Chàng trai quê lúa làm nên thương hiệu dược liệu Pù Mát
Vạn sự khởi đầu nan
Vừa mời khách thưởng thức chén trà nóng mang hương vị đậm đà đặc biệt, anh Phan Xuân Diện vừa kể về chặng đường khởi nghiệp đầy gian nan của mình. Năm 2015, lúc đó anh đang là Phó phòng NN&PTNT huyện Con Cuông, được tham gia Hội thảo “Phát triển cây dược liệu thành cây chiến lược của Nghệ An” do tỉnh tổ chức. Sau khi tham dự xong cuộc hội thảo, anh nhận thấy cây dược liệu rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở Con Cuông nói riêng và miền Tây Nghệ An nói riêng, từ đó anh đã đề xuất 1 dự án về trồng cây dược liệu ở Con Cuông. Dự án nhanh chóng được UBND tỉnh phê duyệt, hỗ trợ về chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, hỗ trợ giống và 1 phần phân bón. Đến đầu năm 2016, anh Phan Xuân Diện cùng với các anh chị em ngày xưa cùng làm ở Văn phòng Điều phối Nông thôn mới của huyện, bao gồm kỹ sư Lộc Văn Ngọc, kỹ sư Lương Văn Cảnh và cử nhân Nguyễn Thị Thu Hiền quyết tâm bắt tay vào trồng dược liệu, xây dựng thương hiệu dược liệu Pù Mát.
Khu vực trồng cây cà gai leo theo tiêu chuẩn GACP. |
Khi trồng những lứa dược liệu đầu tiên, do kinh nghiệm chưa có, gần như quy trình kỹ thuật anh và các cộng sự phải tự mày mò nên đã gặp thất bại nặng nề. Bên cạnh đó, do đơn vị chuyển giao kỹ thuật trồng dược liệu không nắm rõ được thổ nhưỡng và đặc điểm đất đai địa hình của vùng núi Con Cuông cho nên đã hướng dẫn mật độ trồng quá thưa, cây cách cây 40x40cm, hàng cách hàng 40x40cm. Trong khi, chất đất ở đây quá tốt vì vậy cỏ dại phát triển tốt hơn cả cây dược liệu. Hơn nữa, kỹ thuật trồng cũng chưa quen, dẫn tới cây chết hàng loạt, 3ha cà gai leo và 1ha cây đinh lăng không có thu hoạch. Chưa kể, tiền công chăm sóc và thu hoạch, nhất là công thuê làm cỏ quá cao, lợi nhuận thu về không bằng tiền công. Vậy là năm đầu tiên anh mất trắng 500 triệu đồng.
Anh Phan Xuân Diện kiểm tra diện tích trồng cà gai leo. |
Thất bại trong lần trồng đầu tiên, không nản chí anh Diện và các cộng sự nghiêm túc ngồi lại bàn bạc, tìm hiểu nguyên nhân và bắt đầu xây dựng lại quy trình trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và địa hình đất dốc như ở đây. Cuối cùng anh xác định lại được mật độ trồng cây cách cây 25x25cm, hàng cách hàng 30x30cm, đặc biệt yêu cầu khi trồng phải phủ nilon cho cây, bởi nơi đây địa hình đồi núi dốc. Nếu không phủ nilon, vào mùa mưa sẽ gây xói mòn, mùa hè thì khô nóng, dẫn tới hiện tượng bốc hơi nước không giữ được độ ẩm cho cây. Một khó khăn nữa mà anh và mọi người không lường được hết, đó là do bố trí mật độ trồng dày trong khi cà gai leo có rất nhiều gai, gây trở ngại khi đi lại giữa các luống, dẫn đến chi phí công tưới nước cực lớn. Để giải quyết khó khăn này, anh và các cộng sự có một quyết định táo bạo, đầu tư một hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại. Chính nhờ mạnh dạn áp dụng 1 quy trình mới và hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn GACP (Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc), đến năm 2017 năng suất cây trồng cao hơn hẳn và chi phí sản xuất đã giảm một cách đáng kể, chất lượng dược liệu cũng tốt hơn trước.
Anh Phan Xuân Diện bên khu vực trồng dây thìa canh theo tiêu chuẩn GACP. |
Ý tưởng táo bạo
Sau 6 tháng lăn lộn, đến tháng 7/2015, anh đã thu hoạch những lứa dược liệu đầu tiên. Lúc này, các đơn vị hứa thu mua, với nhiều lý do đã từ chối không mua. Thời điểm đó, dược liệu chất trong kho hàng tấn. Bài toán hóc búa đặt ra cho anh và các cộng sự là làm sao phải nhanh chóng giải phóng được số sản phẩm này. Vấn đề đặt ra ở đây mới chỉ là lứa đầu tiên, mỗi năm thu hoạch 2-3 lứa như thế thì khâu tiêu thụ sẽ ra sao? Bởi dược liệu khác tất cả các nông sản khác. Nếu không có nhà máy tiêu thụ thì thị trường cũng không thu mua. Còn để sản phẩm tươi, phục vụ nhu cầu uống hàng ngày thì lượng tiêu thụ chỉ có hạn. Anh nghĩ đến ngay việc phải chế biến dược liệu, trước tiên là sản xuất trà túi lọc. Sau khi đề xuất ý tưởng này, một lần nữa những người thân trong gia đình, anh em bạn bè đều phản đối. Bởi lúc đó anh đang là công chức, công việc nhà nước bận rộn lại không có kinh nghiệm trong sản xuất cây dược liệu, bây giờ nếu chế biến sản phẩm thì làm như thế nào? Và bắt đầu từ đâu? Nguồn vốn đầu tư khó khăn, rồi máy móc, nhà xưởng, và lo nhất là kỹ thuật sản xuất, kéo theo đó là thị trường tiêu thụ...đó là những băn khoăn, trăn trở mà ai cũng lo lắng đặt ra cho anh. Nhưng anh vẫn đau đáu với quyết tâm phải xây dựng cho bằng được thương hiệu dược liệu Con Cuông.
Dây chuyền đóng gói sản phẩm trà túi lọc. |
Để thực hiện tâm nguyện của mình, anh Diện nghĩ không thể “chân trong chân ngoài”, vừa làm việc Nhà nước, vừa làm ngoài được. Tháng 4/2018, anh quyết định viết đơn xin thôi việc. Sau khi nghỉ việc, tháng 5/2018, kỹ sư Phan Xuân Diện về xã Chi Khê, một vùng đệm của Vườn Quốc gia Pù Mát thành lập nên Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát do anh làm chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty. Nhưng đau đầu nhất với anh lúc này vẫn là kinh phí, bởi năm đầu tiên trồng dược liệu anh đã mất trắng 500 triệu đồng. Trong khi đó, tiền đầu tư mua máy móc, xây dựng nhà xưởng phải cần ít nhất khoảng hơn 1 tỷ đồng. Không suy nghĩ nhiều, anh đem toàn bộ nhà cửa, đất đai thế chấp, vay mượn của anh em bạn bè ..quyết định đánh cược với số phận thêm 1 lần nữa, mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua dây chuyền sản xuất rửa cắt, sao nghiền đóng gói sản phẩm trà túi lọc.
Biến khát vọng thành hiện thực
“Làm doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nông nghiệp nếu như không có đam mê, quyết tâm và khát vọng thì không bao giờ thành công. Theo tôi, bí quyết thành công đầu tiên phải là sự đam mê, gắn bó với lĩnh vực nông nghiệp. Bởi nông nghiệp phải đối mặt rất nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất giống, trồng trọt, thu hái, chế biến và phân phối đến người tiêu dùng..rất vất vả, trong khi tài chính của công ty lại hạn hẹp, nhân lực vừa ít lại vừa yếu, hầu hết đều là anh em kỹ sư nông nghiệp tự mày mò học hỏi, không thành thạo việc vận hành máy móc..” – anh Diện tâm sự.
Dây chuyền đóng chai sản phẩm cao dược liệu. |
Sau khi mua máy móc nhà xưởng, anh tự mình đi vào các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình để tìm hiểu công thức, kỹ thuật chế biến. Nhưng tất cả các nơi anh tìm đến đều không muốn chia sẻ công nghệ, kỹ thuật chế biến. Cuối cùng anh quyết định tự mày mò kỹ thuật. Bắt đầu từ khâu sao trộn cho đến khâu nghiền sản phẩm. Để sản xuất trà túi lọc, ngoài đảm bảo phơi sấy khô nguyên liệu thì đòi hỏi quá trình sao dược liệu phải chín tới nhưng vẫn giữ được hương vị thơm, ngon. Làm đi làm lại nhiều lần như vậy, thành quả làm ra chỉ là mẻ sống mẻ cháy, nhưng dần dần anh rút ra được định mức, thời gian sao là bao nhiêu là đủ, sao ở nhiệt độ bao nhiêu là vừa phải..Tiếp đến, thực hành khâu đóng gói sản phẩm, vận hành máy móc..dần dần cũng đã thành thục. Những sản phẩm trà túi lọc mang thương hiệu cà gai leo Pù Mát đã ra đời.
Sản phẩm trà cà gai leo của Công ty CP dược liệu Pù Mát được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. |
“Năm 2016 và 2017 là 2 năm khó khăn nhất đối với tôi, khó khăn cả về tài chính và khó khăn cả về kỹ thuật. Đến giữa năm 2018, quy trình sản xuất trà túi lọc và quy trình kỹ thuật trồng dược liệu bắt đầu mới hoàn thiện và việc vận hành sản xuất bắt đầu đi vào guồng. Lúc này tiếp tục nảy sinh một khó khăn lớn mà tôi phải đối mặt đó là thị trường tiêu thụ” – nhấp thêm một ngụm trà cà gai leo thơm nồng, anh Phan Xuân Diện tiếp tục câu chuyện.
Dây chuyền trích ly và cô đặc chân không cao dược liệu. |
Mặc dù, sản phẩm ban đầu làm ra cũng được anh em bạn bè ủng hộ nhưng cũng chỉ tiêu thụ được với số lượng nhỏ lẻ, trong khi sản lượng mà xưởng sản xuất ra đạt bình quân hàng chục nghìn hộp/tháng. Sản phẩm làm ra tồn kho, dẫn đến ứ vốn, không có vốn để tiếp tục đầu tư sản xuất. Đáng lo nhất là sản phẩm quá hạn sử dụng phải tiêu hủy. Khó khăn chồng chất khó khăn. Nếu như không có sự đồng cảm, chia sẻ từ phía người thân, anh em bạn bè cũng như các cộng sự, công nhân tưởng chừng như lần này anh thất bại, phá sản. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của huyện và nhận thấy được tiềm năng của cây dược liệu, sở Công thương đã đề xuất với Bộ Công thương hỗ trợ cho công ty anh 30% kinh phí mua máy sản xuất cao dược liệu và hỗ trợ 1 phần nhà xưởng, máy móc thiết bị, anh đã vượt qua thử thách lần này một cách ngoạn mục.
Đến thời điểm này, công ty cổ phần dược liệu Pù Mát đã cho ra thị trường 3 loại sản phẩm trà túi lọc gồm: cà gai leo, dây thìa canh và giảo cổ lam. Ngoài các loại trà hoà tan trên, Công ty còn cho ra đời 2 loại cao lọc là cao cà gai leo và dây thìa canh có tác dụng chữa được nhiều bệnh, bồi bổ sức khoẻ..
Anh Phan Xuân Diện bên quầy hàng giới thiệu sản phẩm tại Hà Nội. |
Năm 2020, Công ty CP Dược liệu Pù Mát được Sở Khoa học công nghệ và UBND tỉnh Nghệ An giao nhiệm vụ thực hiện dự án khoa học: Nghiên cứu sản xuất cao và trà hòa tan từ cây dược liệu. Đến nay, dự án đã được các nhà khoa học chuyển giao và Công ty CP Dược liệu Pù Mát ứng dụng và sản xuất thành công đưa ra thị trường sản phẩm cao cà gai leo và cao dây thìa canh dưới dạng cao lỏng. Và nếu không có gì thay đổi thì đến quý 2/2021, công ty sẽ tiếp tục cho ra thị trường sản phẩm trà dược liệu hòa tan.
“Về nguyên liệu, công ty chỉ nắm vai trò sản xuất giống, để cung cấp cho người dân với hình thức liên kết với người nông dân và công ty, trong đó công ty cam kết bao tiêu sản phẩm với mức giá cố định trong năm. Đồng thời, có kỹ sư của công ty giám sát, kiểm soát, quy trình trồng trọt và thu mua sản phẩm. Về phía người dân sẽ trồng trọt chăm sóc nguyên liệu theo hướng dẫn, quy định của công ty. Đến nay, công ty đã liên kết với 80 hộ dân ở các xã Thạch Ngàn, Cam Lâm, Lạng Khê, Lục Dạ và Chi Khê. Ngoài ra, công ty còn liên kết với các thành viên trong HTX trồng thêm 4ha dược liệu. Như vậy, tính đến thời điểm này, công ty đã có tổng diện tích trồng dược liệu là 20ha gồm các loại cây chủ lực như cà gai leo, dây thìa canh, mướp đắng rừng, đinh lăng...Bên cạnh đó qua khảo sát, công ty cũng đã đề xuất với xã Yên Khê thực hiện việc bảo tồn, khoanh vùng diện tích giảo cổ lam tại 2 bản Tờ và bản Nưa. Về mở rộng thị trường tiêu thụ, trước mắt trọng tâm vẫn là Nghệ An, tiếp đó là Hà Nội, Thanh Hóa, Sài Gòn, Tây Nguyên và Nha Trang” - anh Diện phấn khởi cho biết về những dự định sắp tới.
Với những nỗ lực, cố gắng, bằng lòng đam mê nhiệt huyết anh Phan Xuân Diện đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu dược liệu Con Cuông. Các sản phẩm của Công ty cổ phần dược liệu Pù Mát làm ra đã được khách hàng tin tưởng sử dụng và được Nhà nước công nhận, tặng các giải thưởng cao quý như: Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiểu biểu cấp khu vực, sản phẩm OCOP 4 sao...
Đặc biệt, mới đây, vào tháng 12/2020, anh Phan Xuân Diện và các cộng sự vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen với thành tích đạt giải Nhất giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ năm 2020 cho công trình nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất theo chuỗi giá trị dược liệu tại Công ty cổ phần dược liệu Pù Mát. Đây sẽ là động lực để anh tiếp tục bước trên con đường mà mình đã lựa chọn, đem nguồn dược liệu quý của vùng núi Con Cuông đến với khách hàng tiêu dùng ở mọi miền của tổ quốc.