Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ: Điểm sáng của cả nước trong xây dựng nông thôn mới
Các đồng chí: Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia; Nguyễn Xuân Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT; Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An; Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN & PTNT; Lê Tấn Dũng – Thứ trưởng Bộ Lao động thương binh và Xã hội chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố cùng gần 600 đại biểu đến từ Thủ đô Hà Nội và 16 tỉnh, thành phố trong vùng.
Về phía tỉnh Nghệ An, có các đồng chí: Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Nhiều sáng kiến trong xây dựng nông thôn mới
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: 10 năm qua, các địa phương Vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ đã linh hoạt, sáng tạo đưa ra nhiều cơ chế, chính sách đặc thù tạo nên tiền đề quan trọng để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiều quyết định trong quá trình triển khai thực hiện NTM ở cơ sở.
Đó cũng là bước chuyển quan trọng để đến nay, vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ có tới gần 70% xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 48% so với cuối năm 2015, là mức tăng trưởng cao nhất trong cả nước, cao hơn nhiều so với mức đạt chuẩn của cả nước là 50,26%. Bình quân số tiêu chí/xã của cả vùng đạt 17,4 tiêu chí, cao hơn mức trung bình cả nước là 15,26 tiêu chí/xã..
Cả vùng đã có 41 đơn vị cấp huyện (thuộc 13 tỉnh/thành phố) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, chiếm 48,8% số đơn vị cấp huyện của cả nước đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Hai vùng này có vai trò hết sức quan trọng trong cả nước vì có những nét đặc trưng, đặc thù riêng và là vùng đi tiên phong về các mặt; phát huy được lợi thế để đạt kết quả cao. Đặc biệt, vùng Bắc Trung bộ có xuất phát điểm khó khăn nhưng đã có nhiều sáng kiến trong xây dựng NTM, điển hình là phong trào xây dựng khu vườn mẫu ở Hà Tĩnh, chủ trương xây dựng NTM thôn, bản ở Nghệ An.
Nghệ An sáng tạo, kiên trì xây dựng nông thôn mới với 5 nguyên tắc
Phát biểu chào mừng Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh khẳng định: Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới là dịp để Nghệ An được thể hiện lòng mến khách của người dân xứ Nghệ, quê hương của Bác Hồ kính yêu. Đây cũng là cơ hội quý báu để các địa phương trong vùng được gặp gỡ, học tập, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh: Với điều kiện đặc thù trên 83% diện tích là vùng miền núi dân tộc, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định tới sự phát triển bền vững của tỉnh. Năm 2010, toàn tỉnh có 431 xã thực hiện Chương trình với xuất phát điểm thấp, chỉ đạt bình quân 3,64 tiêu chí/xã.
Đến nay, Nghệ An đã có 03 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn Nông thôn mới; 226/431 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 04 xã thuộc huyện nghèo 30a, 02 xã biên giới và 30 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt 15,64 tiêu chí/xã. Từ năm 2015, Nghệ An đã ban hành Bộ tiêu chí tạm thời về xây dựng xã Nông thôn mới kiễu mẫu trên địa bàn tỉnh; lựa chọn 03 xã: Kim Liên (huyện Nam Đàn), Sơn Thành (huyện Yên Thành) và Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu) để tập trung chỉ đạo thí điểm. Năm 2019, huyện Nam Đàn được Ban Chỉ đạo Trung ương lựa chọn là 1 trong 4 huyện của cả nước thí điểm xây dựng Nông thôn mới kiễu mẫu theo hướng phát triển văn hoá gắn với du lịch. |
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh cũng khẳng định với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, phấn đấu của người dân, Nghệ An đã không ngừng khắc phục khó khăn, có nhiều giải pháp sáng tạo, kiên trì xây dựng nông thôn mới theo 5 nguyên tắc. Thứ nhất, xây dựng nông thôn mới gắn liền với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; ưu tiên cho đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thu nhập của người dân, từng bước xóa đói, giảm nghèo; đầu tư cho hạ tầng, cơ sở vật chất theo thứ tự hợp lí, tránh lãng phí và nợ đọng xây dựng cơ bản. Thứ hai, tập trung nâng cao dân trí cho người dân, đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông và đào tạo nghề.
Thứ ba, xây dựng môi trường sạch, đẹp, xanh tươi, mang bản sắc truyền thống của địa phương, gắn với phát triển du lịch ở những nơi có điều kiện. Thứ tư, nơi nào có điều kiện thì xây dựng xã NTM, nơi nào chưa có điều kiện thì xây dựng thôn, xóm, bản với từng tiêu chí cụ thể; xác định xây dựng NTM là một quá trình liên tục. Thứ năm, sớm thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, tránh hình thức. Sau 10 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới đã đem lại một diện mạo mới, sức sống mới cho khu vực nông thôn Nghệ An.
Tại hội nghị, các nhà khoa học, các chuyên gia và đại diện các tỉnh trong vùng đã có nhiều tham luận, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục triển khai thành công, hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn sau năm 2020. Trong đó, đáng chú ý là tham luận của đại diện Ban chủ nhiệm Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới về nhận diện các vấn đề thực tiễn xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 và một số định hướng xây dựng cho những năm sau năm 2020 ở vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ…
Tiếp tục đẩy mạnh và duy trì chương trình xây dựng NTM
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: Tổ chức hội nghị Vùng, khu vực trước khi tổ chức hội nghị toàn quốc nhằm bên cạnh việc đánh giá tổng thể thì có sự đánh giá cụ thể, do mỗi vùng có chỉ tiêu, mô hình và cách làm khác biệt. Việc lựa chọn Nghệ An làm địa điểm tổ chức hội nghị lần này có ý nghĩa hết sức đặc biệt khi diễn ra vào thời điểm kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 02/9 cũng như kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ.
Đánh giá về kết quả xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012 -2020 của các tỉnh khu vực ĐBSH và BTB, Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Đây là vùng có tốc độ hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nhanh nhất cả nước. Điều đáng mừng, trong đó có 10/17 các tỉnh vùng khu vực ĐBSH hoàn thành mục tiêu trước một năm rưỡi; có 1 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 1.093 thôn, bản đạt nông thôn mới, trong đó có 296 thôn kiểu mẫu. Nông thôn mới ở hai vùng đã có tác động tích cực vào chuyển dịch cơ cầu kinh tế nông nghiệp; số lượng hợp tác xã tăng rất mạnh, trong đó, các tỉnh Bắc Trung bộ bình quân có428 HTX/tỉnh đứng đầu cả nước. Nông thôn mới đã góp phần quan trọng vào chương trình giảm nghèo bền vững. Bộ mặt nông thôn được thay đổi, khang trang, sạch đẹp, nhiều vùng quê trở thành “vùng quê đáng sống”…
Tuy vậy, thẳng thắn nhìn nhận, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng một số tỉnh, thành trong cùng khu vực có sự phát triển chưa đồng đều; chưa gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng nông thôn mới với đô thị văn minh; thu nhập giữa các vùng vẫn có sự chênh lệch; ô nhiễm môi trường vẫn là vấn đề bức xúc của các địa phương; nhiều vùng nông thôn mới đang có xu hướng “bê tông hoá”, “cứng hoá” làm mất đi cảnh quan, vẻ đẹp truyền thống của làng quê; một số nơi làm phai nhạt nét đẹp văn hoá về tình làng, nghĩa xóm.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu trong thời gian tới từng địa phương cần phải rà soát, nhìn lại tỉnh, thành bên cạnh để rút ra bài học kinh nghiệm, phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế; tổng kết, đánh giá cơ chế chính sách hỗ trợ một phần kinh phí đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư cơ sở hạ tầng; nghiên cứu đề xuất cơ chế hỗ trợ mới phù hợp cho giai đoạn tiếp theo. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư và lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; thận trọng trong việc thẩm định và công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, kết quả xây dựng NTM nên được đo lường bằng sự hài lòng của người dân.
Bộ NN&PTNT cần tổng kết từ kết quả của các địa phương để hoạch định chính sách, chiến lược cho chương trình xây dựng NTM giai đoạn 5 năm tiếp theo; nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí nông thôn mới cho cấp tỉnh, huyện, xã nên linh hoạt hơn; nghiên cứu cơ chế chính sách thực hiện cũng như cơ chế giám sát, đánh giá, cơ chế khen thưởng.
Nhóm PV