Độc đáo “Thư viện xanh” nơi lòng hồ Bản Vẽ
Thư viện được làm bằng vật liệu chủ yếu từ tự nhiên gồm: tre, nứa, mái lợp bằng lá cọ.
"Chúng tôi xây dựng “thư viện xanh” (do trường còn thiếu phòng đọc, thư viện) nhằm góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, bồi dưỡng thêm kiến thức và kỹ năng cho các em học sinh. Tuy nhiên, nguồn sách, báo có được đang còn rất hạn chế. Thầy trò rất mong các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân ủng hộ thêm sách, báo để các em mở mang kiến thức" - Thầy Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Hiện, nhà trường còn rất thiếu thốn về cơ sở vật chất như: các phòng chức năng (thực hành, phòng đội, phòng thiết bị), nhà ở bán trú đã xuống cấp, không có công trình vệ sinh, nhà tắm, bể chứa nước... nhưng thầy cô và các bậc phụ huynh quyết tâm dựng nên “Thư viện xanh” để các em được bồi bổ thêm tri thức.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, đội ngũ giáo viên, học sinh của nhà trường không ngừng nỗ lực dạy tốt học tốt, nề nếp, kỷ cương luôn được giữ vững. Trường có tổng số 170 học sinh, trong năm học vừa qua, toàn trường có 7 em đạt học lực loại giỏi, 43 em đạt học lực loại khá. Trong đó, gần 70% các em học sinh đạt hạnh kiểm loại tốt, tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt trên 97,5%.
Được biết, xã Hữu Khuông là một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Tương Dương, cách trung tâm huyện khoảng 70km. Là xã duy nhất ở tỉnh Nghệ An chưa có đường ô tô đến trung tâm xã. Để đến với Hữu Khuông phải đi bằng đường bộ, sau đó đi xuồng hơn 2h trong lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Nơi đây 100% dân cư là đồng bào dân tộc ít người, gồm các dân tộc Thái, Mông, Khơ mú, có tới 80% dân cư là hộ nghèo. 5/7 bản chưa có điện lưới quốc gia, 1 bản chưa phủ sóng điện thoại di động.