“Tăng tuổi nghỉ hưu không phải vì những người đương chức”
Sáng nay (14/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Việc tăng tuổi nghỉ hưu nhận được nhiều ý kiến tập trung thảo luận.
Cần tham vấn, lấy ý kiến rộng rãi
Bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho biết, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với quy định theo phương án do Chính phủ trình quy định về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, tức là đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60.
Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu còn băn khoăn về quy định nâng tuổi nghỉ hưu so với hiện hành và đề nghị làm rõ về việc quy định chênh lệch tuổi nghỉ hưu (2 tuổi) giữa lao động nam và lao động nữ; đồng thời cũng cho rằng việc quy định này sẽ dẫn đến nhiều tranh luận khác nhau giữa “tuổi nghỉ hưu” và “tuổi nghề”.
Theo cơ quan thẩm tra dự án luật, đề xuất quy định điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 28 của Trung ương và với mục tiêu lâu dài để chủ động chuẩn bị ứng phó với quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh của Việt Nam.
Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần lộ trình điều chỉnh chậm sẽ có tác động tốt hơn đến tâm lý xã hội của người lao động và doanh nghiệp, tránh tác động, phản ứng quá mạnh đối với người lao động và thị trường lao động.
Theo bà Nguyễn Thúy Anh, đến nay, Chính phủ vẫn chưa bổ sung tài liệu làm rõ những kiến nghị về danh mục các công việc, ngành nghề, vị trí việc làm thuộc trường hợp đặc biệt mà người lao động có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn hoặc cao hơn 5 năm theo quy định; chưa đưa ra được cơ sở, bằng chứng khoa học để quy định về khoảng cách tuổi nghỉ hưu (2 tuổi) giữa lao động nam và lao động nữ.
“Đề nghị Chính phủ bổ sung các thông tin cần thiết trên để làm cơ sở, căn cứ để quy định độ tuổi nghỉ hưu cụ thể theo lộ trình hợp lý. Quá trình lấy ý kiến cũng cho thấy, dư luận người lao động chưa có sự đồng thuận cao về quy định tăng tuổi nghỉ hưu, đòi hỏi cần có thời gian để tiếp tục tham vấn, lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng khác nhau và quan tâm hơn công tác truyền thông trong thời gian tới” – bà Nguyễn Thúy Anh nói.
“Không phải tăng để chúng tôi ở lại”
Bày tỏ ủng hộ chính sách mới này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, việc tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề lớn đặt ra nhiều lần. Hiện nay có một số văn bản quy định tuổi nghỉ hưu khác nhau và tăng hơn như tuổi nghỉ hưu trong ngành Viện Kiểm sát, tuổi nghỉ hưu một số chức danh như GS, PGS cũng từ 65– 67…
Hay theo Luật Cán bộ công chức thì tuổi nghỉ hưu của cán bộ cao cấp như Bộ trưởng và tương đương trở lên cũng là 60 trở lên chứ không phải 55 – 60.
“Tuổi nghỉ hưu của người lao động nói chung phải có tầm nhìn dài hạn và tính đến yếu tố già hóa dân số trong tương lai gần, tính đến cân bằng giới, thị trường lao động… Bây giờ chúng ta thể chế hóa cho phù hợp. Theo Chính phủ thì việc tăng có lộ chứ không phải tăng ngay. Tôi ủng hộ chính sách mới này”- ông Uông Chu Luu nêu quan điểm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh, tuổi nghỉ hưu phải tính đến các yếu tố sức khoẻ của người lao động Việt Nam, khả năng làm việc của người lao động, kinh tế lao động gồm thị trường lao động, giải quyết việc làm, an sinh xã hội.
Cùng với đó cũng phải xem đến yếu tố tâm lý xã hội. Đây là vấn đề lớn, Trung ương cho chủ trương nghiên cứu tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, đến 2035 mới có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60 chứ không phải tăng ngay.
“15 năm nữa chứ không phải chúng tôi làm luật này để chúng tôi ở lại, không phải cho những người đương chức để kéo dài thời gian làm việc” – bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh và đề nghị cách làm rõ ràng, bước đi thận trọng và cần thiết phải đánh giá tác động với từng đối tượng cụ thể để báo cáo, thuyết minh trình Quốc hội.
Theo VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin