc thực hiện quy định về tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; ý kiến khác đề nghị bổ sung quy định về bảo vệ tài sản của tổ chức, trong đó có cả tài sản của doanh nghiệp.
Thường trực UBQPAN thấy rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành, thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đồng thời, được Nhà nước Việt Nam công nhận và bảo hộ quyền sở hữu về tài sản, vốn đầu tư, thu nhập và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư. Mặt khác, người lao động Việt Nam trong các doanh nghiệp này có nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ. Tuy nhiên, dự thảo Luật Chính phủ trình chưa quy định chức năng của Dân quân tự vệ trong bảo vệ doanh nghiệp.
Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH cho thay cụm từ “Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa” bằng cụm từ “chính quyền” như Luật Dân quân tự vệ năm 2009 cho phù hợp với quy định của Luật Quốc phòng; thay cụm từ “tài sản của Nhân dân, tài sản của Nhà nước” bằng cụm từ “tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân” để bảo đảm bao quát hơn; bỏ cụm từ “sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu”, vì đây là nhiệm vụ của Dân quân tự vệ, đã được quy định tại khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật.
Theo đó, Điều này được chỉnh lý lại như sau: “Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác; là thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân; là lực lượng bảo vệ Đảng, chính quyền, tính mạng, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở địa phương, cơ sở; làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh”.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Vũ Hồng Thanh cho rằng: Tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, nhiều đại biểu còn có ý kiến khác nhau về Luật Dân quân tự vệ. Có ý kiến cho rằng cần phân biệt rõ Dân quân riêng, Tự vệ riêng.
“Xem xét về chức năng Tự vệ, nghĩa là bảo vệ doanh nghiệp. Nếu tách ra thì sẽ như thế nào? bởi trách nhiệm của tự vệ là bảo vệ trong doanh nghiệp. Quy định thì đúng, nhưng theo tôi cần tách ra Dân quân và Tự vệ để làm rõ chức năng nhiêm vụ của Luật. Trong các khu công nghiệp, khu kinh tế có tổ chức Đảng; còn những nơi doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng thì chính quyền địa phương quản lý, khi đó trách nhiệm các doanh nghiệp như thế nào, tránh sự chồng chéo nhưng cũng lại thiếu sự buông lỏng. Về kinh phí, Nhà nước bỏ kinh phí ra để bảo đảm cho khối Dân quân tự vệ này thì sẽ ra sao?”, ông Vũ Hồng Thanh phát biểu.
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng khẳng định, dự án Luật Dân quân tự vệ được ĐBQH đóng góp nhiều ý kiến và còn băn khoăn về tên của Luật Dân quân tự vệ. Theo bà Lê Thị Nga, trong dự án Luật này có hai chủ thể, đó là Dân quân tổ chức ở địa phương, còn Tự vệ thì ở trong các doanh nghiệp. Song về bản chất thì đây là 2 lực lượng cùng nằm trong một khối thống nhất, nhưng chế độ lại khác nhau, cho nên về tên gọi của Luật cần giải trình cho rõ hơn.
Giải thích thêm tên gọi của Luật, Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết: “Về tên gọi của Luật không có vướng mắc gì, cái này đã có trong Hiến pháp. Lực lượng Dân quân tự vệ gồm có 2 khối, khối địa phương và khối ở cơ quan doanh nghiệp. Gọi như thế cho thuận nhưng nhiệm vụ của đối tượng này đều do Bộ Quốc phòng chỉ huy. Ngoài chức năng Bộ Quốc phòng giao, lực lượng Dân quân tự vệ còn có nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và thực hiện nhiệm vụ khác khi cần. Đề nghị UBTVQH cho giữ nguyên tên Luật”.
Kết luận phiên thảo luận cho ý kiến về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), Phó Chủ tịch Đỗ Bá Tỵ khẳng định: Cơ bản các ý kiến của UBTVQH đều tán thành nội dụng tiếp thu chỉnh lý của án Luật. Về tên gọi, cơ bản các ý kiến đồng tình như giải trình của UBQPAN. Về vị trí chức năng của Dân quân tự vệ cũng đã được chỉnh lý cho phù hợp. Vấn đề tự vệ trong doanh nghiệp được nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận và ngay tại Phiên họp thứ 35 của UBTVQH cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý. Điều 17 của dự thảo Luật cũng đã được tổ chức chặt hơn. Về kinh phí hoạt động của đối tượng dự án Luật này cũng cần bảo đảm công bằng, minh bạch, công khai…
Theo VGP
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin