Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Anh Sơn xây dựng nhiều cánh đồng chuyên canh rau màu hàng hóa trong vụ đông

16:15, 25/11/2019
Vụ đông 2019, huyện Anh Sơn xác định đầu tư phát triển nhiều vùng chuyên canh sản xuất rau màu hàng hóa theo hướng tập trung chất lượng và bền vững. Từ đó, tạo bước đột phá, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích cũng như hình thành những cánh đồng chuyên canh cho thu nhập cao.

Ở xã Thạch Sơn, thời điểm này bà con nông dân đang vào vụ thu hoạch rau cải trên đất bãi, nhanh tay bó những cây rau cải để chuẩn bị cho phiên chợ chiều, chị Trần Thị Hà thôn 6 xã Thạch Sơn chia sẻ: Gia đình chị làm được hơn hai sào đất bãi chuyên trồng các loại rau màu. Hiện nay mới chỉ có rau cải cho thu hoạch, năm nay thời điểm đầu vụ này giá cao hơn mọi năm mỗi bó rau cải nhánh có giá 5.000 đồng. Mỗi ngày chị thu hoạch 40-50, cho thu nhập ổn định từ 200 đến 250 nghìn đồng. Sau khi trừ chi phí, bình quân 1 sào rau vụ đông sớm năm nay cho gia đình chị Hà thu lãi khoảng 6 triệu đồng/sào, hiện nay gia đình chị Hà đang tranh thủ xuống giống các loại rau, củ, quả gối vụ nhằm cung ứng nguồn hàng rau xanh trong dịp Tết sắp đến.

Gia đình chị Trần Thị Hà thôn 6 xã Thạch Sơn có hơn hai sào đất bãi chuyên trồng các loại rau màu

Vụ đông năm nay cây mướp hương là loại rau màu được bà con nông dân Cẩm Sơn trồng nhiều ở diện tích đất vệ, màu bãi. Cùng với nhiều hộ bà con nông dân khác, thời điểm này gia đình chị Nguyễn Thị Giang thôn Hội Lâm đang tập trung chăm sóc 3 sào mướp hương vừa ra được 3 lá. Theo chị Giang: “Trước đây, gia đình chị chưa chú trọng đến sản xuất vụ đông hàng hóa, chủ yếu theo hình thức tự cung cấp cho gia đình. Nhưng hai năm nay, gia đình đã thực sự quan tâm đến sản xuất cây vụ đông hàng hóa vì đây là vụ mang lại thu nhập cao và ổn định trong năm. Theo kinh nghiệm của chị Giang thì trồng mướp đầu tư không quá lớn, thời gian sinh trưởng của mướp chỉ 1 tháng 5 ngày, cứ 1- 2 ngày thu hái 1 lần. Mỗi sào mướp cho năng suất từ 1,5 đến 2 tấn, trừ chi phí mỗi sào cũng cho thu nhập 8 triệu đồng”.   

Hai năm nay, gia đình chị Nguyễn Thị Giang thôn Hội Lâm xã Cẩm Sơn chủ yếu trồng mướp hương trong vụ đông mang lại thu nhập cao và ổn định trong năm

Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng năng suất và chất lượng, bảo đảm vệ sinh thực phẩm, tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, an toàn và bền vững là mục tiêu lớn của xã Cẩm Sơn. Chính vì vậy,  cấp ủy, chính quyền Cẩm Sơn đã cụ thể hóa bằng chương trình, kế hoạch và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện, tạo ra vùng cây rau màu chất lượng cao trên địa bàn. Đầu tiên là vận động bà con chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng rau màu hàng hóa. Tuyên truyền cho bà con đưa giống cây rau màu mới, sử dụng phân bón hiệu quả để cây trồng cho năng suất cao. Tập trung chỉ đạo các ngành, tổ chức đoàn thể và các thôn, dựa trên cơ sở đặc điểm đất đai, mức độ sử dụng đất để chọn loại cây phù hợp. Giao cho hội Nông dân phối hợp mở 2 lớp tập huấn về phát triển rau an toàn cho hơn 300 hộ dân từ đó từng bước hình thành vùng chuyên canh rau màu.
“Năm 2018 sản lượng dưa hấu, bầu, bí, mướp toàn xã được hơn 1.500 tấn, tăng hơn 60 tấn so với cùng kỳ. Hiện nay, bà con nông dân trên địa bàn xã đang tập trung sản xuất cây rau màu vụ đông 2019, tập trung chủ yếu ở vùng vệ, vùng bãi thôn 1/5, thôn Hội Lâm và thôn Hạ Du với diện tích hơn 30 ha, với các loại cây chủ yếu là mướp, bầu bí, dưa chuột, đậu cô ve, bắp cải. Quan điểm của xã Cẩm Sơn luôn xác định vụ đông là vụ chủ lực sản xuất hàng hoá, nên sẽ thực hiện đa dạng hoá các loại cây trồng, thực hiện tốt việc chuyển đổi, bố trí cây trồng hợp lý từng bước cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp" -  ông Nguyễn Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn cho biết.

Theo đề án sản xuất, vụ đông 2019 huyện Anh Sơn gieo trồng rau, đậu, bầu bí các loại là 330 ha.

Là một trong những địa phương có điều kiện thuận lợi để sản xuất rau màu theo hướng hàng hóa với diện tích đất bãi lớn, những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp ở Anh Sơn đã có bước chuyển biến rõ rệt. Bên cạnh việc duy trì và mở rộng diện tích các cây trồng truyền thống, huyện đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát triển vụ đông theo hướng tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Theo đề án sản xuất, vụ đông 2019 huyện Anh Sơn gieo trồng rau, đậu, bầu bí các loại là 330 ha, tập trung nhiều ở Cẩm Sơn, Thạch Sơn, Lạng Sơn, Tường Sơn; khoai lang 55 ha; lạc, đậu 89 ha ở Cẩm Sơn, Đức Sơn, Tào Sơn. Đặc biệt năm nay, huyện Anh Sơn đã xây dựng thử nghiệm mô hình trồng 23 ha khoai tây Marabel của Đức vào 4 địa phương là xã Tam Sơn, Cẩm Sơn, Phúc Sơn và xã Lạng Sơn. Căn cứ vào điều kiện và chất đất, nhiều địa phương ở Anh Sơn đã chủ động xây dựng các vùng rau an toàn,  huyện cũng đã phối hợp với các ban ngành và các địa phương thường xuyên mở các lớp tập huấn, tư vấn kỹ thuật. Nhiều địa phương đã khuyến khích doanh nghiệp liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân. Ngoài ra, huyện cũng khuyến khích các địa phương quy hoạch vùng, bố trí cơ cấu giống phù hợp, ưu tiên đưa các giống cây trồng mới có năng suất và giá trị kinh tế cao vào sản xuất, nhằm đa dạng hóa cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân.

Thái Hiền

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm