Kịch bản thảm khốc khi chiến tranh hạt nhân Mỹ-Triều Tiên nổ ra
LTS: Tác giả DePetris trong bài viết bằng tiếng Anh trên tờ National Interest đã nêu ra tình huống nổ ra chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên, và kịch bản thảm khốc khi Mỹ quyết định tấn công hạt nhân trực diện vào thủ đô của Triều Tiên.
Mỹ sẵn sàng đáp trả nếu bị tấn công trước
Nếu Triều Tiên thực hiện phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa gắn đầu đạn hạt nhân vào một thành phố nào đó của Mỹ thì chắc chắn Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không ngại ngần phóng tên lửa hạt nhân đáp trả. Vấn đề lúc đó không phải là Mỹ có đáp trả hay không mà là sẽ phóng tên lửa hạt nhân vào vị trí nào trên lãnh thổ Triều Tiên.
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên là mục tiêu khó khăn nhất của cộng đồng tình báo Mỹ. Công việc thu thập và phân tích thông tin tình báo vốn cực kỳ tốn thời gian và nguy hiểm. Có thể mất hàng tháng hoặc hàng năm trời để xây dựng “cơ sở”, tuyển điệp viên hay làm chuyển hóa một đối tượng nào đó. Mà những điều này thì cả CIA (Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ), NSA (Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ), và Văn phòng Giám đốc Tình báo Mỹ đều không có cơ hội để thực hiện một cách thuận lợi trên lãnh thổ Triều Tiên.
Những gì Washington có được là hình ảnh vệ tinh từ trên cao và công nghệ chặn thu điện tử. Nhưng ngay cả Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Dan Coats cũng từng thú nhận trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ rằng người của ông thu được những kết quả rất hạn chế trong việc tiếp cận thông tin tình báo về Triều Tiên.
Trong bối cảnh đó, Bình Nhưỡng - thủ đô của Triều Tiên với hàng triệu cư dân, sẽ là mục tiêu nổi bật cho một cuộc tấn công trả đũa từ Mỹ. Tất nhiên lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un cùng em gái và các tướng lĩnh Triều Tiên sẽ ẩn mình an toàn trong một boong-ke kiên cố nào đó trước khi Washington ra lệnh cho quân đội Mỹ khai hỏa bộ ba hạt nhân của mình (gồm oanh tạc cơ hạt nhân, tàu ngầm hạt nhân, và tên lửa hạt nhân phóng từ mặt đất – ND), nhưng điều này không phải là vấn đề đối với Mỹ. Vì, mục đích của một cuộc tấn công trả đũa do Mỹ phát động sẽ là tạo ra thật nhiều sự hủy hoại cho chuỗi chỉ huy quân sự của Triều Tiên, nền kinh tế của nước này, hệ thống chính trị của nước này, và cơ sở hạ tầng thiết yếu cho hệ thống vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Hậu quả gây ra cho Triều Tiên qua tính toán của NukeMap
Theo tính toán bằng thuật toán NukeMap của Alex Wellerstein, hậu quả do một cuộc tấn công hạt nhân của Mỹ nhằm vào thủ đô Triều Tiên sẽ như sau. Tình huống giả định của tác giả DePetris là Mỹ tấn công Bình Nhưỡng bằng một quả bom/đầu đạn hạt nhân 750 kiloton (loại mạnh nhất trong kho hạt nhân của Mỹ hiện nay là bom/đầu đạn hạt nhân có sức công phá ở mức 1,2 megaton). Do Bình Nhưỡng là một thành phố dân cư đông đúc (mật độ dân cư cao hơn cả Los Angeles của Mỹ) nên một vụ nổ đầu đạn/bom hạt nhân với uy lực đó sẽ khiến hơn 1,5 triệu người chết, tức là khoảng gần 6% tổng dân số ước tính của Triều Tiên (theo con số thống kê của Liên Hợp Quốc thì Triều Tiên có khoảng hơn 25 triệu người). Đối với Mỹ (có dân số đông hơn), tác động này lên Triều Tiên tương đương với việc sát hại 19,27 triệu người Mỹ.
Trong khi đó, số lượng người bị thương ở Bình Nhưỡng trong tình huống này được dự báo là ở mức 855.410. Như vậy tổng thương vong của thủ đô Triều Tiên sẽ là trên 2,3 triệu người.
Xung lực từ vụ nổ sẽ làm đổ vỡ nhiều công trình bê tông vững chắc, khiến nhiều người chết. Bán kính bức xạ nhiệt cũng rất lớn, mở rộng hơn 11km theo tất cả các hướng, gây ra bỏng sâu độ 3 (mức bỏng nghiêm trọng), đòi hỏi nạn nhân phải cắt cụt chi.
Tất nhiên đây là kết quả thảm khốc mà Mỹ có thể gây ra cho Triều Tiên bằng một cuộc tấn công hạt nhân. Bất cứ cuộc tấn công hạt nhân nào ở bất cứ nơi đâu trên thế giới vào lúc này cũng sẽ làm phơi bày sự tiến bộ “trống rỗng” của nền văn minh nhân loại, tức là dù cho trong các thế kỷ qua, loài người đã đạt nhiều tiến bộ về công nghệ và y học, nhưng khi bước sang thế kỷ 21, họ vẫn nguyên thủy như thời ăn lông ở lỗ./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin