Mô hình bán trú: Mái nhà chung của học sinh vùng cao
Mái nhà chung
Lượng Minh là xã đặc biệt khó khăn của huyện Tương Dương, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái và Khơ mú sinh sống. Toàn xã có 10 bản, giao thông đi lại khó khăn, trong đó các bản vùng lòng hồ như Xốp Cháo, Cà Moong.. hay các bản vùng trên như Chăm Puông, Minh Thành, Minh Tiến, bản Đửa.. học sinh đi học vô cùng vất vả, nhất là vào mùa mưa. Có những bản nằm cách trung tâm xã tới 40km.
Trước đây, tình trạng học sinh bỏ học, đi học không chuyên cần diễn ra phổ biến. Là địa bàn trọng điểm về ma túy, hầu hết các em đều có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, bố mẹ đi tù vì buôn ma túy, hoặc bố chết do nghiện ma túy, mẹ bỏ đi lấy chồng, phải ở với ông bà già yếu, nên thiếu thốn tình cảm bố mẹ, thiếu hơi ấm gia đình. Em Lương Thị Tâm Lan ở bản Cò Phảo là một trường hợp như vậy. Bố em nghiện ma túy mất cách đây 9 năm, mẹ bỏ đi biệt xứ, em ở với ông bà. Nếu như không có mái nhà chung là ngôi trường bán trú Lượng Minh này và không có sự chăm sóc, dìu dắt của các thầy cô ở đây thì em khó mà theo học được đến lớp 9 như bây giờ.
"Em học xa nhà xuống đây nhận được rất nhiều sự quan tâm và yêu thương giúp đỡ của thầy cô, đặc biệt là các thầy cô luôn nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của chúng em, em nhận được sự quan tâm về nhiều mặt. Về học tập, thầy cô luôn giảng dạy bày từng chi tiết, thầy cô luôn nhắc nhở để học sinh dọn dẹp sạch sẽ, thầy cô giám sát thực phẩm để học sinh ăn uống được đảm bảo an toàn về sinh thực phẩm, trường còn có khẩu hiệu là trường học là nhà, thầy cô là bố mẹ, bạn bè là anh em, điều đó đã tạo sự đoàn kết trong trường học và trong ký túc" - Lan tâm sự.
Trò chuyện với chúng tôi, thầy giáo Nguyễn Tiến Thành – Quản sinh trường PTDT bán trú THCS Lượng Minh chia sẻ: Hiện trường có tổng số 315 học sinh, trong đó có tới 297 em học sinh bán trú thuộc gia đình khó khăn. Các em chủ yếu ở lại trường, chỉ về nhà mỗi năm 2 lần là dịp nghỉ hè và dịp Tết, do đó các em luôn xem trường học ở đây như là tổ ấm, là mái nhà chung; thầy cô là bố mẹ của các em. Nhiều trường hợp bỏ học, không tới trường, các thầy cô phải lặn lội hàng chục cây số vào tận bản tìm hiểu, vận động, hỗ trợ để giúp các em quay trở lại lớp học. Đơn cử như trường hợp em Lô Văn Hùng ở bản Minh Thành, bố nghiện ma túy bị chết, mẹ lấy chồng mới cũng bị nghiện nên mẹ bỏ nhà đi biệt xứ, Hùng bị bà ngoại hắt hủi. Thiếu thốn về tình cảm, em bỏ học đi theo bạn xấu ở Kỳ Sơn. Đây là một học sinh có năng khiếu về thể dục, bỏ học là một thiệt thòi cho em. Nắm được hoàn cảnh của Hùng, các thầy cô, trong đó có thầy Thành, thầy Thái đã vào tận bản vận động em quay trở lại trường. Biết Hùng xấu hổ vì không có quần áo, đồ dùng học tập, các thầy lại góp tiền mua sắm đầy đủ cho em đến trường. Rồi các thầy, các cô còn gần gũi, tâm sự chia sẻ động viên tinh thần cho em. Đến nay, Hùng đã yên tâm ở lại học tập dưới mái trường này.
Và còn, còn rất nhiều trường hợp nữa, với sự thương yêu, tận tâm của các thầy cô nơi vùng cao này, các em cùng nhau được ở lại học tập dưới mái nhà chung này. Nếu như thầy cô không gần gũi, quan tâm thì sẽ không nắm bắt được tâm sinh lý của học sinh, cũng như tình trạng đau ốm bệnh tật để kịp thời giúp đỡ các em. Mới đây thôi, em Lữ Văn Mẫn ở bản Cà Moong, tiền sử bị bệnh tim, nhà nghèo, bố mẹ không có tiền đưa em đi chữa trị, nên đành phải chịu đựng bệnh tật. Đã nhiều lần Mẫn ngất xỉu tại lớp học và được đưa vào trạm y tế xã cấp xứu. Riêng lần này lại khác, mặc dù được các bác sỹ trạm y tế xã tiêm thuốc trợ tim nhưng em vẫn lả dần, chân tay co quắp, đích thân thầy hiệu trưởng Trần Hưng Thái chở em ra bệnh viện huyện, liên hệ với bệnh viện đưa ngay vào phòng cấp cứu, may mắn đã kịp thời cứu chữa tính mạng của em.
“Đặc thù bán trú ở trường PTDT bán trú THCS Lượng Minh hầu hết các em ở xa, gia đình bố mẹ đều dính vào tệ nạn xã hội, các em ra đây thiếu thốn tình cảm, tinh thần và vật chất, vì vậy chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong công tác bán trú. Ở đây các thầy cô như bố mẹ luôn gần gũi, chăm sóc các em, để bù đắp sự thiệt thòi cho các em. Cùng với đó, BGH nhà trường phân công từng giáo viên, từng người phụ trách từng phòng nội trú bảo ban các em trong cuộc sống cũng như trong sinh hoạt hàng ngày” – Thầy giáo Nguyễn Tiến Thành bộc bạch.
Giải pháp hữu hiệu giữ chân học sinh
Không chỉ được học tập trong một ngôi trường đẹp, bề thế, các em học sinh ở bán trú còn được ở lại học tập và sinh hoạt trong những dãy nhà nội trú được xây dựng khang trang, sạch sẽ, đủ chăn ấm cho mùa đông. Ngoài giờ lên lớp, các em còn được các thầy, cô hướng dẫn thực hiện các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống và tự biết chăm sóc bản thân mình hơn khi sống xa nhà.
Để phục vụ bữa ăn bán trú cho học sinh, nhà trường phải cân đối chế độ ăn của các em, lên thực đơn, đơn giá cho học sinh lựa chọn đăng ký thực đơn. Ban thanh tra nhân dân của nhà trường làm nhiệm vụ giám sát chất lượng thực phẩm, rau xanh, cá thịt để đảm bảo VS ATTP. Có mặt vào đúng giờ ăn trưa của trường PTDT bán trú THCS Lượng Minh mới thấy hết không khí phấn khởi, vui vẻ của các học sinh ở đây. Trên những khuôn mặt hồn nhiên, có em còn lấm lem vết mực hiện lên sự háo hức khi giờ ăn bắt đầu. Thường thì các em học sinh khối lớp 6, lớp 7 được ra về trước 1 tiết, nên các em nhận nhiệm vụ sắp đặt bàn ghế, chuẩn bị cho bữa ăn. Tranh thủ thời gian chờ đợi trước bữa ăn các em vui vẻ náo nhiệt với các trò chơi bắn bi, đuổi bắt...
Thầy giáo Trần Hưng Thái - Hiệu trường trường PTDT bán trú THCS Lượng Minh khẳng định mô hình bán trú chính là giải pháp duy nhất để giữ chân học sinh, tạo điều kiện tốt nhất cho con em đồng bào các dân tộc được học tập, sinh hoạt trong môi trường tốt nhất. Những năm gần đây, nhờ có mô hình bán trú mà học sinh tại các bản xa trường tới 40 km như Xốp Cháo, Cà Moong, Minh Thành, Minh Tiến.. đã tích cực đến trường. Tỷ lệ học sinh bỏ học đã giảm đáng kể, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 97%, đó là tín hiệu vui đối với ngôi trường còn nhiều khó khăn như trường PTDT bán trú THCS Lượng Minh.
Bên cạnh công tác giáo dục kiến thức, học sinh nội trú được nhà trường dạy những kỹ năng sống cơ bản như kỹ năng vệ sinh cá nhân, sức khỏe sinh sản vị thành niên… Về kỹ năng tự học, sau giờ lên lớp, từ 19h-21h30 mỗi tối nhà trường phân công thầy cô quản sinh điểm danh, hướng dẫn các em chủ động trong học tập, ôn luyện. Tất cả những nội dung triển khai đều gắn với cuộc sống hàng ngày của các em để làm sao các em thực hiện hiệu quả, mục tiêu cuối cùng là xây dựng nề nếp, nâng cao chất lượng học tập.
“Các em ở đây rất thiếu thốn tình cảm, do đó nhà trường tổ chức sinh hoạt hàng ngày, hàng tuần. Đặc biệt, chúng tôi lập một có hòm thư “Điều em muốn nói” để các em trao đổi thẳng thắn. Chìa khóa của hộp thư này chỉ mỗi mình thầy hiệu trưởng có và thầy sẽ mở ra vào cuối buổi sinh hoạt, thông qua đó, thầy có thể nắm bắt được tâm tư tình cảm, nhất là lứa tuổi đang có nhiều biến động tâm sinh lý này, để động viên, chia sẻ hoặc tư vấn cho các em an tâm học tập” – Hiệu trưởng Trần Minh Thái chia sẻ thêm.
“Để nâng cao chất lượng dạy học, chiến lược phát triển của nhà trường trong thời gian tới phải hướng tới đổi mới phương pháp hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá theo năng lực học sinh, thầy đóng vai trò hướng dẫn, trò đóng vai trò trung tâm. Để làm được điều đó yêu cầu trò phải có kỹ năng, trong khi bây giờ trò miền núi nói chung kỹ năng sống rất yếu. Vì vậy để rèn được kỹ năng sống, chương trình giáo dục trong môi trường bán trú nội trú rất quan trọng. Học sinh có kỹ năng mới tư duy được kiến thức bài dạy của thầy cô trên lớp. Nếu như bán trú không hướng tới rèn kỹ năng thì sắp tới dạy chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện” - thầy giáo hiệu trưởng Trần Minh Thái nhấn mạnh thêm.
Tuy nhiên, để công tác bán trú vùng cao đạt hiệu quả, đó là sự nỗ lực rất lớn của các thầy cô giáo nơi đây. Một trong những băn khoăn trong công tác bán trú mà thầy giáo hiệu trưởng Trần Hưng Thái trăn trở, là chế độ ăn bán trú của học sinh quá thấp. Theo Nghị quyết 116/2016 CP chế độ hỗ trợ học sinh bán trú 1 tháng được 556.000 đồng, tương đương 40% lương tối thiểu. Tính ra, học sinh ở lại ăn bán trú cả thứ 7, chủ nhật, bình quân mỗi em chỉ có 19.500 đồng/1 ngày, nhà trường phải tự cân đối chi tiêu, rất khó khăn. Bên cạnh đó, dù là trường bán trú, nhưng các giáo viên ở đây phải thực hiện nhiệm vụ như trường nội trú: lên lớp trực, quản học sinh ngoài giờ..song chế độ chỉ được 0,3% bán trú.
"Ở vùng cao này, điều kiện tiếp cận với sách báo của học sinh còn quá ít ỏi, do đó nhà trường mong muốn được các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm quan tâm trang bị đầu tư thêm một tủ sách với các đầu sách như sách truyện thiếu nhi, sách kỹ năng sống..từ đó góp phần giúp nhà trường từng bước nâng cao chất lượng giáo dục kiến thức, kỹ năng sống cho học để hoàn thành tốt công tác gieo chữ nơi vùng cao" - thầy giáo hiệu trưởng Trần Hưng Thái bày tỏ mong muốn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin