Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Cảnh giác với thủ đoạn mua bán người và mua bán nội tạng

08:33, 14/11/2019
Không chỉ lừa bán phụ nữ qua biên giới để làm gái mại dâm, trên địa bàn Hà Nội còn có hiện tượng mua bán nội tạng ở các bệnh viện.

Lừa bán phụ nữ qua biên giới để làm gái “nhà thổ”
Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS), Công an TP Hà Nội vừa khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với phạm nhân Lê Nguyên Tùng (SN 1994, trú tại xã Thạch Đồng, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa “về hành vi mua bán người”.

 

Các đối tượng Nguyễn Thị Ngọc Ánh và Lê Nguyên Tùng.
Các đối tượng Nguyễn Thị Ngọc Ánh và Lê Nguyên Tùng.


Trước đó, vào cuối tháng 05/2015, thông qua mạng xã hội Facebook, Lê Nguyên Tùng làm quen với chị Nguyễn Thị T. quê Thanh Hoá đang làm việc tại Hà Nội để lừa chị đưa sang Trung Quốc bán. Để thực hiện được hành vi, Lê Nguyên Tùng cùng Nguyễn Văn Thảo (SN 1992, trú tại xã Thạch Bình, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) bắt xe khách đi từ Thanh Hóa ra TP Hà Nội để đón chị T rồi cùng nhau đưa chị T đến thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Thông qua một người đàn ông Việt Nam, nhóm người này đã đưa chị T đi thuyền qua sông sang Trung Quốc rồi lên xe ô tô khách để đi sâu vào trong nội địa. Tại đây nhóm của Tùng gặp một người phụ nữ Việt Nam tên là Thoa (là người đã “đặt hàng” trước với Tùng). Sau khi nhận được hàng, chúng đưa chị T về một ngôi nhà cấp 4 nghỉ. Để tránh việc liên lạc giữa chị T. và gia đình, nhóm đối tượng đã lấy điện thoại di động của chị T. đưa cho Tùng giữ. Biết mình bị lừa đưa sang Trung Quốc bán, chị T đòi về Việt Nam thì bị đe dọa, đánh đập và bán cho người khác.

Đến tháng 08/2017, chị T. bị công an Trung Quốc phát hiện, bắt giữ. Đến cuối tháng 02/2018, nạn nhân được Công an Trung Quốc thả về Việt Nam. Được sự phân tích, động viên từ một số người thân và bạn bè ngày 10/06/2019, chị T đã đến Cơ quan điều tra trình báo sự việc.

Cũng trên địa bàn Hà Nội, Cơ quan CSĐT, Công an thành phố đã khởi tố vụ án buôn bán người, khởi tố bị can và ra lệnh truy nã đối với Nguyễn Thị Ngọc Ánh (SN 2001, trú tại xã Tinh Nhuệ, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ). Theo đó, đối tượng này đã lừa rủ chị Nguyễn T.T.T ở Hà Nội đến Myanmar phục vụ trong sòng bạc với mức lương 15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, ngay sau khi đặt chân đến đất nước Myanmar, nạn nhân đã bị bán để làm gái mại dâm.

Chị T sau đó đã tìm cách liên lạc điện thoại được với người thân. Gia đình chị này đã nhanh chóng đến cơ quan công an để trình báo sự việc. Tuy nhiên, việc giải cứu nạn nhân không hề đơn giản, bởi không dễ để cảnh sát nước bạn mở cuộc tấn công vào hang ổ của bọn tội phạm.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đầu năm 2019 khi các đối tượng về nước với dự định tiếp tục tìm kiếm “hàng” để lừa bán thì bị cơ quan công an bắt giữ.

Trung tá Lương Huy Giang, Đội trưởng đội Phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm mua bán người, công an Thành phố Hà Nội chia sẻ, các đối tượng phạm tội thường lợi dụng sự kém hiểu biết của bị hại ở những vùng nông thôn, những người không có việc làm, có hoàn cảnh khó khăn…để làm quen với nạn nhân rồi dùng những lời nói “đường mật”, hứa hẹn tìm việc làm có thu nhập cao, rủ đi chơi, mua sắm để lừa bán vào các động mại dâm trá hình tại Việt Nam hoặc sang Trung Quốc để làm gái mại dâm.

Bên cạnh đó, với sự phát triển của mạng xã hội, các đối tượng sử dụng Facebook, các ứng dụng chat trực tuyến của Zalo, Viber, hay dùng số điện thoại “sim rác”…để lừa gạt học sinh, sinh viên, những người cả tin với mục đích để bán các nạn nhân hoặc công khai rao bán phụ nữ trên mạng.

Trung tá Lương Huy Giang, chia sẻ, số vụ mua bán người qua biên giới Trung Quốc chiếm 83% tổng số vụ phát hiện, khám phá. Những người được đưa sang hầu như là vượt biên trái phép, đi bằng đường tiểu ngạch, những nạn nhân mua bán người được đưa lên Lạng Sơn, các tỉnh biên giới. Bởi vì nhu cầu của Trung Quốc rất lớn từ việc làm, nhu cầu về phụ nữ để phục vụ cưới hỏi, thậm chí có những trường hợp là mang thai hộ”.  

Buôn bán trẻ em và nội tạng

Gần đây, nổi lên phương thức thủ đoạn mới là các đối tượng thông qua các nhóm: “Hội cho và nhận con nuôi”, “Hội hiếm muộn con” trên mạng xã hội Facebook để thu thập thông tin, tìm kiếm những người phụ nữ sinh con nhưng không có nhu cầu nuôi để gặp gỡ, thỏa thuận việc nhận con nuôi. Sau khi nhận được những đứa trẻ này, các đối tượng mang đi bán để hưởng lợi.

“Những đối tượng Trung Quốc sang Việt Nam mở phòng khám để tập hợp những người nữ hiến trứng hoặc mang thai hộ và hứa hẹn sẽ cho một người khoảng 200 – 300 triệu. Sau khi thỏa thuận xong chúng sẽ đưa người phụ nữ đi khám về y học về chiều cao, cân nặng, bệnh tật, các xét nghiệm về mặt y tế xem có đủ điều kiện không. Nếu đủ điều kiện những người phụ nữ đó sẽ được đưa sang Trung Quốc hoặc Campuchia để thụ thai với những người đàn ông của Trung Quốc. Sau đó, lại đưa về Việt Nam tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc đợi đến ngày sinh thì đưa ra nước ngoài sinh con và giao con cho các đối tượng và nhận được từ 300 đến 400 triệu đồng một trường hợp”- Trung tá Lương Huy Giang chia sẻ thêm.

Làm quen, yêu đương qua mạng khiến các cô gái phải trả giá.
Làm quen, yêu đương qua mạng khiến các cô gái phải trả giá.

Đặc biệt, trong thời gian từ cuối năm 2018 đến nay, xuất hiện các đối tượng hoạt động phạm tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người (mua bán thận) tại các bệnh viện lớn trên địa bàn Thành phố Hà Nội như: Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, Bệnh viện Quân Y 103, Bệnh viện Bạch Mai... Các đối tượng hoạt động phạm tội chủ yếu là người ở địa phương khác, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và đã từng bán, từng là nạn nhân của hoạt động mua bán thận câu kết, kết nối với các đối tượng trên địa bàn Thành phố.

Chúng thường tập trung tại các Bệnh viện lớn trên địa bàn , tiếp cận , làm quen với những người mắc bệnh thận , suy thận cần phải có thận để ghép thi tiến hành môi giới, giới thiệu, tổ chức sắp xếp thỏa thuận giá cả mua bản thận, đồng thời hỗ trợ , tổ chức đưa người bán và người mua thận đi xét nghiệm. Thậm chí các đối tượng còn lập lên Hội, nhóm mua bán thận, ghép thận trên các trang mạng xã hội Facebook , Zalo… để tập hợp những người có nhu cầu bán thận và tổ chức nuôi nhốt tại các khu nhà trọ, nhà thuê. Với mỗi trường hợp môi giới thành công, các đối tượng hưởng lợi từ 150 đến 250 triệu đồng.

Để tạo được chuyển biến rõ nét trong phòng ngừa, Trung tá Lương Huy Giang cho rằng, trước hết cần thay đổi nhận thức, hành vi. “Cần làm tốt công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông báo về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm mua bán người, đặc biệt là các thủ đoạn lừa gạt mua bán phụ nữ, trẻ em dưới các hình thức môi giới kết hôn với người nước ngoài, nhận làm con nuôi, giới thiệu việc làm, thăm quan du lịch để từ đó quần chúng nhân dân cảnh giác, tự phòng ngừa và phát hiện tố giác tội phạm”, Trung tá Lương Huy Giang cho biết.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, Công an các tỉnh biên giới và các tổ chức, đoàn thể trong công tác trao đổi thông tin về tình hình tội phạm mua bán người, công tác tiếp nhận, giải cứu nạn nhân bị mua bán và tổ chức tái hòa nhập cho nạn nhân sau khi được giải cứu về nước./.

Theo VOV

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm