Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Tăng cường hợp tác quốc tế, liên kết doanh nghiệp trong đào tạo nghề 

16:05, 16/08/2019
Cần phải có sự hợp tác quốc tế, liên kết doanh nghiệp trong đào tạo từng lĩnh vực, chú trọng mũi nhọn để giải quyết việc làm sau đào tạo là chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực tỉnh uỷ Nguyễn Xuân Sơn - Trưởng đoàn kiểm tra số 5 tại buổi làm việc sáng nay (16/8) với Sở LĐ TBXH về Kết quả thực hiện Đề án Đào tạo lao động kỹ thuật tỉnh Nghệ An giai đoạn 2012-2015; giai đoạn 2016-2018 và mục tiêu, giải pháp đào tạo lao động kỹ thuật giai đoạn 2019-2020. 
Toàn cảnh buổi làm việc.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 67 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trong đó có 27 cơ sở đào tạo và đào tạo nhân lực có tay nghề cao từ trung cấp đến đại học với 16 trường được lựa chọn đầu tư ngành nghề trọng điểm cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.

Học nghề tại trường Cao đẳng Kỹ thuật – Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc.
Học nghề tại trường Cao đẳng Kỹ thuật – Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc. (Tư liệu)

Tổng số cán bộ, giảng viên, giáo viên giảng dạy trong các trường nghề kỹ thuật là trên 1,6 nghìn người; giai đoạn 2012-2018 đã tuyển sinh, đào tạo cho gần 92 nghìn học viên, sinh viên. Hoạt động liên kết với doanh nghiệp để đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho lao động sau đào tạo được các cơ sở đào tạo quan tâm...

Đại diện lãnh đạo sở LĐ-TBXH phát biểu tại buổi làm việc.
Đại diện lãnh đạo sở LĐ-TBXH phát biểu tại buổi làm việc.

Đoàn kiểm tra đã làm rõ nguyên nhân của những tồn tại hạn chế, nhất là những vấn đề xoay quanh chất lượng đào tạo gắn với đầu ra; nhu cầu liên kết sử dụng của các đơn vị doanh nghiệp, vấn đề thu hút, giữ chân giáo viên giỏi; hình thức đào tạo; tư duy đổi mới, sáng tạo và sự chủ động, tự chủ của các nhà trường... Từ đó, đề xuất, kiến nghị các giải pháp để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đào tạo lao động kỹ thuật giai đoạn 2019-2020.

Kết luận tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Nguyễn Xuân Sơn khẳng định: nhân lực là vấn đề cốt lõi và có vai trò quyết định thành công từ gia đình đến xã hội. Tại Nghệ An, gần đây, nhận thức về đào tạo nghề, đào tạo lao động kỹ thuật đã có sự chuyển biến mạnh mẽ từ trong mỗi gia đình, ngành, các cấp uỷ, chính quyền kể từ khi thực hiện Đề án. Đội ngũ lao động được đào tạo đã đóng góp rất lớn trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, ngoại tỉnh và cả quốc tế. Tuy nhiên, so với các tỉnh bạn, so với nguồn lực, tiềm lực của tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định. Cơ cấu lao động hiện vẫn chủ yếu trong lĩnh vực nông lâm, thủy sản chiếm trên 55%. Vì vậy, vấn đề đề đặt ra là làm thế nào để đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo nghề, đào tạo lao động kỹ thuật trong giao đoạn hội nhập?

Phó Bí thư Thường trực Nguyễn Xuân Sơn kết luận buổi làm việc.

 Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo: Trước hết là phải thực hiện phân luồng sớm hơn, rõ hơn. Ngành LĐTBXH cần nghiên cứu đề xuất cơ chế cụ thể cho học nghề cùng với học văn hoá. Đi cùng với đó là phân tích, dự báo thị trường lao động; xu hướng nghành nghề. Từ đó, quy hoạch, tham mưu với tỉnh trong việc sắp xếp lại mạng lưới đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu thực tế. Có đánh giá, xếp hạng các cơ sở nghề tuỳ theo quy mô, tính chất hoạt động và chất lượng, hiệu quả đào tạo. Đối với các cơ sở đào tạo nghề, lao động kỹ thuật nhất thiết phải có sự hợp tác quốc tế, liên kết doanh nghiệp trong đào tạo từng lĩnh vực, chú trọng mũi nhọn để giải quyết việc làm sau đào tạo. Trên tinh thần đó, tỉnh uỷ sẽ nghiên cứu, chỉ đạo chọn lộ trình phù hợp để hướng đến tự chủ các trường nghề. 

An Duyên - Thành Trung
 

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm