TV & Video Hoạt động NTV
Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tân Kỳ

11:07, 17/06/2019
Trong những 5 năm qua, diện mạo các bản làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Tân Kỳ đã có nhiều đổi thay, kinh tế xã hội phát triển, bản sắc văn hóa được giữ gìn, tạo nên bức tranh sinh động, tươi sáng. Nhờ biết phát huy nội lực và tranh thủ sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án của cấp trên, đồng bào DTTS ở Tân Kỳ đã bứt phá đi lên, từng ngày xây dựng cuộc sống mới.
Toàn cảnh khởi sắc xã Tân Xuân đạt chuẩn nông thôn mới.

Tân Kỳ có 3 dân tộc anh em chung sống bao gồm Kinh, Thái và Thổ, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 22,7%. Với đặc thù là huyện miền núi, Tân Kỳ có tiềm năng lợi thế về phát triển chăn nuôi đại gia súc nên 5 năm qua bà con đã được chương trình 135 hỗ trợ 636 con bê cái lai sin. Đây là vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương và được các hộ hưởng lợi chăm sóc tốt nên sinh trưởng phát triển nhanh, hiện nay tổng đàn đã tăng đến 1.200 con. Gia đình chị Trương Thị Giao ở xóm Bục xã Đồng Văn là một trong những hộ nghèo được hỗ trợ bò sinh sản, sau 3 năm chăm sóc, bò mẹ sinh thêm được 2 con. Vừa qua gia đình xuất bán 1 con bê thu về 11 triệu đồng. Từ số tiền này chị Giao đã đầu tư chăn nuôi thêm lợn gà để tăng thu nhập. Nhờ đó mà cuối năm 2018 gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo.

Hiệu quả chương trình 135 hỗ trợ chăn nuôi bò tại xã Tân Hợp.

“ Cảm ơn cấp trên đã hỗ trợ cho gia đình 1 con bò, về chăm sóc bò phát triển tốt, đem lại thu nhập đáng kể cho gia đình, từ đó giúp gia đình tôi vươn lên thoát nghèo” -  chị Giao chia sẻ.
5 năm qua, từ chương trình 135, đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Tân Kỳ đã được hỗ trợ gần 13 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Trong đó tập trung hỗ trợ cây con giống và kiến thức khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, giúp bà con nâng cao hiệu quả kinh tế. 

Mô hình trông mía theo hướng công nghiệp ở xã Tân Xuân.

Cùng với hỗ trợ phát triển kinh tế, kết cấu hạ tầng tại các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tân Kỳ cũng đã được đầu tư nâng cấp. Giai đoạn 2015- 2019, 12 xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn huyện Tân Kỳ đã được chương trình 135 đầu tư gần 57,5 tỷ đồng để xây dựng 99 công trình cơ sở hạ tầng chủ yếu là đường giao thông, trường học, kênh mương nội đồng. Các công trình hoàn thành đã giải quyết được nhu cầu bức thiết của người dân các xã, xóm bản đặc biệt khó khăn trong sinh hoạt, sản xuất, học tập, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi.

Những con đường bê tông được xây dựng từ chương trình 135.

Một trong những kết quả nổi bật mà đồng bào dân tộc thiểu số huyện Tân Kỳ đạt được đó là chung sức xây dựng xã, thôn bản đạt chuẩn nông thôn mới. Với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, đồng bào các dân tộc trong huyện đã phát huy nội lực, hiến kế hiến công để hoàn thiện các tiêu chí. Kết quả từ năm 2015 đến năm 2018 các xã có đồng bào dân tộc thiểu số đã hiến 204 nghìn 487 m2 đất, 105.254 ngày công và tự nguyện đóng góp 53 tỷ 607 triệu đồng để làm đường giao thông và các công trình thiết yếu. Nhờ đó đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện Tân Kỳ đã có 19 xóm và 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 2 xã Nghĩa Thái và Tân Xuân có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. 
“ Xã Tân Xuân có 4 xóm đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới bà con đã hưởng ứng tích cực, cùng với chương trình 135 đã góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới của xã, năm 2018 Tân Xuân đạt chuẩn nông thôn mới trước lộ trình đề ra 1 năm” - ông Lê Hồng Văn, Chủ tịch UBND xã Tân Xuân cho biết.

Nghề truyền thống dệt thổ cẩm của chị bản Thái Minh xã Tiên Kỳ vẫn được duy trì phát triển.

Công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm. Những phong tục tập quán tốt đẹp, các trò chơi dân gian truyền thống đã được duy trì tổ chức vào dịp lễ tết, qua đó thể hiện bản sắc riêng của mỗi dân tộc, tăng thêm sự gắn kết cộng đồng, tạo không khí vui tươi phấn khởi để cùng nhau chung sức xây dựng quê hương giàu đẹp. Đặc biệt, những năm gần đây, lễ hội Bươn Xao tại xã vùng sâu Tiên Kỳ được công nhận lễ hội cấp huyện, vào ngày 20/8 âm lịch hàng năm, lễ hội đã thu hút hàng ngàn du khách thập phương về đây tham dự. Lễ hội vừa có ý nghĩa văn hóa tâm linh, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của nhân dân ta, vừa là nơi hội tụ, gắn kết đồng bào các dân tộc. 

Lãnh đạo Huyện ủy Tân Kỳ kiểm tra mô hình hệ thống chính trị vững mạnh tại xã Tiên Kỳ.

Có thể nói, 5 năm qua, các chương trình, chính sách dân tộc đã được cấp ủy chính quyền huyện Tân Kỳ chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời, đúng đối tượng, có trọng tâm trọng điểm nên đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần khơi dậy nội lực nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo. Năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chiếm 15,32% thì năm 2018 giảm xuống còn 6,48%. Trong đó số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số năm 2015 là 4.100 hộ thì nay giảm xuống còn 1.137 hộ. Giá trị thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 22,8 triệu đồng thì năm 2018 tăng lên 28,8 triệu đồng/người, hệ thống chính trị vững mạnh, quốc phòng an ninh luôn được đảm bảo.

Lãnh đạo huyện tham quan mô hình kinh tế tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã Nghĩa Phúc.

"Kết quả đạt được 5 năm qua khá toàn diện, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, tạo nên khởi sắc cho vùng quê. Thời gian tới, chúng tôi sẽ lãnh đạo chỉ đạo các địa phương tiếp tục phát huy hiệu quả các chính sách, đề án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có chương trình 135, thứ hai nữa là chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị bởi các địa phương có quỹ đất rộng, nguồn lao động dồi dào, thứ ba là tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chú trọng công tác xuất khẩu lao động, thứ tư là chú trọng công tác đào tạo cán bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thứ năm là khuyến khích phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và chú trọng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa" - ông Hoàng Quốc Việt- Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ nêu giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

 Xã Tân Xuân đón nhận bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Nhìn lại chặng đường 5 năm với những con số ấn tượng 2.963 hộ thoát nghèo, 99 công trình thiết yếu được đầu tư xây dựng, 2 xã về đích nông thôn mới, 3 cấp học mầm non, tiểu học, THCS đạt chuẩn phổ cập giáo dục... Đó là kết quả kết tinh từ sự đồng thuận trong đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Tân Kỳ, đồng thời khẳng định ý nghĩa chương trình 135, chính sách dân tộc thực sự góp phần khai sáng, thúc đẩy sự phát triển toàn diện tại các bản làng. Kết quả đó sẽ củng cố thêm niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số vào sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước, cấp ủy chính quyền địa phương, bà con hăng say lao động sản xuất, cải thiện cuộc sống, góp phần xây dựng quê hương Tân Kỳ vững về chính trị, giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa và mạnh về quốc phòng, an ninh, xứng tầm là huyện khá ở miền Tây Nghệ An./.

Cẩm Tú - Trọng Hùng
 

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm