Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Dân số Việt Nam hơn 96 triệu người, là nước đông dân thứ 15 thế giới

08:22, 12/07/2019
Tính đến 0h ngày 1-4-2019, dân số Việt Nam đạt 96.208.984 người, trở thành quốc gia đông dân thứ 15 thế giới, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á sau Indonesia, Philippines.
Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số cao trên thế giới - Ảnh: TT
Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số cao trên thế giới - Ảnh: TT

Số liệu được Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương công bố tại hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố kết quả sơ bộ tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tổ chức ngày 11-7.

Dân số cả nước đạt 96,2 triệu người

Số liệu công bố cho thấy trong tổng dân số 96.208.984 người, nam giới 47.881.061 người (49,8%), nữ giới 48.327.923 người (50,2%).

Sau 10 năm (2009-2019) quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Tỉ lệ tăng dân số bình quân là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 1989-2009, tăng khoảng 1,18 triệu người/năm.

Kết quả tổng điều tra năm 2019 cũng cho thấy Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số cao so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Năm 2019, mật độ dân số cả nước đạt 290 người/km2, tăng 31 người/km2 so với năm 2009.

Hai thành phố có mật độ dân số cao trong cả nước là Hà Nội 2.398 người/km2và TP.HCM 4.363 người/km2. Mật độ dân số của 2 trung tâm kinh tế xã hội này cao gấp hơn 10 lần so với mật độ chung của cả nước.

Đồ họa: NGỌC THÀNH
Đồ họa: NGỌC THÀNH

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, kết quả tổng điều tra ghi nhận cả nước có khoảng 91,7% dân số trong độ tuổi đi học phổ thông hiện đang đi học. Tỉ lệ dân số trong độ tuổi đi học không đi học giảm từ 16,4% (năm 2009) xuống 8,3% (năm 2019).

Tỉ lệ dân số trong độ tuổi đi học hiện không đi học ở khu vực nông thôn cao gấp 1,7 lần so với thành thị. Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long là các vùng có tỉ lệ dân số thuộc nhóm này cao nhất cả nước, tỉ lệ trẻ em không đi học mỗi vùng là 13,3%.

Cũng theo ông Lâm, tỉ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học nhưng không đến trường ở vùng Đồng bằng sông Hồng thấp nhất cả nước, khoảng 3,2%. Tỉ lệ biết chữ của dân số từ 15 tuổi trở lên năm 2019 là 95,8%, tăng 1,8 % so với năm 2009.

Bộ trưởng Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: ĐT
Bộ trưởng Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: ĐT

Còn 4.800 hộ gia đình không có nhà ở

Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở cả nước cũng cho thấy tổng số hộ gia đình cả nước đạt 26.870.079 hộ, tăng 4,4 triệu hộ sau 10 năm. Tỉ lệ tăng số hộ dân cư giai đoạn 2009 - 2019 là 18,0%, bình quân tăng 1,8%/năm.

Về nhà ở, trong tổng số 26,9 triệu hộ dân cư vẫn còn 4.800 hộ không có nhà ở. Tính trung bình cứ 10.000 hộ dân có khoảng 1,8 hộ không có nhà ở.

Tình trạng hộ gia đình không có nhà ở đang dần được cải thiện qua hai thập kỉ, từ mức 6,7 hộ/10.000 hộ (năm 1999) xuống còn 4,7 hộ/10.000 hộ (năm 2009) và đến năm 2019 còn 1,8 hộ/10.000 hộ.

Kết quả sơ bộ Tổng điều tra năm 2019 cho thấy, trong 20 năm qua, điều kiện nhà ở của các hộ dân cư đã được cải thiện rõ rệt, đặc biệt ở khu vực thành thị. Có 93,1% hộ dân cư đang sống trong các ngôi nhà kiên cố hoặc bán kiên cố.

Trong vòng 20 năm qua, kể từ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999, tỉ lệ hộ sống trong nhà ở kiên cố và bán kiên cố đã tăng nhanh.

"Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy các chính sách phát triển nhà đã được thực hiện tốt và có hiệu quả trong thời gian qua, góp phần cải thiện điều kiện sống của người dân" - ông Lâm nhấn mạnh.

Diện tích nhà ở bình quân đầu người năm 2019 là 23,5 m2/người, cao hơn 6,8 m2/người so với 10 năm trước.

Diện tích nhà ở bình quân đầu người khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn, tương ứng là 24,9 m2/người và 22,7 m2/người.

Tuy nhiên, vẫn còn 6,9% hộ dân cư đang sống trong nhà thiếu kiên cố hoặc đơn sơ.

Đặc biệt, có khoảng 1,4 triệu hộ với khoảng 5 triệu người đang sống trong các nhà đơn sơ là đối tượng cần được quan tâm trong các chính sách cải thiện nhà ở thời gian tới.

Theo TTO

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm