Hơn 93.000 hộ dân Nghệ An thoát nghèo nhờ Tín dụng chính sách
Tại điểm cầu Nghệ An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa chủ trì hội nghị.
Đến ngày 31/8/2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt gần 200 nghìn tỷ, tăng hơn 57 ngìn tỷ đồng (tương đương với hơn 40%) so với cuối năm 2015. Tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 9,7%, với gần 6,6 triệu khách hàng. Vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư cho phát triển sản xuất, tạo sinh kế, tạo việc làm đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc.
Tín dụng chính sách tập trung chủ yếu vào 9 chương trình lớn dành cho các đối tượng như: hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.
Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã phát huy hiệu lực, hiệu quả trên phạm vi toàn quốc, có tác động tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Tính theo chuẩn nghèo đa chiều, giai đoạn 2016-2018 đã giảm từ 8,23% xuống còn 5,23%, bình quân giảm 1,0%/năm.
Tại Nghệ An, đến ngày 30/6/2019, 19 chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ được triển khai thực hiện với tổng nguồn vốn đạt hơn 8.200 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 7,1% với 241.000 khách hàng đang dư nợ, góp phần giúp cho hơn 93.000 hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo.
Tại hội nghị, đại diện các đối tượng được thụ hưởng nguồn vốn tín dụng chính sách đã nêu lên hiệu quả, tác động của các chương trình trong quá trình phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu của gia đình và xã hội. Các cơ quan trung ương, địa phương cũng nêu lên những khó khăn vướng mắc và kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trong thời gian tới.
*NTV tiếp tục cập nhật
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin