Thơm ngon bánh gai xứ Dừa
Chị Trần Thị Hà, người gắn bó với nghề làm bánh gai hơn 15 năm nay chia sẻ: Nghề làm bánh gai này chị được ông cha truyền lại lâu lắm rồi. Làm nghề này nhìn thì đơn giản, nhưng để có được sản phẩm đặc trưng và có thương hiệu như bây giờ không phải là điều dễ dàng. Từ tất cả các khâu đều làm hết sức cẩn thận, tỉ mỉ. Cơ sở của gia đình chị Hà luôn có từ 10- 15 công nhân làm công ăn lương theo ngày. Vào ngày bình thường gia đình chị làm từ 800 - 1.000 chiếc bánh. Với giá 2.500 đồng/cặp sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi ngày gia đình cũng thu được từ 700 - 800 ngàn đồng. Vào những ngày giáp Tết và sau Tết khách hàng đặt và làm quà nhiểu thì số lượng bánh làm ra phải gấp đôi, gấp ba mới đáp ứng được nhu cầu. Chính vì vậy, gia đình chị phải thuê thêm người và miệt mài làm bánh từ sáng đến tối, thậm chí thức trắng đêm mới đủ cung cấp cho khách.
Tay thoăn thoát nhặt bánh để đóng gói cho khách hàng, Chị Bùi Thị Lan - chủ hàng bánh gai Đoài Lan cho biết: Chị cũng không biết nghề làm bánh gai có từ bao giờ, chỉ nhớ từ khi chị lớn lên đã thấy mọi người trong nhà làm bánh gai. Gia đình chị đã có truyền thống làm bánh gai 3 đời tại dốc Dừa này. Hiện nay cơ sở sản xuất bánh gai của chị lớn nhất ở đây, mỗi ngày không tính khách đặt hàng trước để làm quà mà mỗi chiếc xe khách qua đây đều dừng lại để mua đặc sản bánh gai, bình quân mỗi ngày gia đình chị tiêu thụ khoảng 5 yến bột nếp, 1 yến lá gai, 1 yến đậu xanh, 3-4kg dừa cùi, 10 kg đường và khoảng 20 lít mật, làm ra 1.000- 1.200 chiếc bánh.
Theo kinh nghiệm của những người làm bánh gai xứ Dừa, để cho ra sản phẩm bánh gai, người làm nghề phải bỏ nhiều công sức vào từng khâu từ tuyển chọn nguyên liệu gồm nếp, đậu xanh, lá gai tươi, dừa khô, đường cát trắng, dầu ăn... đến hấp bánh. Các công đoạn để làm ra chiếc bánh gai đều được các gia đình chú trọng, không được xem nhẹ bất cứ công đoạn nào, dù chỉ là chọn lá chuối gói. Lá chuối phải là loại khô tự nhiên từ trên thân cây bứt xuống, tuyệt nhiên không được dùng lá chuối tươi phơi khô. Gạo nếp loại thơm dẻo, mật mía loại ngon, đậu xanh làm nhân phải là những hạt căng tròn không bị lép và phải được bóc vỏ ngâm nước cho nở đều; dừa phải được nạo thành sợi trắng mịn.
Người làm bánh gai xứ Dừa cho biết: chiếc bánh được làm từ bột nếp, nhân đậu xanh dừa nhưng lá gai mới chính là linh hồn của chiếc bánh. Bánh gai ở đây có hương vị đặc trưng do lá gai do người dân tự trồng ven núi đá vôi. Khác với gạo được ngâm, lá gai trước khi đem giã sẽ được luộc thật nhừ. Luộc càng lâu thì bánh càng dẻo, mịn. Lá giã mịn rồi được nấu với mật mía cho quánh lại, trộn với bột gạo để ủ trong một đêm. Lá chuối được trải ra và người làm bánh lấy muỗng múc từng muỗng bột trải trên mặt lá chuối, ở giữa cho nhân đậu xanh đã được trộn lẫn với dừa và bắt đầu gói lại hình tam giác. Công đoạn đuối cùng là cho bánh vào nồi để hấp. Khác với các loại bánh khác như bánh chưng, bánh bột lọc là cho vào nước và luộc chín thì bánh gai lại được bà con nơi đây xếp vào những cái vửng lớn cho vào nồi để hông trên bếp củi, mỗi lần hông khoảng tầm một tiếng rưỡi. Theo những người làm bánh ở xứ Dừa, một chiếc bánh đạt yêu cầu, đến được tay người tiêu dùng phải mất khoảng 5 tiếng đồng hồ, và bánh khi thành phẩm phải mịn và có được vị dẻo thơm của lá gai và gạo nếp, vị ngọt của mật mía, bùi bùi của đậu xanh và hương vị tự nhiên của lá chuối khô.
Hiện nay, toàn xã Tường Sơn có gần 20 cơ sở làm bánh gai, trong đó 4 hộ sản xuất chuyên nghiệp có thuê nhân công và trả lương công nhật. Mỗi ngày các hộ sản xuất chuyên nghiệp làm ra khoảng từ 1.000 chiếc bánh trở lên, còn những hộ thời vụ thì mỗi ngày làm ra khoảng 400 chiếc phục vụ người tiêu dùng. Như vậy, mỗi ngày trung bình người làm bánh gai tại xã Tường Sơn sản xuất khoảng từ 10.000- 15.000 cái bánh gai, con số này những tháng giáp tết có thể gấp 2 - 3 lần. Những năm gần đây, nhờ uy tín của thương hiệu bánh gai xứ Dừa nên đã có nhiều gia đình trong xã thoát nghèo, hàng trăm người dân nông nhàn có công ăn việc làm thường xuyên, ổn định.
Không chỉ món quà quê bình dị mà bánh gai xứ Dừa còn là đặc sản đi khắp các vùng của Tổ quốc. Rời dốc Dừa trong buổi chiều muộn, các cơ sở làm bánh đang náo nhiệt; người mua, kẻ bán thứ bánh đặc sản này vẫn tấp nập rộn rã tiếng cười nói, niềm vui rạng rỡ của những người thợ làm bánh về một cuộc sống sung túc, ấm no.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin