Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Luận tội - bước ngoặt đẩy chính trường Mỹ đi vào giai đoạn sóng gió

08:12, 29/09/2019
Tổng thống Trump đã đi từ bê bối này sang bê bối khác trong nhiệm kỳ của mình, nhưng chỉ đến vụ việc với tổng thống Ukraine, các nghị sĩ Dân chủ mới chọn con đường luận tội.

Hạ nghị sĩ Jim Himes của bang Connecticut nói ông “thấy các cử tri thể hiện sự phẫn nộ mạnh mẽ” về “các hành vi rõ ràng là phạm pháp” của chính quyền. Ông ủng hộ việc luận tội Tổng thống Trump một phần vì sức ép từ các cử tri, theo Economist.

Cho tới gần đây, luận tội không phải là ý tưởng hay vì khó có khả năng 20 thượng nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu cách chức vị tổng thống của đảng mình. Ngoài ra, khi luận tội thất bại, ông Trump có thể coi mình là nạn nhân của “cuộc săn phù thủy” hay “tin giả”, khiến nhiều cử tri cảm thông và lên án phe Dân chủ.

Nhưng thế cờ thay đổi hẳn chỉ sau một ngày khi bê bối Ukraine được tiết lộ. Đáng chú ý là bài xã luận đăng trên Washington Post của 7 nghị sĩ Dân chủ đến từ các bang tranh chấp, nơi mà phản ứng giận dữ của cử tri Cộng hòa hoàn toàn có thể khiến họ mất ghế.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi luôn chọn lập trường trung dung nhất từ các cử tri và đó cũng là thế mạnh của bà. Nhưng với bài xã luận này, dư luận đảng Dân chủ đã dịch chuyển về hướng luận tội.

Đến nay, ít nhất 220 nghị sĩ đã công bố ủng hộ luận tội. Chính trị Mỹ bước vào giai đoạn “sóng gió” và khó lường.

Cuộc biểu tình đòi luận tội ông Trump ở New York ngày 5/8.
Cuộc biểu tình đòi luận tội ông Trump ở New York ngày 5/8.

Cuộc gọi khiến ông Trump khủng hoảng

Tâm điểm của bê bối là cuộc gọi chúc mừng tân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong đó ông Trump nhắc đến Viktor Shokin, cựu trưởng công tố Ukraine, và cuộc điều tra năm 2015 của ông này nhắm vào Burisma, tập đoàn dầu khí tư nhân lớn nhất Ukraine.

Tập đoàn Burisma có Hunter Biden, con trai ứng viên tổng thống đảng Dân chủ 2020 Joe Biden, nằm trong hội đồng quản trị.

Ông Trump đã nói khéo léo. “Có nhiều điều tiếng về con trai của Biden”, ông nói, theo như văn bản cuộc gọi được công bố, “và cho rằng Joe Biden đã dừng cuộc điều tra... vì vậy nếu ông có thể làm được gì thêm thì sẽ rất tốt”. Rồi ông Trump yêu cầu tổng thống Ukraine làm việc với cấp dưới của mình.

Lời thoại không có câu chữ đe dọa kiểu như: “Hãy điều tra Biden đi, thì các ngài mới có viện trợ”. Nhưng như một nguồn tin biết về cuộc điện nói với Economist, dù không nói thẳng ra, một người làm chính trị như Zelensky thừa hiểu ông Trump muốn nhắm đến Biden.

Vụ bê bối bắt nguồn từ đơn tố giác của một “người thổi còi” gửi lên Giám đốc Tình báo Quốc gia Joseph Maguire từ ngày 12/8. Nhưng ông Maguire đã giữ kín đơn tố giác, buộc Quốc hội phải ra lệnh giao nộp. Ông Maguire đã ra điều trần trước Quốc hội ngày 26/9. “Người thổi còi” cũng có lịch ra điều trần, hứa hẹn căng thẳng sẽ còn leo thang ở Washington.

Ông Trump có xu hướng lẫn lộn công tư, tận dụng các cuộc tiếp xúc với nguyên thủ các nước để gia tăng vị thế chính trị của mình. Ông còn có dấu hiệu cản trở công lý, như báo cáo Mueller đã chỉ ra. Nhưng vụ bê bối Ukraine là nấc thang mới buộc đảng Dân chủ phải chọn “canh bạc” luận tội.

Tổng thống Trump gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) bên lề các cuộc họp Liên Hợp Quốc.
Tổng thống Trump gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) bên lề các cuộc họp Liên Hợp Quốc.

Ông Trump trả lời bất nhất

Một yếu tố quan trọng là việc ông Trump đặt lợi ích của mình lên trên an ninh quốc gia. Ngày 23/9, ông nói đã quyết định treo viện trợ quân sự vì lo ngại về tham nhũng ở Ukraine. Đây là lo ngại chính đáng, nhưng đúng ra, tổng thống Mỹ sẽ không yêu cầu tổng thống Ukraine làm việc với luật sư riêng là Rudy Giuliani như ông Trump đã làm.

Đến hôm sau, ông Trump lại nói treo viện trợ vì các nước châu Âu không chi đủ để cùng viện trợ, dù khoản viện trợ của Quốc hội không có ràng buộc như vậy.

Ông Trump tỏ ra bất nhất khi trả lời báo chí. Chỉ trong hai câu, ông đi từ phủ nhận gây sức ép lên Ukraine, rồi thú nhận “có gây sức ép về Joe Biden”.

Ông Trump cũng phê phán ông Biden đã kêu gọi tổng thống Ukraine khi ấy là Petro Poroshenko sa thải công tố viên Shokin để bảo vệ con mình, Hunter Biden. Tuy nhiên, nhiều người khác cũng kêu gọi sa thải ông Shokin, người được cho là đã phá hoại cuộc điều tra tập đoàn Burisma, thay vì truy tố một cách quyết liệt.

Về phần Hunter Biden, không có bằng chứng cho thấy Hunter Biden có sai phạm nào để trở thành mục tiêu điều tra.

Một yếu tố khác “gây bão” trong vụ này là việc ông Biden là đối thủ chạy đua vào Nhà Trắng, và vụ bê bối biến thành việc tổng thống có thể đang yêu cầu chính phủ nước ngoài can thiệp vào bầu cử Mỹ.

Nếu như khi Nga can thiệp năm 2016, ông Trump tình cờ hưởng lợi, thì lần này ông chủ động liên hệ với Ukraine, dùng quyền lực tổng thống của mình để gây sức ép.

Nếu cuộc điều tra Nga có nhiều uẩn khúc, khó hiểu, và báo cáo Mueller dài, phức tạp, thì vụ bê bối Ukraine lần này lại dễ hiểu. Như Chrissy Houlahan, đồng tác giả bài xã luận trên Washington Post tóm gọn lại: “Một tổng thống đương nhiệm treo viện trợ quân sự đối với đồng minh (Ukraine) đang chiến tranh với một nước thù địch (Nga), để tìm kiếm thông tin về đối thủ tranh cử với mình”.

Các nghị sĩ Dân chủ kêu gọi luận tội Tổng thống Trump bên ngoài tòa nhà Quốc hội ngày 23/9.
Các nghị sĩ Dân chủ kêu gọi luận tội Tổng thống Trump bên ngoài tòa nhà Quốc hội ngày 23/9.

Nguy cơ “trắng tay” của đảng Dân chủ

Đã có 6 cuộc điều tra của các ủy ban Hạ viện nhắm vào các sai phạm của ông Trump, kể từ khi đảng Dân chủ giành lại Hạ viện sau bầu cử giữa kỳ tháng 11/2018. Trong hai tháng tới, họ sẽ phải bàn xem có những cáo buộc nào sẽ trở thành sai phạm có thể đưa ra luận tội.

Họ sẽ chuyển các sai phạm lớn nhất lên Ủy ban Tư pháp, và ủy ban này sẽ bỏ phiếu xem có quyết định “luận tội” tổng thống hay không (tương đương việc chính thức truy tố). Sau đó, tổng thống bị “phán xử” ở Thượng viện, bằng việc bỏ phiếu cách chức hay không (cần 2/3 số phiếu).

Việc ông Trump từng có nhiều vụ bê bối, khác hẳn những người tiền nhiệm, đã khiến luận tội trở nên khó khăn hơn. Chẳng hạn, ông không công bố bản khai thuế. Ông bị cáo buộc sàm sỡ phụ nữ. Ông xúc phạm phụ nữ, người nhập cư, và phân biệt chủng tộc, công kích báo chí. Cử tri đã nghe “chán” những phàn nàn về ông.

Việc luận tội ông Trump, nếu không cẩn thận, là rủi ro vì có thể trông như nỗ lực tuyệt vọng của Hạ viện nhằm khơi lại những hành vi mà cử tri coi như là bình thường và “cũ” ở ông Trump. Ông đã hạ chuẩn mực đạo đức của một tổng thống Mỹ.

Đảng Dân chủ sẽ cần điều gì đó đi xa hơn những gì cử tri có thể nghĩ tới. Vụ bê bối Ukraine có thể là một sai phạm nghiêm trọng, và vụ việc vẫn đang được hé lộ. Quá trình luận tội mang đầy tính chính trị, cần được dư luận ủng hộ, và cũng phụ thuộc khả năng thuyết phục. Sự kịch tính của việc phanh phui dần vụ Ukraine sẽ có lợi cho phía đảng Dân chủ.

Trong vụ bê bối Watergate khiến Nixon từ chức, dư luận đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác khi theo dõi điều tra. Đoạn ghi âm của ông được phát trực tiếp ngay sau khi bị tiết lộ, theo cách không thể kịch tính hơn.

Ngày 24/9, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tuyên bố Hạ viện bắt đầu điều tra luận tội tổng thống.
Ngày 24/9, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tuyên bố Hạ viện bắt đầu điều tra luận tội tổng thống.

Vì Thượng viện nhiều khả năng sẽ không phế truất ông Trump, chiến lược có lợi cho Hạ viện là kéo dài quá trình luận tội.

Như vụ Watergate, sự dai dẳng, kịch tính đã khiến dư luận “đổi chiều”, chống lại Nixon. Trái lại, khi tổng thống Clinton bị luận tội, những cuộc điều trần vội vàng khiến dư luận chống lại phe luận tội (Cộng hòa) ở Quốc hội.

Đảng Dân chủ hoàn toàn có thể sẽ “tay trắng”. Báo cáo Mueller đã không ảnh hưởng nhiều tới tỷ lệ ủng hộ ông Trump. Tất nhiên, Bộ trưởng Tư pháp William Barr đã dàn xếp để vụ công bố báo cáo Mueller yên ắng nhất có thể. Lần này thì khác, mọi thủ tục nằm trong tay phía đảng Dân chủ trong hạ viện.

Nhưng một khi ông Trump vượt qua quá trình luận tội, ông sẽ lại có cớ “vỗ ngực” coi đó là thắng lợi lớn đối với ông và thất bại lớn đối với đảng Dân chủ.

Theo Zing

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm