Thời sự - Chính trị

Tháng 10, Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến lộ trình cải cách tiền lương

06:55, 29/09/2023
Sau khi kết thúc phiên họp thứ 26, thông tin về phiên họp thường kỳ tháng 10/2023 (phiên họp thứ 27), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các vấn đề kinh tế - xã hội và tài chính ngân sách, lộ trình cải cách tiền lương…

Theo Chủ tịch Quốc hội, dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV rất lớn, nhiều hơn Kỳ họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ còn phiên họp thường kỳ tháng 10 (phiên họp thứ 27) để cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng trước khi diễn ra Kỳ họp thứ 6.

Dự kiến, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách và lộ trình cải cách tiền lương sau khi được Trung ương xem xét, có kết luận. “Tăng thu ngân sách trung ương năm 2021 là 196 nghìn tỷ đồng, dự kiến sẽ dành 78 nghìn tỷ đồng để cải cách tiền lương và bổ sung 65 nghìn tỷ đồng cho các dự án đầu tư trọng điểm” - Chủ tịch Quốc hội nói.

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh những nội dung dự kiến được xem xét tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh những nội dung dự kiến được xem xét tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn


Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về công tác chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 6.

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, lần này chúng ta tiến hành cải cách tiền lương chứ không phải chỉ là câu chuyện tăng lương bình thường.

Việc sớm thực hiện chính sách cải cách tiền lương một cách căn bản trong năm 2024 được nhận định sẽ là một "cú hích" cho thị trường lao động và góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa. 

Cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương là một trong những vấn đề người lao động cả khu vực công và khu vực tư đều quan tâm.

Để sớm thực hiện cải cách tiền lương, hiện nay, các cơ quan đều đang tích cực chuẩn bị cả về nguồn lực và thể chế, chính sách thang, bảng lương.

 

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với báo cáo kết quả rà soát hệ thống văn bản pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết 101/2023/QH15. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổ công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Tổ công tác của Chính phủ để có báo cáo thẩm tra sơ bộ đối với nội dung này.

Nội dung tiếp theo là Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với phương án phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách Trung ương năm 2022 và nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2021 đã bố trí cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là nội dung rất quan trọng có liên quan đến thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phân bổ sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của NSTW và thẩm quyền của Quốc hội liên quan đến các nội dung của Nghị quyết 43/2022/QH15 và việc bố trí vốn cho các nội dung của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, Chính phủ dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa con người Việt Nam, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hồ sơ. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội đôn đốc các cơ quan hữu quan kịp gửi hồ sơ, tài liệu để cho ý kiến vào phiên họp tháng 10. Cùng với đó là Quy hoạch không gian biển quốc gia. “Đây cũng là nội dung cần phải báo cáo với cơ quan có thẩm quyền”- Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện