Họp Chính phủ thường kỳ: Thủ tướng lạc quan về tăng trưởng kinh tế
Sáng 4/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là phiên họp quan trọng nhằm đánh giá tình hình tháng 8, 8 tháng qua và nhận định tình hình cả năm, đồng thời trình Chính phủ kế hoạch Nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 để chuẩn bị báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và trình ra Quốc hội kỳ họp vào tháng 10 tới.
Về bối cảnh trong nước và thế giới, Thủ tướng cho biết, các nghiên cứu chỉ ra rằng, dấu hiệu suy thoái của kinh tế thế giới bắt đầu rõ ràng, khó chống đỡ được trước chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, căng thẳng địa chính trị. Bên cạnh đó, các nền kinh tế lớn đồng loạt suy yếu đáng lo ngại.
Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng trên mọi lĩnh vực, ngay cả với nông nghiệp vốn đang gặp khó khăn. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp nhất trong 3 năm, dự báo chỉ khoảng 2,5% cả năm nay. Cùng với tỷ giá ổn định là niềm tin vào đồng Việt Nam được tăng lên. Xuất khẩu tăng khá và xuất siêu sau 8 tháng đạt trên 3,4 tỷ USD.
Trong đó, thu ngân sách là một điểm sáng, thể hiện thực lực của nền kinh tế. Các khoản thu nội địa đều tăng vượt dự toán, kể cả dầu thô và xuất nhập khẩu. Tổng thu ngân sách Nhà nước tăng ít nhất khoảng 5%. Thu ngân sách Trung ương năm nay có thể dự báo là năm thứ 3 liên tiếp tăng vượt dự toán.
Không chỉ kinh tế, lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến đáng mừng, nhất là y tế, giáo dục, chính sách người có công. Công tác quốc phòng, an ninh được đảm bảo. Đối ngoại và uy tín của Việt Nam được khẳng định và ngày càng nâng lên trên trường quốc tế. Trong đó, nhiều nguyên thủ, lãnh đạo các nước đến Việt Nam đều đánh giá sự vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam, có trách nhiệm với các vấn đề quốc tế.
Thủ tướng dẫn lại lời đánh giá của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, đó là khi ông đến Việt Nam cách đây hơn 20 năm thì khoảng cách phát triển giữa Kuala Lumpur và Hà Nội khoảng 25-30 năm. Nhưng hiện nay khi tới Việt Nam, ông nhận thấy Kuala Lumpur và Hà Nội phát triển giống nhau, nhịp độ phát triển sôi động.
Nêu các dự báo tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam của các tổ chức uy tín quốc tế, Thủ tướng cho biết, Ngân hàng Phát triển châu Á đánh giá kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8%, Ngân hàng Hongkong và Thượng Hải (HSBC) đánh giá tăng 6,7%; Trung tâm Dự báo Quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo tăng ít nhất 6,86%. Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) dự báo tăng trưởng 6,96%.
Cùng với các đánh giá này, căn cứ vào thực tế tình hình nền kinh tế, Thủ tướng cho rằng, năm nay tăng trưởng kinh tế sẽ đạt cận cao của mục tiêu phấn đấu là tăng từ 6,6 đến 6,8%.
Thủ tướng cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã thực hiện nhiều công việc quan trọng được nhân dân hoan nghênh, như tuyển sinh đại học, cao đẳng; chỉ đạo sát sao khắc phục thiên tai cho người dân; thành công bước đầu trong hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần; tổ chức kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Hồ Chí Minh trên phạm vi quốc gia.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta đã kiên trì, kiên quyết đấu tranh bằng mọi biện pháp đối với các hoạt động của nước ngoài vi phạm chủ quyền trên biển của ta”.
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương không được chủ quan vì còn 4 tháng nữa mới hết năm, đồng thời chỉ ra các bất cập, tồn tại cần tập trung khắc phục, như công tác quản lý điều hành của Chính phủ; tình trạng chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công; tình trạng sạt lở tại đồng bằng sông Cửu Long; nông nghiệp gặp nhiều khó khăn; hạ tầng giao thông tiếp tục là vấn đề đặt ra, gây bức xúc trong nhân dân; công tác thị trường cũng có nhiều vấn đề bất cập cần xử lý để nâng cao thế mạnh các mặt hàng trong nước…
Tại phiên họp, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã nhắn tin ủng hộ người nghèo qua cổng nhắn tin Vì người nghèo 1408 và phát động nhân rộng phong trào này trong cả nước.
Cú pháp là “VNN n” gửi 1408, trong đó, n là số lượng tin nhắn ủng hộ trong lần nhắn tin và giới hạn từ 1-100; không giới hạn số lần nhắn tin. Với mỗi tin nhắn, chủ thuê bao di động sẽ đóng góp tối thiểu 20.000 đồng vì người nghèo./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin