Trong tỉnh

"Nóng" vấn đề cháy rừng, hạn hán trong phiên thảo luận tại hội trường

13:04, 21/07/2020
Tại phiên thảo luận sáng 21/7, nhiều vấn đề “nóng” liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như cháy rừng, hạn hán... được các đại biểu đưa ra thảo luận tại hội trường. 

Trước tình trạng liên tục xảy ra cháy rừng ở các địa phương trong thời gian gần đây, Đại biểu Phan Thị Thanh Thuý (thị xã Thái Hoà) cho rằng cần công bố con số thiệt hại cụ thể để đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong thời gian tới.

Đại biểu Phan Thị Thanh Thuý (thị xã Thái Hoà) đề nghị Sở NN&PTNT  có giải pháp sớm đưa Trạm bơm Vực Giồng vào hoạt động.​​​​​​​

Đề xuất thêm giải pháp quản lý và bảo vệ rừng, đại biểu Lục Thị Liên (Quỳ Châu) cho rằng cần xem lại vai trò trách nhiệm và công tác phối hợp của Ban quản lý rừng phòng hộ, lực lượng kiểm lâm thuộc Sở NN&PTNT, trong khi trách nhiệm khi xảy ra cháy rừng quy cho chính quyền địa phương. Vì vậy cần giao trách nhiệm cụ thể hơn trong công tác phối hợp giữa chủ rừng, kiểm lâm và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác thông tin về phòng chống cháy rừng đến với người dân; đào tạo và phát triển một số nghề cho người dân vùng rừng có thu nhập ổn định; Hoàn thành cắm mốc, giao đất giao rừng hiệu quả; Có kế hoạch phát triển các mô hình sinh kế dựa vào tài nguyên rừng.

Đại biểu Lục Thị Liên (Quỳ Châu): cần giao trách nhiệm cụ thể hơn trong công tác phối hợp giữa chủ rừng, kiểm lâm và chính quyền địa phương.

Cung cấp thông tin về thiệt hại các vụ cháy rừng 6 tháng đầu năm 2020, ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Trên địa bàn tỉnh có 16 vụ cháy gây thiệt hại về rừng, tổng diện tích bị cháy là 116,18 ha, diện tích rừng bị thiệt hại, không có khả năng phục hồi là 39,48 ha, trong đó rừng tự nhiên 1,59 ha, rừng trồng 35,99 ha. Trong 16 vụ cháy, đến nay đã có 4 vụ đã xác định được đối tượng gây cháy gồm Diễn Lộc, Diễn Châu; Thanh Hương, Thanh Chương, Nghĩa Thuận, TX Thái Hòa và Nghi Đồng, Nghi Lộc. Trong đó vụ việc tại Diễn Lộc, Diễn Châu và Thanh Hương, Thanh Chương đã bàn giao đối tượng cho cơ quan Công an điều tra, xử lý. Công an các huyện đã thành lập đoàn khám nghiệm hiện trường, xác định thiệt hại và đang hoàn thiện hồ sơ để xử lý theo quy định.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Đệ giải trình tại phiên thảo luận.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Đệ giải trình tại phiên thảo luận.

Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 17/CĐ-UBND ngày 30/6/2020, trong đó chỉ đạo: UBND các huyện, thành thị; các sở NN&PTNT, Công an tỉnh; BCH quân sự tỉnh, BCH Biên phòng và các Sở, ngành có liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao để thực hiện tốt công tác phòng cháy và chữa cháy rừng. Giao Công an tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và Công an huyện, thành thị phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện tốt công tác điều tra, truy tìm thủ phạm gây ra vụ cháy rừng để xử lý nghiêm đối tượng vi phạm.

Thực hiện Đề án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp tại Quyết định số 4312/QĐ-UBND ngày 20/9/2018 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt Đề án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018-2021. Mục tiêu Đề án từ năm 2018 đến năm 2021 hoàn thành cơ bản việc giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng quản lý, sử dụng có hiệu quả vào mục đích lâm nghiệp.

Đại biểu Hoàng Văn Phi (Hưng Nguyên)

Liên quan đến tình trạng thiếu nước sản xuất, đại biểu Hoàng Văn Phi (Hưng Nguyên) cho biết thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Riêng trên địa bàn huyện Hưng Nguyên đã có trên 1.000ha lúa hè thu bị hạn. Đại biểu đề nghị cần có các giải pháp trong phòng chống hạn cho cây trồng, cứu những diện tích lúa bị hạn nặng hiện nay; đầu tư hệ thống bơm động lực ở Bara Nam Đàn để nâng mực nước tại sông Lam phục vụ tưới tiêu cho các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên và Nghi Lộc.

“Các cấp, ngành cũng cần nghiên cứu bổ sung nguồn nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp”, đại biểu Đinh Thị Hoà (Thanh Chương) đề xuất thêm. Đại biểu Đinh Thị Hoa cũng nêu thực trạng lạm dụng sử dụng thuốc trong trồng trọt hiện nay làm giảm chất lượng đất. Đại biểu đề nghị cần có phương pháp bồi dưỡng đất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Đại biểu Đinh Thị Hoà (Thanh Chương)

Trả lời về nội dung này, ông Nguyễn Văn Đệ cho biết, Đến thời điểm hiện nay tổng diện tích các loại cây trồng bị hạn, thiếu nước là: 10.838,5 ha, trong đó: diện tích lúa 8.242,6 ha; diện tích cây rau màu các loại: 1.916,9 ha, diện tích cây chè: 298,0 ha, diên tích cây ăn quả: 381,0ha. Trong đó diện tích cây trồng bị hạn nặng: 5.267,5 ha lúa.

Trước tình hình đó ngày 23/6/2020 Sở Nông nghiệp và PTNT đã có công văn số 1949/SNN-TL ngày của về việc tăng cường công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn vụ Hè Thu - Mùa năm 2020; Ngày 6/7/2020 có công văn số 2112/SNN.QLKTKHCN về việc chỉ đạo các giải pháp chống hạn cho các cây trồng vụ Hè thu, Mùa 2020.

Hiện nay, diện tích bị hạn thiếu nước chưa gieo cấy được và diện tích bị hạn nặng có nguy cơ mất trắng tập trung chủ yếu ở các huyện Nghi Lộc (diện tích bị hạn 2.500 ha), Hưng Nguyên (DT bị hạn: 1.000 ha, Nam Đàn (DT bị hạn 475 ha) vùng cuối kênh. Sở Nông nghiệp và PTNT đang chỉ đạo các địa phương bị hạn chuẩn bị giống lúa cực ngắn ngày và các điều kiện cần thiết để gieo khi có đủ ẩm và thời vụ còn cho phép.

Tuy nhiên, vùng này không thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng được vì lý do: Khu vực này đa số là đất thịt nặng khô cứng không có mưa thì không thể trồng cây khác được; Khi có mưa lớn là vùng ngập đầu tiên (lụt thường đầu tháng 9) nên các cây trồng khác không đảm bảo thời gian sinh trưởng dẫn đến sẽ mất trắng.

Giám đốc Sở NN&PTNT cám ơn ý kiến phản ảnh của Đại biểu HĐND và sẽ tham mưu cho UBND tỉnh chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngay từ đầu vụ Hè thu, Mùa 2021.

Ngoài ra, đại biểu cũng phản ánh trạm bơm Vực Giồng thuộc dự án hồ chứa nước Bản Mồng phục vụ công tác sản xuất nông nghiệp do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư đã hoàn thành vào năm 2015 nhưng đến nay chưa hoạt động; kiến nghị có định hướng đầu tư, mở rộng diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp đặc sản, đặc trưng của địa phương...

Nhóm PV

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện