Quân và dân Nghệ An: Đánh thắng trận đầu cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ (5/8/1964)
Để tiến hành leo thang chiến tranh đánh phá hậu phương miền Bắc, Mỹ đã dựng lên cái gọi là “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, tạo cớ mở cuộc tiến công “Mũi tên xuyên”, 12 giờ 30 phút ngày 5 tháng 8 năm 1964, sử dụng 64 lần chiếc máy bay ném bom, bắn phá dữ đội cảng Cửa Hội, Vinh - Bến Thủy, kho xăng dầu Vinh (Nghệ An), cảng Gianh (Quảng Bình), Lạch Trường (Thanh Hóa) và thị xã Hòn Gai, Bãi Cháy (Quảng Ninh). Cuộc chiến tranh phá hoại bằng miền Bắc nước của không quân và hải quân của Mỹ bắt đầu.
Nhờ chuẩn bị từ trước với tinh thần cảnh giác cao, các lực lượng vũ trang và nhân dân ta không bị bất ngờ. Mạng ra đa cảnh giới của ta đã kịp thời phát hiện các tốp máy bay địch trên từng hướng và thông báo cho các đơn vị phòng không pháo cao xạ, hải quân và dân quân tự vệ sẵn sàng đánh trả. Tại địa bàn Nghệ An, trưa và chiều ngày hôm đó, Không quân Mỹ huy động hai đợt, mỗi đợt 8 máy bay Mỹ lao vào ném bom kho xăng dầu, toàn bộ vùng Vinh, Bến Thuỷ đến cảng Cửa Hội.
Với thế trận đã chuẩn bị sẵn sàng, lực lượng phòng không Nghệ An phối hợp với Phân đội 5 Hải quân và Trung đoàn pháo cao xạ 280, đã dũng cảm kiên cường, đánh trả quyết liệt. Tự vệ cảng Bến Thuỷ, Trường Đại học Sư phạm Vinh (nay là Trường Đại học Vinh), Nhà máy Điện, nhà máy Xay, Đồn công an vũ trang nhân dân Cửa Hội (nay là Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Lò - Bến Thủy) và dân quân du kích các xã lân cận với các loại súng phòng không, đồng loạt nổ súng, tạo thành lưới lửa phòng không dày đặc. Lực lượng dân quân tự vệ ở thành phố Vinh đưa súng máy, súng trường lên trên sân thượng các nhà cao tầng, nhằm thẳng máy bay địch nổ súng. Cán bộ, công nhân Kho xăng dầu Vinh - Bến Thuỷ không ngại hy sinh, liều mình dập lửa. Trong khói lửa, đạn bom và xăng dầu đang bốc cháy ngùn ngụt, các lực lượng dân quân, tự vệ vẫn kiên cường làm nhiệm vụ tiếp đạn, tải thương, nguỵ trang, củng cố công sự trận địa v.v. Công an, tự vệ toả đi khắp Thành phố Vinh làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự để nhân dân an tâm sơ tán, ẩn nấp.
Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường của các lực lượng phòng không nhân dân, ngay trong đợt đánh trả đầu tiên ở Nghệ An, ta đã bắn rơi một máy bay của Mỹ. Đây là một trong số 8 máy bay Mỹ bị bắn rơi trong ngày 5 tháng 8 năm 1964 ở miền Bắc nước ta.
Trận đầu đánh trả không quân Mỹ, quân và dân Nghệ An, cùng bộ đội chủ lực, đã thể hiện rõ sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại mới. Trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm của tập thể và cá nhân thể hiện rõ tinh thần quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, ý chí quết tâm bảo vệ quê hương. Tiêu biểu trong số đó là Tổ tự vệ bắn máy bay của công nhân cảng Bến Thuỷ; tự vệ trường Đại học sư phạm Vinh, đồn công an vũ trang nhân dân Cửa Hội, Phân đội 5 bộ đội hải quân, Trung đoàn pháo cao xạ 280. Một số cán bộ chiến sĩ đã chiến đấu kiên cường, hy sinh dũng cảm, điển hình là đảng viên, khẩu đội trưởng Phan Đăng Cát. Chiến công đầu xuất sắc trong cuộc đụng đầu với chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân Mỹ ở miền Bắc nước ta, của Đảng bộ, quân và dân Nghệ An đã nhận được lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chiến công ngày 5 tháng 8 năm 1964 là một sự kiện lịch sử quan trọng, chứng tỏ quân và dân ta hoàn toàn có khả năng đánh bại chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ. Đó cũng là tiền đề quan trọng cho công tác xây dựng lực lượng vũ trang, thế trận chiến tranh nhân dân, nâng cao tinh thần ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân Nghệ An. Phát huy tinh thần, khí thế chiến thắng ngày 5 tháng 8 năm 1964, lực lượng vũ trang và nhân dân Nghệ An tăng cường đẩy mạnh mọi hoạt động vào thời chiến, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu thắng lợi.
Triển khai nhiệm vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu theo Nghị quyết của Thường vụ Đảng uỷ Quân khu 4, chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban cán sự Tỉnh đội ra Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang Nghệ An trong tình hình nhiệm vụ mới”, nêu rõ: “Tổ chức phát triển lực lượng vũ trang ở một số địa bàn xung yếu phù hợp với thời chiến. Phát triển lực lượng tại chỗ với tăng cường lãnh đạo toàn diện, bảo đảm cho mọi tổ chức, mọi lực lượng chấp hành nghiêm chỉ thị, mệnh lệnh chiến đấu, nghị quyết của cấp uỷ cấp trên, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, trước hết là nhiệm vụ chiến đấu đánh thắng không quân, hải quân Mỹ xâm phạm vùng trời, vùng biển, bảo vệ sản xuất và cuộc sống của nhân dân”.
Theo đó, Tỉnh đội triển khai tổ chức, bố trí, sắp xếp lại lực lượng trên địa bàn toàn tỉnh. Huyện Kỳ Sơn có 3 đại đội bộ đội địa phương, mỗi đại đội có một trung đội súng cối. Ở mỗi huyện Quế Phong, Tương Dương, Quỳnh Lưu, xây dựng một đại đội bộ đội địa phương. Tiểu đoàn bộ đội tỉnh được củng cố về biên chế tổ chức, tăng cường về quân số, bổ sung trang bị. Các huyện vừa phát triển số lượng vừa nâng cao chất lượng lực lượng vũ trang. Các đại đội bộ đội huyện có chi bộ lãnh đạo. Mỗi huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, thành lập từ một đến 2 trung đội súng máy phòng không, được trang bị từ 3 đến 4 khẩu súng 14,5 mm và 12, 7mm. Huyện Đô Lương thành lập 1 đại đội phòng không hỗn hợp gồm 2 trung đội pháo 37mm, một trung đội súng máy 14,5mm.Toàn tỉnh xây dựng 1 tiểu đoàn và 6 đại đôi bộ binh.
Đồng thời với xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang ở các huyện xung yếu, Tỉnh đội thực hiện điều chỉnh biên chế ở các đơn vị thường trực cho phù hợp với thời chiến. Nhằm đảm bảo cho khả năng chỉ đạo, triển khai toàn diện các mặt công tác, mà trọng tậm là tác chiến, cơ quan Tỉnh đội, Huyện đội được tăng cường thêm lực lượng từ Quân khu 4 tăng cường và từ cơ sở lên. Sau một thời gian kiện toàn, đến cuối năm 1964, tổ chức biên chế cơ quan Tỉnh đội có 4 ban là Ban Tham mưu, Ban Chính trị, Ban Phòng không và ban Hậu cần với quân số 158 cán bộ, chiến sỹ. Cơ quan Tỉnh đội có Đảng bộ Liên cơ quan. Các ban có chi bộ. Cơ quan Huyện đội có biên chế 12-15 cán bộ, chiến sỹ. Chỉ huy cấp đại đội trở lên có 4 cán bộ, gồm 2 cán bộ quân sự và 2 cán bộ chính trị. Các đại đội trong toàn tỉnh có cấp uỷ, chi bộ lãnh đạo trực tiếp. Tiểu đoàn chủ lực tỉnh với 38 đảng viên thành một Đảng bộ.
Trên địa bàn Nghệ An, ngoài lực lượng vũ trang tỉnh còn có các đơn vị bộ đội của Quân khu 4, của Bộ Quốc phòng, mặt khác Nghệ An giáp với hai tỉnh Hà Tĩnh và Thanh Hoá, do vậy Tỉnh đội thường xuyên thực hiện sự phối, kết hợp với các lực lượng của Quân khu, của Bộ và các tỉnh liền kề, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu. Các huyện liền kề nhau, cùng phối hợp, triển khai kế hoạch, phương án chiến đấu. Tính đến cuối năm 1964, toàn tỉnh Nghệ An đã hình thành 19 cụm chiến đấu liên huyện.
Với tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao, Tỉnh đội triển khai thực tập công tác động viên, huy động lực lượng ở các cấp. Các đồng chí chỉ huy tỉnh đội thường xuyên xuống các địa bàn xung yếu, cùng với chính quyền, cơ quan quân sự các cấp tổ chức thực hiện công tác thực tập, động viên lực lượng. Tính đến cuối năm 1964, tỉnh đội đã thực tập động viên ở 28 đơn vị, với tổng quân số huy động lên tới 34.062 hạ sỹ quan, chiến sĩ, chiếm 12,73% dân số toàn tỉnh.
Cùng với lực lượng vũ trang và nhân dân Nghệ An luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, vừa hăng hái lao động sản xuất, vừa tích cực đào hầm hào, phòng tránh máy bay. Các tổ chức đoàn thể, ban ngành, nhà máy, xí nghiệp đều tổ chức lực lượng sẵn sàng chiến đấu, luyện tập các phương án bắn máy bay, bắt phi công địch, v.v. Các đơn vị bộ đội thường trực phát động phong trào “sẵn sàng chiến đấu cao nhất, đánh thắng không quân Mỹ ngay từ loạt đanh đầu tiên”. Dân quân tự vệ phát động phong trào thi đua vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu, với tinh thần “địch vào là đánh, địch đến là diệt”. Tư tưởng tiến công “nhằm thẳng quân thù mà bắn” và tấm gương hy sinh anh dũng của liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân được phát động học tập rộng rãi. Trong phong trào thi đua lao động, sẵn sàng chiến đấu, có nhiều đơn vị đã lập được thành tích xuất sắc, tiêu biểu là tự vệ Nông trường 19 tháng 5, dân quân các xã Kim Đa (Tương Dương), Bảo Nham (Kỳ Sơn). Dân quân xã Nghi Thiết (Nghi Lộc) được tặng cờ Luân lưu “Đơn vị khá nhất” của Bộ Tư lệnh Quân khu 4.
Chiến công đánh thắng trận đầu ngày 5/8/1964 đã giáng một đòn mạnh vào ý chí leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ; tạo khi thế, niềm tin vào vũ khi, trình độ tổ chức, chỉ huy, vào khả năng chiến đấu của bộ đội, đồng thời khẳng định quân và dân ta hoàn toàn có khả năng đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân Mỹ - đội quân xâm lược nhà nghề mạnh nhất của chủ nghĩa đế quốc./.
Ngô Đức Biểu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin