Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nghệ An khai giảng năm học đặc biệt, truyền hình trực tiếp từ Trường THPT chuyên Phan Bội Châu

10:00, 05/09/2021
Sáng 5/9, cùng với nhiều tỉnh, thành trên cả nước, Nghệ An tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2021 - 2022 tại 1 điểm trường duy nhất, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, TP Vinh, được truyền hình trực tiếp trên kênh NTV và các hạ tầng mạng của Đài PTTH Nghệ An để học sinh toàn tỉnh theo dõi. Đây là lễ khai giảng đặc biệt chưa từng có trong tiền lệ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Dự lễ có đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; các đồng chí trong BTV Tỉnh uỷ: Nguyễn Nam Đình - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Thu Hường - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Võ Thị Minh Sinh - Chủ tịch UBMTTQ tỉnh; các đồng chí trong BCH Đảng bộ tỉnh Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; GS-TS Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo; cùng đại diện thầy, cô Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và học sinh các cấp học trên địa bàn TP Vinh.

Các đại biểu dự lễ khai giảng.
Các đại biểu dự lễ khai giảng.

Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, vì vậy, tỉnh Nghệ An quyết định tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2021 - 2022 chung tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (TP Vinh); đồng thời truyền hình trực tiếp trên kênh truyền hình NTV và các hạ tầng mạng gồm fanpage: Truyền hình Nghệ An, Nghệ An TV; YouTube: Nghệ An TV của Đài Phát Thanh và Truyền hình tỉnh.

Qua chương trình truyền hình trực tiếp, hơn 850.000 học sinh và hàng nghìn giáo viên trong toàn tỉnh cùng theo dõi. Từ đó, tạo động lực để toàn ngành vượt qua khó khăn, dịch bệnh về cố gắng để có một năm học thành công, đạt nhiều thành tích.

Toàn cảnh lễ khai giảng.
Toàn cảnh lễ khai giảng.
 
Học sinh huyện Nghĩa Đàn theo dõi lễ khai giảng qua ti vi. Ảnh: Minh Thái

Đúng 8h sáng 5/9, buổi lễ bắt đầu và diễn ra trong 30 phút với các nghi thức: chào cờ, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, đọc thư Chủ tịch nước, diễn văn khai giảng, phát biểu của lãnh đạo tỉnh và đánh trống khai trường. 

PGS-TS Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đọc thư của Chủ tịch nước.
GS-TS Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đọc thư của Chủ tịch nước nhân dịp năm học mới.

Đọc thư của Chủ tịch nước nhân dịp năm học mới, GS-TS Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo nhấn mạnh:

"Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, nhiều học sinh, sinh viên đã trải qua những tháng ngày hết sức khó khăn do phong tỏa, giãn cách.

Việc học trực tuyến còn những hạn chế, bất cập và không đồng bộ, nhất là vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, những gia đình thiếu các điều kiện, phương tiện để học trực tuyến.

Tất cả chúng ta đều rất lo lắng và đồng cảm khi chứng kiến cảnh những F0, F1 là các cháu nhỏ trong độ tuổi đi học, thậm chí là bậc mẫu giáo, những thiếu niên, nhi đồng phải rời gia đình, làng xóm để đi điều trị hoặc cách ly tập trung; do vậy đã bị ngắt quãng việc học.

Chủ tịch nước đề nghị ngành Giáo dục, cùng các ngành, các cấp cần lưu ý, có những hành động tương xứng với tình hình dịch bệnh và có những biện pháp giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực, đặc biệt là nguy cơ một số học sinh, sinh viên bị tụt hậu so với các bạn đồng trang lứa.

Nhiều trường học trên địa bàn Thủ đô phối hợp với Đoàn thanh niên sở tại, để hỗ trợ chuyển SGK tới học sinh trước ngày khai giảng năm học mới. 

Hơn bao giờ hết, toàn xã hội, cả hệ thống chính trị cần sát cánh hơn nữa, lắng nghe, thấu hiểu và chung tay hành động cùng với ngành Giáo dục vì tương lai của đất nước, vì tương lai con em chúng ta.

Đại diện học sinh theo dõi trực tiếp tại buổi lễ.

Tuy nhiên, như lịch sử đã chứng minh, không có thách thức nào có thể vượt cao hơn tinh thần hiếu học, không khó khăn nào có thể làm chùn bước ý chí phấn đấu, quyết tâm mài dùi kinh sử, chinh phục tri thức để làm rạng danh tiên tổ, để phụng sự đất nước của dân tộc Việt Nam trong suốt hàng ngàn năm văn hiến.

Vì vậy, với các em học sinh, sinh viên, trong bối cảnh nhiều thử thách này, Chủ tịch nước muốn nhắc lại niềm tin yêu, hy vọng của Bác Hồ kính yêu đối với học sinh, sinh viên cả nước, ngay từ buổi đầu lập quốc vào năm 1945:

“Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.”

Quyết tâm cho năm học 2021-2022 và xa hơn của tất cả chúng ta, không riêng gì ngành Giáo dục, là không để một trẻ em nào, đặc biệt là các em ở vùng dịch, vùng sâu, vùng xa, những em có hoàn cảnh khó khăn, bị mất hoàn toàn cơ hội học tập vì đại dịch và càng không để nền giáo dục Việt Nam, vì dịch bệnh mà không thể hoàn thành cam kết, trọng trách, sứ mệnh của mình trước Tổ quốc và Nhân dân.

Bước vào năm học mới 2021-2022, tôi mong muốn ngành Giáo dục tiếp tục "tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài" như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Xây dựng, triển khai kế hoạch năm học linh hoạt, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, sinh viên, giáo viên, vừa hoàn thành chương trình giáo dục được thiết kế phù hợp với môi trường số hoá và thích ứng với mọi diễn biến dịch bệnh.

Toàn xã hội, ngành Giáo dục, các bậc phụ huynh luôn chăm lo, nhắc nhở các em học sinh, sinh viên; đồng thời mỗi người phải là tấm gương cho con trẻ noi theo trong công tác phòng, chống dịch; các ngành, các cấp cùng 63 tỉnh, thành phố trong cả nước cần đảm bảo thực hiện an toàn, đầy đủ và hiệu quả việc tiêm chủng vắc-xin và 5K."

Phó Bí thư Trường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Thông đánh trống khai giảng năm học mới.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Thông đánh trống khai giảng năm học mới.

Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ đã đánh trống khai giảng năm học mới, một năm học lịch sử với những thay đổi để thích ứng với tình hình dịch bệnh.

Phát biểu tại lễ khai giảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Thông một lần nữa nhấn mạnh đây là lễ khai giảng đặc biệt chưa từng có trong lịch sử, tổ chức theo hình thức trực tuyến trong phạm vi toàn tỉnh, bởi tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp. Đại dịch đã tác động sâu sắc tới mọi mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp dạy học trong 2 năm qua. Có những thời điểm tưởng chừng công tác dạy học sẽ bị ngưng trệ hoàn toàn, dài lâu, nhưng với quyết tâm, nỗ lực rất cao trong công tác phòng, chống dịch và quyết định mạnh dạn nhưng chính xác, sáng suốt, triển khai các biện pháp linh hoạt của ngành giáo dục, và sự cố gắng của cấp uỷ, chính quyền các cấp, cùng sự đồng lòng của các phụ huynh và học sinh, Nghệ An đã kết thúc năm học với những kết quả đáng ghi nhận, tự hào, chất lượng giáo dục toàn diện, tiếp tục giữ vững top đầu toàn quốc về số lượng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 5 HCV, HCB tại các cuộc thi khu vực, quốc tế; 81 học sinh giỏi Quốc gia; và nhiều giải thưởng khác cấp quốc gia. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, Nghệ An tăng 7 bậc so với năm học trước, nhiều em đạt thủ khoa, á khoa... có 32 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Thông phát biểu tại lễ khai giảng.

"Năm học 2021 - 2022 được bắt đầu bằng thử thách rất lớn cần phải giải quyết, đó là tiến hành các hoạt động dạy học trong bối cảnh dịch Covid-19 lan nhanh, những biến thể nguy hiểm đe doạ làm gián đoạn các hoạt động xã hội bất cứ lúc nào, đe doạ đến sự an toàn sức khoẻ, tính mạng của bất kì ai. Đành rằng bảo vệ sức khoẻ của nhân dân là trên hết nhưng chúng ta không thể chủ động ngồi chờ. Chúng tôi và tất cả chúng ta rất lo lắng cho sự an toàn của các cháu, nhưng cũng không thể để các cháu thất học, phải tiếp cận vấn đề theo hướng tích cực nhất trong từng hoàn cảnh cụ thể để sự nghiệp giáo dục tiến về phía trước", đồng chí Nguyễn Văn Thông nêu rõ.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Thông mong muốn, cấp uỷ, chính quyền phải hết sức quan tâm, dành những điều tốt đẹp, thuận lợi nhất về tinh thần, vật chất cho sự nghiệp dạy học của giáo dục tỉnh nhà; các tầng lớp nhân dân, phụ huynh tiếp tục đồng lòng, tin tưởng, sẻ chia, thấu hiểu, triệt để khắc phục tâm lý "khoán trắng" việc giáo dục con trẻ cho nhà trường, cùng ghé vai chung sức với ngành giáo dục để vượt qua khó khăn, bởi vai trò của gia đình, xã hội là một thành tố quan trọng quyết định chất lượng và kết quả giáo dục. Đối với các cơ sở giáo dục, đội ngũ giáo viên, cán bộ, nhân viên ngành giáo dục tiếp tục phát huy tính linh hoạt, sáng tạo, khoa học trong công tác quản lý cũng như trong công tác truyền thụ kiến thức trong sự nghiệp trồng người cao cả. Việc tổ chức dạy học trong các tình huống đặc biệt như dịch bệnh, lũ lụt phải phù hợp với từng vùng, thậm chí từng nhóm học sinh.

"Đối với các cháu học sinh, khi cắp sách tới trường là đứng trước sự kỳ vọng, những mong muốn của người lớn, đứng trước sức ép từ chương trình, phương pháp ở đâu đó chưa hoàn toàn thích hợp với từng cháu, từng hoàn cảnh. Các cháu phải vượt qua những khó khăn riêng để thực hiện những mục tiêu chung của trường, lớp, thậm chí của địa phương. Nhưng nếu tất cả chúng ta, các bậc phụ huynh, nhà trường và bản thân các cháu học sinh nâng tầm áp đặt theo tiêu chuẩn cũ, suy nghĩ cũ, không chạy theo thành tích, hư danh thì sự học của các cháu sẽ diễn ra hoàn toàn khác: thoải mái, hào hứng mà vẫn hiệu quả. Người lớn sẽ không áp đặt cho các cháu nữa, nhưng các cháu phải biết chấp nhận thử thách để từ đó tìm cách vượt qua, phải tự tìm ra lời giải trong từng tình huống để hình thành và trau dồi kỹ năng sống và xa hơn nữa để sáng tạo. Các cháu hãy phát huy mạnh mẽ truyền thống hiếu học của người xứ Nghệ để vượt qua những thách thức phía trước", Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Thông căn dặn.

Lãnh đạo tỉnh hỏi thăm các cháu học sinh tại lễ khai giảng..
Lãnh đạo tỉnh hỏi thăm các cháu học sinh tại lễ khai giảng.

Từ ngày mai (6/8), các cấp học và các địa phương sẽ chính thức bước vào năm học mới, tổ chức dạy học trực tuyến cho các cấp học từ tiểu học đến THPT theo ba khung giờ khác nhau. Trong đó, cấp Tiểu học sẽ dạy  từ 17h đến 21h hàng ngày. Riêng trong ngày thứ Bảy và Chủ nhật có thể học vào các khung giờ khác sau khi có sự thống nhất với cha mẹ học sinh. Đối với cấp THCS: từ 7h đến 12h hàng ngày và  cấp THPT: từ 13h đến 17h và sau 21h hàng ngày. 

Tùy điều kiện cụ thể của từng đơn vị, của phụ huynh và học sinh từng lớp, Hiệu trưởng nhà trường chủ động, linh hoạt sử dụng nhiều giải pháp, hình thức tổ chức dạy học sau: trực tuyến, trực tuyến kết hợp với trực tiếp, hay các giải pháp khác như giao bài trực tiếp, phiếu giao bài, qua zalo, messenger… để hoàn thành chương trình.

Toàn tỉnh Nghệ An chưa tổ chức học tập trung cho tất cả các cấp học. Thống kê hiện nay, Nghệ An cũng đang còn 508 trường phải sử dụng để làm khu cách ly tập trung tại 20/21 huyện, thành, thị (trừ thị xã Cửa Lò), trong đó có 292 trường mầm non, 138 trường tiểu học và 77 trường THCS) và 1 Trung tâm GDNN-GDTX.

Trước thềm năm học mới, Nghệ An cũng đang còn hàng chục học sinh và giáo viên phải điều trị tại các bệnh viện dã chiến; hàng trăm giáo viên, học sinh thuộc diện F1 và F2 đang phải cách ly tập trung hoặc giám sát tại nhà.

 

 

 

Thuỳ Dương - Hữu Hoàng

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm