Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý: Yêu cầu xây dựng chuyên đề riêng về CCHC gắn với tổ chức bộ máy
Xây dựng chuyên đề riêng về CCHC gắn với tổ chức bộ máy
Năm 2019 được UBND tỉnh chọn là năm cải cách hành chính. Đánh giá công tác này 6 tháng đầu năm, các ý kiến đều ghi nhận có sự chuyển biến tích cực và khẳng định con người vẫn là yếu tố quan trọng để thực thi công vụ.
Sắp tới, nếu thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công, áp dụng công nghệ thì con người vẫn là nhân tố điều hành. Tuy vậy, nếu cán bộ Trung tâm vận dụng pháp luật không linh hoạt, quá chặt chẽ và không dám quyết vấn đề thì người dân, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian khi làm các thủ tục.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý yêu cầu Sở Nội vụ phải làm rõ những tồn tại trong CCHC hiện nay, không thể nói chung chung. Theo đó, cần nêu cụ thể từng ngành, địa phương đã cải cách, đơn giản được bao nhiêu thủ tục? Cách ứng xử trong giải quyết thủ tục, tiến độ cải cách tổ chức bộ máy, trách nhiệm người đứng đầu còn có những vấn đề gì...khiến công tác CCHC vẫn chưa chuyển và đạt theo tinh thần đã đề ra. Việc này phải được xây dựng thành chuyên đề riêng về CCHC gắn với xây dựng bộ máy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý đề nghị.
Dự kiến sáp nhập 3.015 xóm tại 14 huyện, thành, thị
Góp ý cho dự thảo Nghị quyết về sáp nhập, đổi tên xóm, khối, bản thuộc các xã trên địa bàn tỉnh, ý kiến các thành viên dự họp đề nghị cần quan tâm đến những vấn đề sẽ phát sinh sau sáp nhập. Cụ thể: đó là vấn đề địa điểm, cách thức tổ chức sinh hoạt cộng đồng khi số hộ của xóm, khối, bản đã tăng lên; hướng giải quyết tài sản, cơ sở vật chất, bộ máy cán bộ dôi dư...phải được tính đến khi sáp nhập.
Tinh thần thực hiện chủ trương này, theo Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý là phải tính toán kỹ các vấn đề có thể nảy sinh, không sáp nhập cơ học mà để phần khó cho huyện, xã phải xử lý. Bước đầu sẽ có 14/21 huyện, thành, thị tiến hành sáp nhập xóm. Từ 4.050 xóm sẽ sáp nhập chỉ còn 2.441, giảm 1.609 khối, xóm, bản.
Tập trung xử lý 30 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng
Cho ý kiến về kết quả thực hiện Nghị quyết số 08 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025, các đại biểu khẳng định: Muốn đạt mục tiêu đến 2020, 100% các cơ sở sản xuất phải đảm bảo về môi trường thì phải tập trung xử lý 30 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng hiện nay.
Giải quyết vấn đề này phải có chiến lược tổng thể, không thể cứ mãi chắp vá. Ghi nhận 11/18 cơ sở sản xuất lớn đã được kiểm soát qua hệ thống quan trắc môi trường tự động nhưng cũng phải có biện pháp bắt buộc 7 cơ sở còn lại phải hoàn thành yêu cầu này vào năm 2020.
Trong cam kết đầu tư, trước khi vào vận hành các nhà máy, cơ sở sản xuất phải kiểm soát được hệ thống xử lý môi trường, không thể cho sản xuất rồi nợ các quy định về môi trường...là yêu cầu mà Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý đề nghị phải được thực hiện nghiêm trong thời gian tới. Cùng với đó, vấn đề xử lý rác thải phải được thực hiện theo quy hoạch cụm địa bàn, tránh sự đầu tư dàn trải, manh mún và kém hiệu quả.
Các ý kiến cũng đồng tình và nhất trí thông qua Nghị quyết về chế độ hỗ trợ đối với nhân viên các trường phổ thông dân tộc bán trú và phổ thông dân tộc nội trú; tỷ lệ khoán kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh các trường này trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu rà soát, tính toán định mức hỗ trợ công việc nấu ăn trên số lượng học sinh nhà trường, đảm bảo khả năng tài chính.
Phiên họp cũng thông qua Nghị quyết về chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, Nghị quyết về xử lý kết quả rà soát Nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành từ ngày 31/12/2018 trở về trước đang còn hiệu lực thi hành. Theo đó, trong 145 Nghị quyết sẽ giữ lại 128 Nghị quyết để tiếp tục thi hành (bao gồm 6 NQ hết hiệu lực thi hành một phần); sẽ sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ 14 Nghị quyết.
Xuân Hướng – Cảnh Toàn