Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Băn khoăn về chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ khối, xóm, bản sau sáp nhập

10:29, 21/07/2020
Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 22 của HĐND tỉnh và Quyết định 14 của UBND tỉnh về mức chi bồi dưỡng và quy trình thực hiện mức chi bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của xóm, khối, bản trên địa bàn tỉnh, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn trước những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở.

Mở đầu phiên thảo luận tại hội trường sáng nay, đại biểu Ngô Thị Thu Hiền – đại biểu TP Vinh đặt vấn đề: Hiện rất nhiều cử tri Thành phố Vinh có ý kiến liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 22 của HĐND tỉnh về mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách khối, xóm bản. Cụ thể, theo quy định xóm, bản có từ 350 hộ trở lên được hưởng mức phụ cấp đối với Bí thư; Xóm trưởng hệ số là 1,7; Trường Ban công tác mặt trận là 1,4. Nhưng danh mục này lại không áp dụng đối với khối thuộc phường, tức là Bí thư, Khối trưởng làm việc tại các phường trên địa bàn Thành phố Vinh và các thị xã, thị trấn nói chung chỉ được hưởng một mức phụ cấp 1,1; Trưởng Ban công tác mặt trận 0,8 cho dù số hộ ở khối có khi lên đến 500 hộ, cao hơn số hộ ở xóm, bản, trong khi có những khối xóm là hàng xóm của nhau, chỉ cách nhau một con đường nhưng chế độ hưởng phụ cấp lại khác nhau. Điều này tạo sự không công bằng trong thực tiễn hoạt động ở khối xóm. Vì vậy, theo đại biểu Hiền thì HĐND tỉnh cần nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tiễn ở các địa phương.

Theo đại biểu Ngô Thị Thu Hiền – đại biểu TP Vinh  nhiều cử tri Thành phố Vinh băn khoăn về việc thực hiện Nghị quyết 22 của HĐND tỉnh về mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách khối, xóm bản.

Liên quan đến công tác chia tách, sáp nhập phường, xã, thị trấn và khối, xóm, bản, đại biểu Ngô Thị Thu Hiền cho biết: Sau khi thực hiện, nhiều khối xóm bản đã có những tên gọi mới và nhiều hộ gia đình đã làm lại các loại giấy tờ, ví dụ như giấy chứng nhận QSD đất, hiện nay văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất vẫn áp dụng Nghị quyết 47 ngày 16/12/2016 của HĐND tỉnh thu phí và lệ phí khi thực hiện xin thay đổi địa chỉ thửa đất (Trong đó, thu phí xác nhận biến động trên giấy chứng nhận QSD đất là 100.000đ; thu lệ phí xác nhận thay đổi sau khi cấp giấy chứng nhận là 10.000đ). Vì vậy, đề nghị UBND Tỉnh có văn bản chỉ đạo không thu các loại phí liên quan đến việc cấp lại các loại giấy tờ cho nhân dân do chia tách, sáp nhập đơn vị hành chính.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường.

Xung quanh việc thực hiện Quyết định 14 ban hành ngày 27/5/2020 của UBND tỉnh Nghệ An về mức chi bồi dưỡng và quy trình thực hiện mức chi bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của xóm, khối, bản trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến 10/6/2020 mới có hiệu lực. Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Trần Văn Hường (Nam Đàn) đặt câu hỏi: Vậy từ ngày 10/6 trở về trước, việc thanh toán thế chế độ cho đội ngũ này như thế nào (khi chưa có văn bản hướng dẫn)?

Đại biểu Trần Văn Hường (Nam Đàn) nêu câu hỏi: QĐ 14 có hiệu lực từ ngày 10/6, vậy trước đó việc thanh toán thế chế độ cho  khi chưa có văn bản hướng dẫn?

Đại biểu Đinh Thị An Phong – Đại biểu huyện Nghi Lộc cũng cho rằng, chủ trương sáp nhập xóm, xã theo quy định tỉnh ta thực hiện đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, thời gian theo quy định. Nhưng sau khi sáp nhập xóm, xã xong, ở cơ sở bộc lộ nhiều vấn đề bất cập. Đó là tình trạng thừa, thiếu nhà văn hoá xóm, các thiết chế văn hoá... Đề nghị tỉnh cần có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo việc sử dụng hoặc thanh lý một số tài sản của xóm, xã sau sáp nhập.

Đại biểu Đinh Thị An Phong – Đại biểu huyện Nghi Lộc cho rằng có tình trạng thừa, thiếu nhà văn hoá xóm, các thiết chế văn hoá sau sáp nhập.

Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Phi (Hưng Nguyên) cho rằng việc ban hành một số chính sách, quy định về chế độ chính sách sau sáp nhập chưa sát với thực tiễn, chưa phát huy được hiệu quả. Đề nghị nghiên cứu lại.

Đại biểu Hoàng Văn Phi (Hưng Nguyên) cho rằng việc ban hành một số chính sách, quy định về chế độ chính sách sau sáp nhập chưa sát với thực tiễn.

Ngoài ra, các đại biểu cũng phản ánh chế độ cho những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xóm theo Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND ngày 22/12/2019 của HĐND tỉnh là bất cập so với thực tiễn, nhất là đối với các xóm sáp nhập như: Chế độ kiêm nhiệm cho bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch HĐND cấp xã hiện nay cũng chưa được thực hiện; việc thực hiện chế độ cho những người không tiếp tục làm việc ở cấp xã, cấp xóm chậm..

Giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu HĐND tỉnh nêu, ông Trần Quốc Chung - Phó Giám đốc Sở nội vụ cho biết: Bí thư Đảng ủy kiêm chủ tịch HĐND cấp xã được hưởng chế độ kiêm nhiệm với điều kiện phải bớt được 1 chức danh so với số lượng cán bộ, công chức quy định tại Nghị định số 34/2012/NĐ-CP. Chế độ cho những người không tiếp tục làm việc ở cấp xã, cấp xóm chậm là do các huyện, xã thực hiện chậm. Sở Nội vụ đã đôn đốc nhiều lần bằng văn bản. Đến hôm nay cơ bản đã hoàn thành.

Ông Trần Quốc Chung - Phó Giám đốc Nội vụ giải trình làm rõ những nội dung đại biểu nêu.

Về ý kiến của cử tri cho rằng: Theo Nghị quyết 22 của HĐND tỉnh thì Cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm Bí thư, xóm trưởng, trưởng ban công tác Mặt trận xóm không được hưởng phụ cấp. Vì vậy hiện nay tại các xã không khuyến khích được CBCC tham gia các nhiệm vụ của khối, xóm, bản...Trả lời nội dung này, ông Trần Quốc Chung, Phó giám đốc Sở nội vụ cho biết: Nghị định số 34/2014/NĐ-CP không quy định cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm Bí thư, xóm trưởng, trưởng ban công tác Mặt trận xóm, khối, bản. Về chức danh Thú y, theo NĐ 34/NĐ-CP chỉ được bố trí kiêm nhiệm hoặc giao cho công chức đảm nhiệm. Cụ thể, nhiệm vụ của người hoạt động không chuyên trách Thú y, bảo vệ thực vật trước đây được giao cho công chức địa chính nông nghiệp xây xựng môi trường (phụ trách nông nghiệp) đảm nhận.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại kết luận số 134-KL/TU ngày 5/3/2018 của Ban Thường vụ TU Nghệ An nêu rõ: Không bố trí chức danh bảo vệ thực vật, thú y. Nhiệm vụ này thực hiện theo hình thức xã hội hóa đặt dưới dự quản lý của chính quyền cơ sở và cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Trong quá trình xây dựng Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh Nghệ An, ban soạn thảo cũng đã xin ý kiến rộng rãi các cấp các ngành liên quan, trong đó UBND các huyện và Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã góp ý bằng văn bản với nội dung thống nhất với dự thảo Nghị quyết.

Các đại biểu tham dự kỳ họp.

Liên quan đến những nội dung các đại biểu băn khoăn về Quyết định số 14/2000/QĐ-UBND ngày 27/5/2020 của UBND tỉnh về mức chi bồi dưỡng và quy trình thực hiện mức chi bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của xóm, khối, bản trên địa bàn tỉnh, ông Chung  cụ thể: Đối tượng được hưởng thì theo NĐ 34/NĐ-CP quy định: ngoài 03 chức danh Bí thư, Khối trưởng, Ban Công tác mặt trận thì không hưởng phụ cấp hàng tháng mà được hưởng bồi dưỡng khi trực tiếp tham gia vào công việc của thôn, tổ dân phố từ đoàn phí, hội phí khoán cho các đoàn thể và từ 3 các nguồn quỹ khác (nếu có). Quyết định 14 quy định: Người trực tiếp tham gia vào các công việc của xóm, khối, bản. Trong đó, ưu tiên bồi dưỡng cho các chi hội trưởng Hội người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội liên hiệp Phụ nữ; Bí thư Chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ở xóm, khối, bản. Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ; Bí thư Chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ở xóm, khối, bản.

Ông Lê Đình Lý – Giám đốc Sở Nội vụ cũng đã tham gia làm rõ vấn đề mà các đại biểu HĐND tỉnh quan tâm xung quanh vấn đề vướng mắc về NQ22 và QĐ 14

Tham gia làm rõ vấn đề các đại biểu nêu, Giám đốc Sở Nội vụ Lê Đình Lý cũng rất chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của đội ngũ cán bộ khối, xóm, bản. Theo người đứng đầu Sở Nội vụ, UBND tỉnh quy định rất rõ các mức hỗ trợ cho từng loại xóm. Trong đó, mức 1 bao gồm các xóm thôn bản nông thôn có trên 350 hộ và thôn bản vùng trọng điểm biên giới, hải đảo. Mức 2 là các số xóm, thôn, bản đồng bằng còn lại.

Tuy NQ đã được HĐND tỉnh thông qua, nhưng quá trình thực hiện còn nhiều vướng mắc, bất cập. Sở Nội vụ cũng rất băn khoăn. Trước đó, sở Nội vụ phối hợp Tài chính và các ngành tham mưu UBND tỉnh để ban hành NQ137, theo đó mức hỗ trợ thấp nhất là 0,22 và cao nhất 0,27, nhưng khi chuyển sang thực hiện NQ34 của Chính phủ thì các đối tượng này không được hưởng chế độ này nữa, bởi tỉnh không thể thực hiện trái NQ của Chính phủ. Do đó, đội ngũ này cũng rất thiệt thòi, Sở Nội vụ cũng rất chia sẻ, trước hết thay mặt các sở, ngành, người đứng đầu sở Nội vụ xin tiếp thu ý kiến của đại biểu nêu về vấn đề này. Thời gian tới, sở Nội vụ sẽ tiếp tục khảo sát để bổ sung, chỉnh sửa chính sách vừa đảm bảo phù hợp thực tiễn vừa phù hợp quy định của Nhà nước.

Nhóm PV

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm