Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nông dân Tân Kỳ làm giàu từ trồng keo nguyên liệu

09:10, 26/11/2019
Tân Kỳ là huyện miền núi có diện tích đất lâm nghiệp gần 35.000 ha, với tiềm năng đó, những năm qua cấp ủy chính quyền huyện Tân Kỳ đã khuyến khích các địa phương phát triển kinh tế rừng để tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, vừa tăng độ che phủ rừng trên địa bàn. Nhờ vậy, hiện nay nhiều hộ dân đã thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng.
Thời điểm này bà con tập trung khai thác keo.

Được Đảng ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động về lợi ích phát triển kinh tế từ rừng, gia đình chị Nguyễn Thị Hiền ở xóm Tân Văn xã Nghĩa Dũng đã cải tạo diện tích đất hoang hóa, đầu tư mua cây giống để trồng. Sau nhiều năm vất vả cải tạo, gia đình chị đã có 1,9 ha diện tích đất lâm nghiệp để trồng keo nguyên liệu tại đồi Khe Đá. Hiện nay đã đến kỳ thu hoạch, gia đình xuất bán đem về nguồn thu nhập khá. Chị cho biết cứ mỗi ha trồng keo chi phí ban đầu giống, phân bón, công trồng, chăm sóc năm đầu và năm thứ 2 với tổng đầu tư 10 triệu đồng. Từ năm thứ 3 không phải chăm sóc mà đến năm 5 năm trở lên là đến kỳ khai thác. 

“Trên đất đồi này thì chỉ trồng keo là phù hợp và cho hiệu quả kinh tế cao. Làm nông nghiệp vưa đủ gạo ăn nên trồng keo thì 5 năm có khoản thu, xem đó là khoản tiết kiệm để lo việc lớn trong gia đình" - chị Hiền chia sẻ.

Từ thu hoạch keo đã tạo việc làm thời vụ cho hàng trăm lao động địa phương.

Không những gia đình chị Hiền mà hiện nay nhiều hộ dân ở xã Nghĩa Dũng phát triển kinh tế rừng. Bởi địa phương có diện tích đất lâm nghiệp 3.900 ha, chủ yếu rừng sản xuất, bà con tập trung trồng keo nguyên liệu. Riêng năm 2019, địa phương có 175 ha rừng keo đến kỳ cho khai thác, với tổng hơn 14.000 m3 gỗ, đưa về doanh thu hơn 12 tỷ đồng cho bà con nông dân. Trao đổi với chúng tôi, Ông Trần Văn Luyến- Công chức địa chính nông lâm xã Nghĩa Dũng huyện Tân Kỳ cho biết.“Với lợi thế của địa phương, những năm qua cấp ủy chính quyền đã khuyến khích người dân trồng rừng nguyên liệu, hiện nay địa phương đang tổ chức thành lập các tổ liên kết trồng rừng để cung ứng cây giống đảm bảo chất lượng cũng như tìm đầu ra cho nguyên liệu để bà con yên tâm gắn bó trồng rừng.”

Thu hoạch keo trải qua các công đoạn cưa cây, bóc vỏ... nên cần nhiều lao động

Trên địa bàn huyện Tân Kỳ hiện nay nhiều địa phương đã phát triển kinh tế rừng. Đến thời điểm này, toàn huyện có gần 30.000 ha rừng sản xuất, trong đó diện tích rừng trồng keo nguyên liệu chiếm phần lớn. Riêng năm 2019, bà con đã khai thác 675 ha, với khối lượng gồ ước đạt 54.000 m3, tổng doanh thu hơn 54 tỷ đồng. Trung bình mỗi ha đạt giá trị kinh tế 80 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư thu về lãi ròng 70 triệu đồng.  

Trung bình mỗi ha keo xuất bán được 80 triệu đồng.

Theo bà con, trồng rừng keo nguyên liệu cần ít vốn đầu tư và chỉ vất vả trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, làm cỏ, phát quang từ 1 đến 2 đợt/năm và chỉ trong 2 năm đầu chăm sóc là chờ đến thời kỳ khai thác. Với nhiều hộ trồng rừng, bà con trồng xen kẽ giữa các năm nên năm nào cũng có keo xuất bán và đảm bảo độ che phủ rừng. Hiện nay, trung bình mỗi năm bà con Tân Kỳ trồng mới hơn 1.000 ha rừng các loại. Như vậy với diện tích rừng nguyên liệu ngày càng mở rộng, bà con Tân Kỳ mong muốn có nơi tiêu thụ ổn định, yên tâm sản xuất.

Các hộ xuất bán rừng keo cho các thương lái rồi các thương lái thuê bà con thu hoạch, trung bình mỗi lao động có thu nhập từ 200 đến 300 nghìn đồng ngày

“Tân Kỳ có lợi thế phát triển cây keo nguyên liệu và thời gian qua UBND tỉnh Nghệ An đã có chủ trương quy hoạch gần 30.000 ha rừng nguyên liệu cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên đến nay các doanh nghiệp chưa đi vào hoạt động, người dân chưa nhận được sự phối hợp giữa các doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất phát triển lâm nghiệp bởi vậy kính đề nghị các cấp các ngành quan tâm khuyến khích các doanh nghiệp sớm  đầu tư để phát triển bền vững kinh tế rừng” - ông Nguyễn Công Trung, Trưởng Phòng NN&PT Nông thôn huyện Tân Kỳ trao đổi.

Nhiều hộ nông dân Tân Kỳ giàu lên nhờ trồng keo nguyên liệu.

Hiệu quả kinh tế từ trồng rừng được khẳng định trong những năm qua, đã giúp bà con Tân Kỳ có nguồn thu nhập khá, cải thiện cuộc sống, đảm bảo độ che phủ rừng. Bởi vậy các cấp, các ngành cần đẩy nhanh việc thực hiện xây dựng cơ sở tiêu thụ nguyên liệu gỗ tại địa bàn để bà con tiếp tục mở rộng diện tích trồng rừng, bù lại diện tích đã khai thác nhằm tạo vùng nguyên liệu tập trung làm nền tảng cho việc phát triển kinh tế rừng bền vững.

Cẩm Tú - Trọng Hùng

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm