Gia tăng bệnh nhi mắc cúm mùa và những cảnh báo
Ghi nhận của phóng viên NTV tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, trường hợp chị Hoàng Thị Ly ở xóm Xuân Tình, xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc có 2 con hiện vào viện điều trị bệnh cúm A tại BV Sản nhi, trong đó, bé trai gần 3 tuổi của chị Ly còn mắc thêm căn bệnh thận mãn tính.
“2 cháu cùng mắc cúm một lúc, gia đình phải cắt cử 3 người để cùng chăm sóc trong những ngày nằm viện. Trong đó con lớn vốn bị thận nên mắc cả cúm khiến gia đình rất lo lắng”, chị Hoàng Thị Ly chia sẻ thêm.
Hơn một tuần nay, Khoa bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã trở nên quá tải vì số lượng bệnh nhi mắc cúm A vào điều trị tăng đột biến. Bình quân mỗi ngày khoa tiếp nhận thêm gần 30 trẻ nội trú, ngày cao điểm lên đến 50 trẻ. Hiện khoa đang điều trị cho gần 150 trẻ mắc bệnh cúm A, hầu hết dưới 5 tuổi. Đáng nói, nhiều gia đình có 2, 3 trẻ cùng mắc do bệnh rất dễ lây qua đường hô hấp.
Anh Trần Văn Cảnh ở xóm 2, xã Nghĩa Minh, huyện Nghĩa Đàn cho biết: Con gái bị cúm A, viêm phổi, đi ngoài phải nhập viện. Sau đó 1 ngày, con trai lớn phát sốt, sau xét nghiệm kết luận bị cúm A.
“Bệnh nhân đông, 3 bệnh nhi nằm 1 giường. Điều kiện bệnh viện khó khăn nên gia đình cũng phải chấp nhận việc ghép giường”, anh Đặng Việt Phương ở xóm 1, xã Tân Thành, huyện Yên Thành chia sẻ thêm.
Theo các bác sỹ chuyên khoa, cúm A là bệnh lành tính do virus gây ra và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Trẻ mắc cúm có các triệu chứng như sốt cao và nhanh, thậm chí tới 39-40 độ kèm theo ho, sổ mũi... Thông thường trẻ sẽ tự khỏi sau 1 tuần nếu chăm sóc tốt và giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Tuy nhiên, đối với những trẻ quá nhỏ, yếu và có những bệnh lý mãn tính khác thì cần phải nhập viện để nâng cao thể chất và điều trị các biến chứng của bệnh (nếu có).
Nói về cách phòng tránh cúm mùa, bác sỹ Trần Thái Phong - Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết: Có thể phòng tránh cúm bằng cách tiêm vắc xin. Tuy nhiên tác dụng mũi tiêm chỉ trong 1 năm và phải tiêm nhắc lại. Bệnh liên quan đến đường hô hấp nên trong điều trị nên có biện pháp cách ly, vệ sinh, đặc biệt về mùa lạnh thì phải mặc đủ ấm cho trẻ.
Các bác sỹ chuyên khoa cũng khuyến cáo: Khi trẻ sốt cao cần cho trẻ dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sỹ như paracetamol hoặc ibuprofen. Nếu dùng các loại thuốc khác phải được bác sỹ kê đơn, nếu không sẽ dễ gây tác dụng phụ như đông máu, giảm tiểu cầu trong máu, thậm chí gây những biến chứng nguy hiểm khác như chảy máu, suy chức năng gan... Không được dùng aspirin để hạ sốt cho trẻ và tuyệt đối không tự ý mua thuốc chống cúm như tamiflu khi chưa có chỉ định của bác sĩ./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin