Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thẩm tra các tờ trình chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9
Dự cuộc họp có các đ/c: Nguyễn Xuân Sơn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Cao Thị Hiền - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Viết Hồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Ban Kinh tế - Ngân sách đã xem xét tờ trình và các dự thảo Nghị quyết liên quan đến danh mục công trình, dự án trên địa bàn tỉnh cần thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai; chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện các dự án đầu tư.
Theo ý kiến đóng góp của các thành viên dự họp, việc áp dụng các điều khoản của Luật chưa phù hợp, UBND tỉnh sẽ tiếp tục rà soát để chỉnh sửa, bổ sung. Đối với một số nội dung khác, khi Thường trực tỉnh ủy đồng ý về mặt chủ trương, UBND tỉnh sẽ bổ sung vào các danh mục để đảm bảo kịp thời về mặt thời gian.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn nêu rõ: Nhiều danh mục chưa được Thường trực Tỉnh ủy thông qua nhưng vẫn trình; Nhiều chủ trương trước đây đã được HĐND tỉnh thông qua nhưng việc triển khai thực hiện với tỷ lệ rất thấp, gây nên tình trạng lãng phí nguồn lực, tài nguyên rừng, đất đai, đặc biệt là các diện tích đất lúa. Chủ tịch HDDND tỉnh yêu cầu các cơ quan tham mưu cần phải xem xét lại một số danh mục.
Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị đưa ra khỏi tờ trình danh mục các công trình, dự án thu hồi đất chưa được Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến; Đồng thời yêu cầu cơ quan tham mưu tiếp tục điểu chỉnh, bố sung một số thông tin đảm bảo tính chính xác.
Về chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phòng hộ, rừng sản xuất theo quy định Luật Lâm nghiệp để thực hiện các công trình, dự án; Báo cáo kết quả rà soát quỹ đất lâm nghiệp gắn với điều chỉnh diện tích, ranh giới 3 loại rừng tỉnh Nghệ An. Nội dung này do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, có nhiều ý kiến khác nhau, nhất là liên quan đến tính pháp lý, đánh giá hiệu quả kinh tế; nhu cầu sử dụng đất sản xuất dành cho dân sinh, nhất là các địa bàn vùng miền núi. Thống nhất với việc nâng cao độ che phủ rừng, tuy nhiên cũng cần phải có sự rà soát, điều chỉnh, nếu đủ điều kiện thì cấp đất rừng sản xuất để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào vùng cao.
Lãnh đạo Sở NN & PTNT cho rằng, việc chọn nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh 60% diện tích tự nhiên của toàn tỉnh là giải pháp an toàn, phù hợp với thực tế. Việc nâng 1% độ che phủ rừng sẽ giảm 15.000ha đất rừng sản xuất, vì vậy, việc điều chỉnh theo hướng tăng độ che phủ các huyện miền núi, giảm độ che phủ rừng ở các huyện đồng bằng.
Cũng trong sáng nay, các thành viên dự họp đã cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về phân bổ kinh phí sự nghiệp các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2019./.
Thái Dương – Duy Thanh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin