Khó khăn trong thực hiện Nghị định 74/2019 về chính sách hỗ trợ tạo việc làm
Kết quả thực hiện Nghị định 61/2015
Cơ sở may mặc xuất khẩu của anh Hồ Sỹ Luân ở xóm 10 xã Quỳnh Lộc thị xã Hoàng Mai được thành lập năm 2011. Thời gian đầu khởi nghiệp, cơ sở gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư, trang thiết bị, nhân công lao động.v.v. Hồ Sỹ Luân đã làm hồ sơ đề nghị được vay vốn chương trình giải quyết việc làm theo quy định tại Nghị định 61/2015/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm. Ngân hàng chính sách xã hội thị xã Hoàng Mai đã thẩm định và duyệt cho vay 500 triệu đồng. Anh cho biết: nguồn vốn vay ưu đãi này đã giúp cơ sở giải được bài toán về trang thiết bị, sớm ổn định sản xuất.
Đối với gia đình chị Hồ Thị Lộc ở xóm 5 xã Quỳnh Lộc những ngày đầu mới mở xưởng mộc, việc huy động các nguồn vốn gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, xưởng chỉ có 2 lao động với rất ít nguồn hàng. Năm 2017, gia đình chị được duyệt vay nguồn vốn giải quyết việc làm theo Nghị định 61/ 2015/ NĐ-CP. Từ số vốn này, gia đình chị có điều kiện mở rộng sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm thường xuyên cho 7 lao động.
Nghị định số 61 NĐ-CP được ban hành năm 2015 quy định mức cho vay tối đa đối với người lao động được tạo việc làm là 50 triệu đồng; cơ sở sản xuất, kinh doanh là 1 tỷ đồng/1 dự án. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo. Thời hạn vay vốn không quá 60 tháng. Chính sách này đã tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động có thêm nguồn lực để ổn định sản xuất. Về kết quả thực hiện Nghị định 61/2015 trên địa bàn Nghệ An, ông Nguyễn Văn Vinh, Phó Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội Nghệ An cho biết: “Thực hiện Nghị định 61, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Nghệ An đã chủ động tham mưu cho Ban đại diện để đề nghị UBND các cấp cân đối nguồn vốn kịp thời. Từ đó, chi nhánh có cơ sở để tham mưu phân bổ vốn, giải ngân kịp thời cho các đối tượng thụ hưởng. Đến ngày 31/10/ 2019, đã có 9.606 người được vay vốn, tổng dư nợ 271 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế thì nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm còn hạn chế. Chỉ rất ít được bố trí cho các cơ sở sản xuất kinh doanh. Nhiều ý kiến cho rằng cùng với sự phát triển của nền kinh tế, chính sách tín dụng ưu đãi này cần có sự chỉnh sửa linh hoạt hơn về hạn mức và thời hạn cho vay".
Những sửa đổi, bổ sung của Nghị định 74/2019
Để nâng cao hiệu quả vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, ngày 23/9/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 8/11/2019. Theo đó, mức vay và thời hạn vay được nâng lên. Cụ thể: đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án. Đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng. Thời hạn vay vốn được tăng lên tối đa 120 tháng. Những sửa đổi trong chính sách hỗ trợ này được xem là cơ hội để các cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động có thêm tiềm lực tài chính, đẩy mạnh đầu tư sản xuất kinh doanh, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Theo ông Thái Đại Phong, Giám đốc công ty TNHH Đức Phong: “khi chính sách cho vay ưu đãi được nâng lên sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp tạo được nhiều công ăn việc làm vượt qua được khó khăn, tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội.”
Tuy vậy, việc triển khai Nghị định 74/ 2019/ NĐ-CP được dự kiến sẽ có nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Vinh- Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Nghệ An cho biết: “Từ việc thực hiện Nghị định 61/2015/ NĐ-CP cho thấy nhu cầu vay vốn của các cơ sở sản xuất kinh doanh cũng như người lao động rất lớn. Tuy nhiên, nguồn lực từ Trung ương cân đối và nguồn lực của tỉnh cân đối sang cho chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay chương trình giải quyết việc làm còn hạn chế. Để thực hiện tốt Nghị định 74, chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội Nghệ An kiến nghị Chính phủ cần tăng cường nguồn lực vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm cho tỉnh Nghệ An. Về phía tỉnh, cần tăng cường hơn nữa nguồn vốn ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội hàng năm với số lượng vốn lớn hơn để đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách ưu đãi".
Hỗ trợ tạo việc làm với nguồn vốn vay ưu đãi là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Chính sách này có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển của các cơ sở sản xuất kinh doanh và cuộc sống của người lao động. Việc bố trí đủ nguồn lực đáp ứng nhu cầu vay vốn theo Nghị định 74/ 2019 là cấp thiết. Điều này cần sự vào cuộc từ Chính phủ, UBND tỉnh và các ban ngành liên quan.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin