Triển vọng mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ở Quỳ Hợp
Sau khi khảo sát thị trường và cách trồng dưa lưới, anh Tiến đã vào tận Bình Dương để mua vật liệu về dựng nhà màng với diện tích 650m2, chi phí ban đầu hết hơn 200 triệu đồng. Tiếp đó, anh Tiến chọn giống dưa Nhật Bản để trồng với 1.400 gốc. Dưa lưới Nhật bản với ưu điểm cây phát triển khỏe, chống sâu bệnh tốt, mỗi gốc chỉ để 1 quả có trọng lượng trung bình từ 1,5 đến 2kg. Nhiều nơi đã trồng loại dưa này có giá trị kinh tế cao và tương đối dễ tiêu thụ nên được gia đình anh Tiến lựa chọn khởi đầu cho ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Quá trình chăm sóc tuy có vất vả hơn. Bình quân mỗi ngày phải tưới nước 10 lần, mỗi lần thứ 3 đến 5 phút bằng hệ thống bơm tự động lên bể, sau đó chảy lên đường ống để tưới nhỏ giọt nên nước được thẩm thấu vào đất đủ độ ẩm cho dưa phát triển tốt. Ước đầu tuy chưa có kinh nghiệm chăm sóc và đầu tư còn khó khăn vất vả nhưng mô hình dưa lưới mở ra triển vọng mới trên đất Minh Hợp.
"Trong cái khó ló cái khôn", từ khi trồng cam thất bại, gia đình cũng tìm một cây trồng riêng để gia nhập thị trường. Trong giai giai đoạn này người ta có nhiều cây để lựa chọn, nhưng mình muốn tiên phong đi trước để kiếm một cây trồng gì đó khác biệt với mọi người để thay đổi. Qua tìm hiểu bạn bè, trên truyền hình và Internet thì cây dưa lưới được gia đình lựa chọn. Bước đầu làm cây dưa lưới thấy nó ngắn ngày nhưng vất vả lắm, nó nhiều công chăm sóc và chi phí đầu tư ban đầu lớn" - anh Tiến chia sẻ.
Mô hình dưa nhà màng của gia đình anh Tiến là mô hình trồng trong nhà lưới đầu tiên của xã Minh Hợp. Đây là xã chủ yếu phát triển cây cam khoảng gần 2.000ha nhưng vài năm trở lại đây do cam phát triển kém, khó khăn trong khâu tiêu thụ nên nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng và tìm hướng đi cho phù hợp để nâng cao hiệu quả kinh tế hộ gia đình.
"Trong thời gian qua Hội viên nông dân xã Minh Hợp chủ yếu là trồng cam, nhưng mấy năm gần đây cam quýt phát triển kém, giá cả bấp bênh, nên hội nông dân đã tuyên truyền vận động hội viên chủ động chuyển đổi cây trồng để tăng hiệu quả kinh tế lên. Như gia đình anh Tiến đây đã chủ động chuyển đổi trồng cây dưa lưới, bước đầu chúng tôi thấy cây phát triển tốt, hứa hẹn một mùa bội thu" - chị Nguyễn Thị Hiếu, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Minh Hợp, huyện Qùy Hợp.
Hiện nay, dưa Nhật trong nhà lưới của gia đình anh Tiến được khoảng 1 tháng đã có quả, trọng lượng trung bình gần 1kg, quả to đạt gần 2kg. Theo tìm hiểu anh Tiến cho biết dưa nhà lưới khoảng 65 đến 70 ngày là cho thu hoạch. Giá cả hiện tại trên thị trường dao động từ 45 đến 60.000 đồng/kg. Với tổng số lượng hơn 1.400 gốc dưa sẽ cho 1.400 quả, bình quân khi chín trọng lượng từ 1.5 đến 2kg khoảng hơn 2 tấn, sẽ đưa về nguồn thu nhập cao cho gia đình anh Tiến trong thời gian tới. Mô hình dưa mới này của gia đình anh Tiến luôn được các cấp hội nông dân của xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp quan tâm động viên và đồng hành chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi chị Bùi Thị Huyền - Phó chủ tịch Hội ND huyện Quỳ Hợp cho biết: "Trong thời gian qua, trên địa bàn huyện Quỳ Hợp có một số hộ sản xuất kinh doanh giỏi đã mạnh dạn đầu tư vào phát triển mô hình kinh tế mới. Đặc biệt như mô hình anh Tiến ở đây trồng dưa lưới, đây là một mô hình mới trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Đối với BTV hội nông dân huyện Quỳ Hợp trong thời gian tới sẽ có kế hoạch làm việc với ngân hàng như NHCS, Ngân hàng nông nghiệp để có hỗ trợ về vốn, KHKT cho hộ SXKD giỏi này được tiếp cận về vốn đầu tư phát triển sản xuất, để làm sao đó đầu tư mô hình ngày càng phát triển hơn, để nhân rộng ra cho nhiều hội viên nông dân học tập, góp phần chung vào XĐGN tại địa phương".
Với mô hình dưa lưới trong nhà màng đang phát triển tốt của gia đình anh Tiến hứa hẹn đem về nguồn thu nhập cao trong thời gian tới. Từ đó giúp cho người nông dân chủ động trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất của gia đình mình, mở ra nhiều triển vọng trong phát triển kinh tế từ cây ăn quả cho các hộ gia đình ở xã Minh Hợp nói riêng và Quỳ Hợp nói chung.
Thu Hường
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin