Kinh tế - xã hội Nghệ An năm 2019 phát triển toàn diện
Sáng nay (10/12), tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trình bày báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019; nhiệm vụ năm 2020.
26/27 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cho biết, năm 2019 mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhất là thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp và gây hậu quả nặng nề nhưng tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 9,03%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 43,08 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.
Thu ngân sách ước đạt 15.500 tỷ đồng, đạt 114,8% dự toán và tăng 10,2% so với thực hiện năm 2018. Chi ngân sách năm 2019 ước đạt 24.945,44 tỷ đồng, đạt 102,5% dự toán.
Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp vẫn giữ được mức tăng trưởng khá. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh và dần đi vào thực chất, đem lại kết quả tích cực. Tổng sản lượng lương thực cả năm ước đạt 1,214 triệu tấn. Các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm khống chế, ngăn chặn Dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên diện rộng. Diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 18.500 ha, tăng 8,8%; sản lượng khai thác gỗ ước đạt 1.200 ngàn m3, tăng 24,82%. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 220 ngàn tấn, tăng 8,73%.
Năm 2019, Nghệ An dự kiến có thêm 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới; nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của toàn tỉnh lên 258 xã, chiếm 59,9% tổng số xã.
Giá trị sản xuất công nghiệp ước tăng 16,4%. Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp có mức tăng khá như xi măng, bia đóng chai, sữa chua, phân bón, thức ăn gia súc,... Một số dự án khánh thành đưa vào hoạt động như: Cảng kho xăng dầu DKC (1.400 tỷ đồng), Nhà máy chế biến nước tinh khiết, nước hoa quả và thảo dược Núi Tiên (1.177 tỷ đồng), Nhà máy điện tử Em-Tech (11,82 triệu USD), Nhà máy sản xuất viên nén sinh khối Biomass Fuel Việt Nam (28,3 triệu USD),... Ngành điện tập trung đảm bảo nguồn điện phục vụ sản xuất kinh doanh; hệ thống phân phối, truyền tải điện được tập trung đầu tư.
Huy động nguồn vốn đầu tư toàn xã hội tăng mạnh so với các năm trước, ước đạt 76 ngàn tỷ đồng, tăng 8,57%. Tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và thi công các dự án, nhất là các dự án trọng điểm như: Dự án đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò (giai đoạn 1), các dự án tại Cảng Hàng không Quốc tế Vinh, Cảng Cửa Lò, cầu Cửa Hội, dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, đường Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền, đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Nghệ An...
Lĩnh vực thương mại, du lịch, thông tin truyền thông, vận tải, tài chính ngân hàng tiếp tục có mức tăng trưởng tốt.
Công tác đối ngoại, xúc tiến và thu hút đầu tư tiếp tục được quan tâm, tăng cường chỉ đạo với nhiều đổi mới, thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm. Tỉnh đã chủ động tìm đến các nhà đầu tư chiến lược; phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng tổ chức xúc tiến đầu tư nhằm quảng bá và kêu gọi các nhà đầu tư vào tỉnh những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế.
Tính đến ngày 31/10/2019, trên địa bàn tỉnh đã cấp mới cho 89 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 10.134,43 tỷ đồng, tăng gấp 1,15 lần tổng số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018; điều chỉnh 09 lượt dự án, với tổng vốn đầu tư điều chỉnh tăng 679,29 tỷ đồng. 16 dự án đã có quyết định thu hồi trong năm 2019.
Năm 2019, toàn tỉnh đã thành lập mới 1.505 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký là 13.776 tỷ đồng, tăng 32% cùng kỳ; có 517 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng đến nay đạt 99,73%, cao nhất cả nước.
Các lĩnh vực văn hoá - xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực với nhiều kết quả đáng phấn khởi. Công tác lao động, việc làm, an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt; giải quyết việc làm mới khoảng 38 ngàn lao động.
Công tác quy hoạch, quản lý xây dựng, đô thị, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được tăng cường chỉ đạo quyết liệt. Chỉ đạo chấn chỉnh công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, kiểm tra giám sát việc xây dựng theo quy hoạch được duyệt, đặc biệt là đối với các dự án phát triển nhà ở, chung cư cao tầng.
UBND tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện Năm cải cách hành chính, tạo điều kiện phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, góp phần xây dựng chính quyền hoạt động hiệu lực và hiệu quả; Thực hiện tốt các nhiệm vụ quân sự - quốc phòng địa phương trên địa bàn tỉnh; Đẩy mạnh đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, lãng phí được thực hiện nghiêm túc, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Các nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2020
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh nhấn mạnh, năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020 và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2020 đặt ra các chỉ tiêu chủ yếu:
- Chỉ tiêu kinh tế: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) khoảng 9,0%-10%; tỷ trọng nông, lâm, ngư chiếm khoảng 20-21%, công nghiệp - xây dựng khoảng 33-34%; dịch vụ khoảng 45-46%; Thu ngân sách khoảng 15.216 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD; Tổng nguồn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 84-85 ngàn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người khoảng 46-47 triệu đồng; có thêm 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
- Chỉ tiêu xã hội: Tạo việc làm mới 37-38 ngàn người; Mức giảm tỷ lệ sinh 0,3-0,4‰; tỷ lệ hộ nghèo còn 3,0%; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng 16,8%; Số trường đạt chuẩn quốc gia trong năm là 25 trường; Tỷ lệ lao động được đào tạo 65% (trong đó qua đào tạo nghề là 61%); tỷ lệ xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế 91%; 8,5 bác sỹ/vạn dân; 34,4 giường bệnh/vạn dân; Tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ 90%; Tỷ lệ gia đình văn hóa 84%; Tỷ lệ xã có thiết chế văn hóa thể thao đạt chuẩn quốc gia 60%; Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế 90,6%; Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động 16,09%.
- Chỉ tiêu môi trường: Tỷ lệ dân nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh 85%; Tỷ lệ dân số đô thị được dùng nước sạch: đối với đô thị loại 4 trở lên là 90%, đô thị loại 5 là 80%; Tỷ lệ che phủ rừng 58,2%; Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom, xử lý 95%.
Về nhiệm vụ và giải pháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cho biết, tỉnh tập trung đánh giá, rà soát mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị; xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội XIII của Đảng.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tập trung khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh, bền vững. Thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, đảm bảo thực chất. Tiếp tục triển khai hiệu quả các dự án công nghiệp, nhất là các dự án có thể cho sản phẩm vào năm 2020. Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các Khu Công nghiệp VSIP, Hemaraj, Hoàng Mai,... để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ: thương mại, du lịch, vận tải, thông tin truyền thông, tài chính ngân hàng.
Tăng cường công tác đối ngoại; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh; đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư; kiên quyết chấm dứt và thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ không có lý do chính đáng và nhà đầu tư không đủ năng lực thực hiện, tạo điều kiện để các nhà đầu tư khác có năng lực tiếp cận đất đai, đặc biệt là các khu vực đô thị như Vinh, Cửa Lò.
Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tập trung cho đầu tư phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên cơ sở thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương về cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công.
Rà soát để sửa đổi, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách cùng với việc xây dựng Kế hoạch 5 năm 2021-2025 đồng bộ để thực hiện có hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo.
Thực hiện tốt các lĩnh vực văn hoá - xã hội, chăm lo đời sống cho người dân, bảo đảm tốt an sinh xã hội; Thực hiện có hiệu quả công tác quản lý tài nguyên và môi trường, thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp; Đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Nghệ An; Đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; Tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường đối thoại với nhân dân.