Các địa phương khẩn trương triển khai phương án phòng chống bão số 4
*Trước diễn biến nhanh của bão số 4, để chủ động ứng phó với bão, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An đã cử 5 đoàn công tác đến các địa bàn trọng điểm kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống bão tại các đơn vị.
Tại hải đội 2, đoàn công tác đã kiểm tra công tác ứng trực, sẵn sàng lực lượng phòng chống bão và tìm kiếm cứu nạn của hải đội 2, kiểm tra hệ thống kho tàng nhà cửa tại đơn vị. Chỉ đạo kiểm tra, rà soát nắm vững số tàu thuyền hoạt động trên biển, thông báo cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, đường đi của bão, thường xuyên giữ liên lạc với đất liền để chủ động phòng tránh bão và xử lý khi có tình huống xẩy ra. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, ứng trự 24/24 sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xẩy ra, đảmt bả tuyệt đối an toàn về tính mạng và tài sản của đơn vị và nhân dân.
Tại đồn biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Lò – Bến Thủy đoàn đã kiểm tra công tác ứng trực, sắp xếp, kêu gọi tàu thuyền phòng tránh bão. Theo báo cáo của đơn vị trên địa ban đơn vị quản lý có 558 phương tiện vơi 2097 người hoạt động trên biển, tất cả các phương tiện đều đã liên lạc với gia đình, hiện chỉ còn 2 phương tiện với 11 lao động đang trên đường vào tránh trú bão.
Lãnh đạo Bộ chỉ huy BĐBP Nghệ An yêu cầu chỉ huy các đơn vị tiếp tục theo dõi tình hình của bão số 4, sử dụng hệ thống thông tin của đơn vị để thông báo tới các tàu đang còn ở trên biển. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương tuyên truyền các chủ phương tiện chủ động phòng chống bão, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão.
Hải Thượng
*Lãnh đạo huyện Đô Lương đã về các xã Hồng Sơn, Giang Sơn Đông, Giang Sơn Tây kiểm tra các công trình hồ đập trước bão số 4.
Tại đập Tròn đang được thi công ở xã Hồng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Đô Lương đã lưu ý với đơn vị thi công gia cố chắc chắn việc chắn cống xả nước, tránh để nước chảy qua cổng sẽ dễ dẫn đến việc vỡ thân đập. Đập Tròn được thi công với tổng kinh phí 14 tỷ đồng, sau khi hoàn thành sẽ cung cấp nước tưới cho 45 ha diện tích đất nông nghiệp.
Tại xã Giang Sơn Đông, đoàn công tác đã kiểm tra đập Róm. Đây là đập cách đây vài tháng từng xuất hiện vết nứt chạy dọc thân đập, lại bị rò thân đập, nếu trời mưa lớn kéo dài rất dễ xảy ra nguy cơ vỡ đập, bởi đập có dung tích 670 ngàn m3. Sau khi kiểm tra, đồng chí Chủ tịch UBND huyện đề nghị lãnh đạo xã Giang Sơn Đông chuẩn bị sẵn sàng các phương án tối ưu nhất, kiểm tra lại các vật tư để gia cố đập. Nếu trường hợp nước dâng quá cao thì phải có phương án di dời 18 hộ dân dưới thân đập một cách kịp thời.
Tiếp đó, đoàn đã kiểm tra đập Vũng Môn tại xã Giang Sơn Tây. Đập có dung tích 200 ngàn m3, nhiều năm nay chưa được nâng cấp sửa chữa. Tại các địa phương, đồng chí Phùng Thanh Vinh- Chủ tịch UBND huyện yêu cầu các lực lượng trực bão nắm chắc tình hình, sẵn sàng có phương án ứng cứu khi có các tình huống xảy ra.
Ngọc Phương
*Huyện Quỳnh Lưu có 1.711 phương tiện tàu thuyền, trong đó có hơn 900 tàu đánh bắt xa bờ. Để chủ động ứng phó với cơn bão số 4, huyện Quỳnh Lưu đang tập trung kêu gọi tàu thuyền đánh bắt ngoài biển về nơi tránh, trú bão an toàn.
Đến 17h ngày 29/8, hầu hết tàu thuyền của huyện Quỳnh Lưu đã về bến neo đậu. Để chủ động ứng phó với bão số 4, lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu yêu cầu các xã ven biển thực hiện tốt các biện pháp ứng phó bão; thường xuyên theo dõi, liên lạc, kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh trú bão an toàn.
Ngoài ra, huyện cũng yêu cầu các xã, thị trấn trên địa bàn tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân chằng chéo nhà cửa, kho tàng, chặt tỉa cành cây, chống gãy đổ đảm bảo an toàn cho công trình cấp điện, công trình viễn thông.
Chỉ đạo nhân dân khẩn trương thu hoạch vụ Hè thu, các doanh nghiệp, hộ nuôi trồng thủy sản chủ động thu hoạch trước mưa bão, đồng thời có biện pháp bảo vệ các diện tích nuôi trồng.
Riêng đối với xã Quỳnh Thọ tăng cường gia cố mái đê phía biển ở thôn Thọ Thắng bằng bạt chắn sóng và làm rọ đá lưới B40 bảo vệ chân đê phía biển. Dùng bao tải cát tại bờ con chạch chống nước biển tràn qua đê.
Các xã vùng đê biển Bãi Ngang, Quỳnh Lương, Quỳnh Minh, Quỳnh Nghĩa chủ động phương án để ngăn nước triều cường hoặc tiêu thoát nước ở khu vực đê biển khi cần thiết…
Thanh Nhàn
*Diễn Châu: Cùng với triển khai nhiều biện pháp phòng chống bão số 4 thì Diễn Châu đang tập trung kêu gọi tàu thuyền về neo tránh trú bão, đảm bảo an toàn cho ngư dân.
Với việc chủ động liên lạc với 45 tổ nghề cá và nghiệp đoàn nghề cá đưa tàu thuyền vào bờ tránh trú bão nên đến 11 giờ trưa ngày 29/8, 424 tàu thuyền của xã Diễn Ngọc đạt 100% và 94 tàu thuyền xã Diễn Bích chiếm gần 40% đã cập bến an toàn. Dự kiến đến 16 giờ chiều nay, khi nước lạch Vạn dâng cao thì 100% tàu thuyền Diễn Bích cũng sẽ về bến neo đậu. Bên cạnh đó thì 9 tàu công suất lớn hiện nay cũng đã kịp thời vào cảng Cửa Lò và Thanh Hóa tránh trú bão.
Các tàu thuyền được địa phương bố trí tại 5 nơi neo đậu khuất gió trên sông Bùng tại Diễn Kim, Diễn Kỷ, Diễn Vạn đảm bảo trụ neo và tránh va đập cho tàu thuyền. Cùng với đó thì gần 800 bè mảng cũng đã được đưa lên bờ biển che chắn cẩn thận. Diễn Châu tuyệt đối không để tàu thuyền neo đậu dưới chân cầu Diễn Kim, DiễnNgọc để bảo vệ cầu và tàu. Đến 17 giờ chiều ngày 29/8, lực lượng Biên phòng sẽ cấm biển, không cho tàu thuyền ra khơi. Cùng với chằng chống cẩn thận, tránh va đập thì các xã vùng biển cũng bố trí lực hượng trông coi để ứng phó nhanh khi có sự cố va đập khi bão đổ bộ. Đồng thời, bố trí 6 tàu sẵn sàng ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn trên biển khi có sự cố xảy ra.
Vùng ven biển, thu hoạch nhanh thủy sản và thu gom tôm giống mới thả có biện pháp bảo vệ. Đồng thời di dời trên 300 hộ dân sống ngoài đê vào vùng an toàn xong trước 11 giờ ngày 30/8. Hiện Diễn Châu còn khoảng hơn 500 ha lúa hè thu muộn, phải khẩn trương thu hoạch, bảo vệ tốt cây trồng vụ đông, 10 nhà màng. Bên cạnh đó đảm bảo an toàn cho người dân vùng xung yếu. Đảm bảo giao thông, y tế ... cũng đã có kế hoạch thực hiện.
Mai Giang
*Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn Cửa Lò đã họp bàn các phương án đối phó cơn bão số 4. Tại cuộc họp, các ban ngành, đơn vị liên quan đã thông báo diễn biến của cơn bão và nêu các phương án đối phó.
Trong đó chú trọng vào các phương án di dời và bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân nhất là bảo vệ khách du lịch. Hiện tại, 246 tàu thuyền khai thác hải sản của bà con ngư dân Cửa Lò đã cập bến an toàn.
Ngay sau cuộc họp, các đồng trong Ban Thường vụ Thị ủy và thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn Cửa Lò đã kiểm tra tình hình thực tế ở cơ sở.
Tại cảng cá Cửa Hội và cảng Cửa Lò, ngoài tàu thuyền của bà con ngư dân địa phương còn có 25 tàu đánh bắt hải sản của ngư dân Quảng Ngãi và Thanh Hóa neo đậu. Do đó, thị xã yêu cầu các tàu này di chuyển về nơi trú ẩn an toàn.
Thị xã cũng đã tiến hành cấm biển, không cho tàu ra khơi; bố trí lực lượng cảnh báo và cấm tắm biển để đảm bảo tính mạng cho người dân cũng như du khách.
Hữu Lương - Duy Quý
* Lãnh đạo huyện Quỳ Hợp đã đi kiểm tra tại một số hồ đập, cầu tràn tại các Bắc Sơn và Châu Lý trước tình hình mưa bão số 4.
Để chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, UBND huyện Quỳ Hợp yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện và các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn (PCTT – TKCN) huyện tiếp tục thực hiện nghiêm túc nội dung Công điện số 63 của Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, triển khai khẩn cấp các nhiệm vụ ứng phó với bão số 4 theo phương châm "4 tại chỗ". Cập nhật thường xuyên những diễn biến mới nhất của Bão; Hoàn thành việc sơ tán người dân tại các vùng nguy hiểm có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quyét vào khu vực an toàn. UBND các xã, thị trấn thông tin thường xuyên, kịp thời tình hình diễn biến của bão đến mọi người dân; hướng dẫn nhân dân chủ động chằng chống nhà cửa, kho tàng, trụ sở cơ quan, trường học, các công trình công cộng; tổ chức cắt tỉa cành cây.
Đồng thời, tiến hành rà soát, thống kê số lượng nhà yếu, nhà tạm kèm theo số nhân khẩu trên địa bàn dự kiến phải sơ tán, đồng thời có phương án sơ tán cụ thể khi có lệnh. Đề nghị các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện phụ trách các vùng, các xã, thị trấn căn cứ nhiệm vụ được giao chủ động xuống địa bàn, tập trung chỉ đạo phòng chống, ứng phó với bão số 4 đảm bảo an toàn về tài sản cũng như tính mạng của nhân dân.
Phan Giang
Nghĩa Đàn: Trước diễn biến của bão số 4, UBND huyện Nghĩa Đàn đã tổ chức cuộc họp triển khai các phương án phòng chống. Theo đó, huyện yêu cầu các địa phương đơn vị thực hiện nghiêm các công điện của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện tỉnh, huyện.
Bên cạnh đó, rà soát lại các phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tại địa phương, đơn vị mình, Sẵn sàng di dời nhân dân ở những nơi nước có khả năng ngập. Lập các chốt ở các điểm bị ngập nước.
Lực lượng Quân sự, Công an bố trí lực lượng túc trực đảm bảo ứng phó với cơn bão. Các ngành Điện lực, Viễn thông, Y tế, Bưu điện đảm bảo các hoạt động diễn ra bình thường. Các trường học phân công cán bộ túc trực, có phương án bảo đảm bảo CSVC. Các cơ quan trực 24/24 h từ chiều 29/8 cho đến hết bão. Các thành viên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện bám sát địa bàn được phân công phụ trách để nắm bắt và xử lý các tình huống do bão gây ra.
Đức Anh
*TX Hoàng Mai: Theo báo cáo nhanh của UBND thị xã Hoàng Mai, đến trưa ngày 29/8, toàn bộ tàu thuyền của ngư dân thị xã Hoàng Mai đã nhận được thông báo về cơn bão số 4 và trở về các bến cảng, khu neo đậu an toàn.
Đầu giờ chiểu nay ( 29/8), trên địa bàn thị xã Hoàng Mai đã bắt đầu mưa to kèm theo gió lớn. Các xã, phường ven biển và Đồn Biên phòng đang tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo an toàn cho tài sản và nghiêm cấm các hộ có đầm hải sản ở lại trên các chòi canh.
Thanh Thủy
*Hưng Nguyên: Để giảm thiểu thiệt hại do bão số 4, nông dân Hưng Nguyên đang tập trung xuống đồng khẩn trương thu hoạch lúa hè thu. Vụ hè thu năm nay Hưng Nguyên sản xuất gần 4.400 ha lúa. Cơ cấu chủ yếu các giống lúa thuần chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn.
Hiện nay lúa chín, bà con đã tập trung thu hoạch; năng suất đạt từ 5,5-6 tấn/ ha. Huyện chỉ đạo bà con đấy nhanh tiến độ thu hoạch để tránh bão số 4 với phương châm xanh nhà hơn già đồng.
Thanh Tâm – Hồng Sơn
*Chiều 29/8, Ban chỉ đạo PCLB và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ huyện Yên Thành đã tổ chức 5 đoàn đi kiểm tra tại các công trình trọng điểm để đánh giá hiện trạng và triển khai các biện pháp ứng phó.
Sau khi kiểm tra thực tế tại một số điểm xung yếu tại đập Sặt xã Tiến Thành và Đập Đồn Húng xã Hùng Thành và đê Vũ Giang xã Khánh Thành, lãnh đạo huyện đã kịp thời bổ cứu một số phương án PCLB, đồng thời yêu cầu các địa phương theo dõi sát tình hình diễn biến của bão; yêu cầu các xã chỉ đạo nhân dân chặt tỉa cây cối, chằng chéo nhà cửa an toàn, nhanh chóng hoàn thành 15 % diện tích lúa hè thu chưa thu hoạch; huy động lực lượng ứng trực tại cơ quan, công sở, đặc biệt tại các hồ đập, điểm đê xung yếu theo phương châm “ 4 tại chỗ”.
Riêng tại xã Tiến Thành, lãnh đạo huyện nhắc nhở đơn vị đang thi công phần hạ lưu Đập Sặt và chính quyền sở tại cần cắt cử người túc trực kiểm tra thường xuyên, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện để sẵn sàng xử lý khi có sự cố xảy ra. Nhằm tránh ngập úng khi có mưa lớn xảy ra, xã Khánh Thành và Liên Thành cũng đang huy động trục vớt bèo tây trên tuyến Đê Vũ Giang.
Trung tâm VHTT&TT Yên Thành
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin