Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai - Tấm gương hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng

16:19, 26/09/2020
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được tổ chức vào chiều nay (26/9), Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý khẳng định: Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai để lại cho chúng ta những bài học hết sức quý giá về một tấm gương hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. 

NTV trân trọng giới thiệu toàn văn bài diễn văn kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai do đồng chí Thái Thanh Quý, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trình bày!

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý phát biểu tại lễ kỷ niệm.

- Kính thưa đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương;

- Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo Quân khu 4; lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh.

- Thưa các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An. 

- Thưa toàn thể các đồng chí!

Với lòng thành kính và biết ơn vô hạn, hôm nay, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai – Nguyên ủy viên xứ ủy Nam Kỳ, Nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn, Người nữ chiến sỹ cộng sản kiên trung, bất khuất, Người con ưu tú của quê hương xứ Nghệ. 

Thay mặt Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, tôi trân trọng gửi tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện dòng họ, gia đình đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và đồng chí Lê Hồng Phong cùng toàn thể quý vị đại biểu, khách quý những lời chúc tốt đẹp nhất.

Thưa các đồng chí!

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vĩnh, sinh năm 1910, trong một gia đình viên chức tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Thừa hưởng những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình và truyền thống đấu tranh anh dũng chống giặc ngoại xâm của quê hương xứ Nghệ, ngay từ khi còn nhỏ, Nguyễn Thị Minh Khai đã nặng lòng với nỗi khổ đau của những người lao động lầm than, đặc biệt là của những người phụ nữ làm công nhân tại Nhà máy diêm Bến Thủy, nơi không xa ngôi trường Tiểu học Cao Xuân Dục mà Đồng chí theo học lúc thiếu thời. 
Năm 1927, khi mới 17 tuổi, Nguyễn Thị Minh Khai tham gia tổ chức Việt Nam cách mạng Đảng và được tổ chức phân công làm công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ ở Vinh. Vượt lên định kiến xã hội, Đồng chí đã tham gia tuyên truyền, giác ngộ, tổ chức hoạt động trong giới phụ nữ; tích cực xuống các làng xã xung quanh thành phố Vinh tìm hiểu đời sống, tâm tư nguyện vọng của bà con nông dân, vận động tổ chức ra Nông hội. Những hoạt động sôi nổi của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai cùng các đồng chí khác đã thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng ở Vinh mạnh lên, tạo ra bước chuẩn bị rất quan trọng cho sự ra đời của các chi bộ cộng sản. 

Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí được kết nạp, trở thành thành đảng viên lớp đầu tiên của Đảng và được phân công phụ trách công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ, huấn luyện đảng viên ở khu vực Trường Thi, Bến Thủy thuộc tỉnh Nghệ An và tổ chức Hội Phụ nữ Giải phóng. Nhờ phương pháp tuyên truyền khoa học, vừa mềm dẻo, vừa sâu sát, đồng chí đã vận động nhiều phụ nữ hăng hái tham gia, xây dựng phong trào yêu nước, trở thành những hạt giống đỏ, những đảng viên ưu tú của Đảng. Bên cạnh đó, đồng chí còn tham gia tổ chức nhiều lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ cho Đảng tạo ra lực lượng nòng cốt của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. 

Tháng 3 năm 1930, đồng chí được cử sang Hương Cảng, Trung Quốc, công tác ở Văn phòng chi nhánh Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, nhận nhiệm vụ liên lạc với các tổ chức cách mạng Việt Nam ở trong nước. Thời gian này, Nguyễn Thị Minh Khai đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp huấn luyện lý luận và kinh nghiệm hoạt động cách mạng. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Đồng chí đã kiên trì tự học và biết sử dụng thành thạo tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Pháp. Mặc dù đang hoạt động ở nước ngoài, Nguyễn Thị Minh Khai vẫn luôn theo dõi và góp phần chỉ đạo phong trào phụ nữ ở trong nước, đặc biệt là phong trào cách mạng ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. 
Sau cao trào cách mạng 1930 - 1931, cách mạng Việt Nam rơi vào thoái trào do khủng bố trắng của thực dân Pháp, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai cùng với các đồng chí của mình vẫn kiên trì hoạt động, giữ vững tinh thần để nhen nhóm lại ngọn lửa cách mạng, vượt qua khó khăn gian khổ, hy sinh để hoàn thành trọng trách mà cách mạng Việt Nam và Quốc tế Cộng sản giao phó là khôi phục phong trào cách mạng Việt Nam, lập lại các cơ quan lãnh đạo của Đảng. 

Tháng 4-1931, Đồng chí bị cảnh sát Anh ở Hồng Kông bắt và giao cho chính quyền Quốc dân Đảng ở Quảng Châu. Trước kẻ thù, dù bị chúng tra tấn tàn bạo, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, không khai báo, làm lộ tổ chức. Trong bức thư ngắn gửi cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Thị Minh Khai đã viết: “Dù bị tra tấn cùm kẹp, quyết không khai. Các anh yên tâm”. Nhờ sự vận động của Quốc tế Cứu tế Đỏ, năm 1933, Nguyễn Thị Minh Khai được thả tự do. 

Ra khỏi nhà tù, Đồng chí đã đến Thượng Hải tìm cách liên lạc với tổ chức Đảng. Sau bao công phu, lặn lội, đồng chí đã nối liên lạc được với các đồng chí Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Nọn.v.v… Cũng từ đây, mối tình cao đẹp giữa hai người cộng sản trẻ tuổi cùng quê hương xứ N ghệ đã nảy nở. Lễ kết hôn của Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai được tổ chức giản dị, ấm tình đồng chí trên đất Trung Quốc. 

Tháng 8/1935, đồng chí là đại biểu chính thức tham dự và phát biểu tham luận tại Đại hội lần thứ 7 Quốc tế Cộng sản tại Mátxcơva. Tiếp đó, đồng chí tham dự và phát biểu tham luận tại Đại hội lần thứ 6 Quốc tế Thanh niên cộng sản. Trong thời gian từ năm 1935 đến năm 1936, đồng chí theo học khóa ngắn hạn tại Trường Đại học Phương Đông. Việc Nguyễn Thị Minh Khai được Ban Chỉ huy ở ngoài chọn cử vào Đoàn đại biểu của Đảng Cộng sản Đông Dương đi dự Đại hội lần thứ 7 Quốc tế Cộng sản - diễn đàn lớn nhất của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế lúc bấy giờ, không chỉ là một vinh dự lớn lao, mà còn là sự ghi nhận, đánh giá cao của những người cộng sản Đông Dương đối với những hoạt động và đóng góp của người nữ chiến sĩ cộng sản trong quá trình đấu tranh cách mạng của Đảng.

Năm 1937, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được phân công về công tác tại Sài Gòn, tham gia Xứ ủy Nam Kỳ và làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Nhận nhiệm vụ mới, hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn do sự truy lùng, vây bắt của kẻ thù, nhưng nữ Bí thư Thành ủy vẫn luôn bám sát cơ sở, lãnh đạo phong trào phát triển mạnh mẽ và luôn nhận được sự tin yêu, giúp đỡ của đồng chí, đồng bào. Những ngày đấu tranh thành lập Mặt trận Dân chủ chống chiến tranh và chống phát xít ở Sài Gòn, Nguyễn Thị Minh Khai đã sát cánh cùng chồng là đồng chí Lê Hồng Phong và nhiều đồng chí khác lãnh đạo phong trào nhân dân đấu tranh chống bọn phản động, đòi quyền tự do, dân chủ, dân sinh và hòa bình…, tham gia thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương, tham gia các cuộc bút chiến trên Báo Dân chúng. Đồng chí là diễn giả xuất sắc của nhiều cuộc hội nghị, mít tinh lớn ở Sài Gòn – Chợ Lớn. 

Giữa lúc công việc bề bộn, nhiều khó khăn chồng chất, lại đang mang thai đứa con đầu lòng, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai nhận được tin người chồng yêu quý Lê Hồng Phong bị bắt cùng với các cán bộ chủ chốt của Đảng tại Nam Kỳ, như: Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến… Nén đau thương, lo lắng cho người bạn đời, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai vẫn tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng Sài Gòn – Chợ Lớn.

Trước sự theo dõi và truy lùng gắt gao của bọn mật thám Pháp, Nguyễn Thị Minh Khai phải rút vào hoạt động bí mật. Ngày 30/7/1940, sau khi dự phiên họp Xứ ủy Nam Kỳ bàn về chủ trương khởi nghĩa, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị thực dân Pháp bắt. Chúng giam đồng chí tại Khám Lớn - Sài Gòn và tra tấn hết sức dã man. Không run sợ trước sự tàn bạo của kẻ thù, trong tù đồng chí tiếp tục vận động chị em phụ nữ đấu tranh. Với cương vị là Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tìm mọi cách liên lạc với bên ngoài và tiếp tục tham gia chỉ đạo cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Sài Gòn - Chợ Lớn. 

Không khuất phục được người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi, sáng ngày 26/8/1941, thực dân pháp đã giết hại đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai cùng với một số đồng chí trung kiên khác của Đảng ta huyện Hóc Môn. Trước pháp trường, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai vẫn hướng về phía đồng bào nói lời tâm huyết: “Việc chúng tôi làm là chính nghĩa. Vì muốn cho Tổ quốc chúng tôi được độc lập, dân chúng tôi được ấm no mà chúng tôi làm cách mạng. Chúng tôi không có tội gì…Chúng ta phải tiêu diệt đế quốc, phong kiến thì đời sống mới sung sướng được”.

Toàn cảnh buổi lễ.

Thưa các đồng chí!

Sinh ra, lớn lên, hoạt động yêu nước ở quê hương Nghệ An, hoạt động cách mạng sôi nổi, xuất sắc ở Trung Quốc, Liên Xô; trở thành nhà lãnh đạo ưu tú của Nam Bộ, của Sài Gòn – Chợ Lớn và oanh liệt ngã xuống trên mảnh đất này cùng người chồng yêu quý của mình, Nguyễn Thị Minh Khai được Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng, tôn vinh vào bậc “tiên liệt” cách mạng, và Người đã khẳng định “máu xương của các bậc tiên liệt đã thấm nhuần gốc rễ của Đảng ta, làm cho cây nó càng vững, ngành nó càng to và kết quả khai hoa ngày càng rực rỡ”.

Với 31 tuổi đời, 15 năm hoạt động cách mạng liên tục, oanh liệt và đầy nhiệt huyết, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, đó là: tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân đi theo con đường cách mạng dưới ngọn cờ của giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ trước khi thành lập Đảng, tham gia khôi phục tổ chức Đảng và lãnh đạo phát triển phong trào cách mạng; tích cực tham gia các hoạt động của Quốc tế cộng sản, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế với cách mạng Việt Nam. Thông qua những bài tham luận sắc sảo của Nguyễn Thị Minh Khai tại các hội nghị quốc tế, đã giúp Quốc tế Cộng sản hiểu rõ hơn tình hình ở thuộc địa và tình cảnh của người dân thuộc địa, đặc biệt là thanh niên và phụ nữ, đặt ra nhiệm vụ cho các đảng cộng sản cần phải quan tâm hơn nữa đến vấn đề thuộc địa; Đồng chí là một trong những lãnh đạo chủ chốt phong trào dân chủ giai đoạn 1937 -1939 ở Sài Gòn và Nam Kỳ, góp phần tạo ra cuộc Tổng diễn tập lần thứ hai cho cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công; là người luôn tích cực đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ gắn với giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc.v.v…

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai để lại cho chúng ta những bài học hết sức quý giá về một tấm gương hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. Từ lúc lớn lên cho đến lúc hy sinh, đồng chí luôn đặt lợi ích cách mạng lên trên lợi ích của cuộc sống riêng và hạnh phúc gia đình. Bầu nhiệt huyết và trái tim cộng sản của đồng chí luôn dành cho Đảng và nhân dân. Vì đảng, vì dân, Nguyễn Thị Minh Khai chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh, từ biệt gia đình, bôn ba hoạt động cách mạng từ lúc còn trẻ tuổi; đồng chí lăn lộn, thường xuyên bám cơ sở để hoạt động, gây dựng phong trào cách mạng, dù biết rằng kẻ thù luôn rình rập, đe dọa tính mạng. Vì đảng, vì dân, vì tổ chức mà đồng chí đành gạt nước mắt, chia xa cô con gái đầu lòng vừa bén hơi sữa để hoạt động, lãnh đạo phong trào cách mạng đang cần kíp; phải nén nỗi đau, chôn chặt tình yêu, sự nhớ nhung để đối phó với âm mưu thâm độc của kẻ thù khi chúng cố tình giam chị cùng với người chồng yêu dấu của mình trong lao tù là đồng chí Lê Hồng Phong, nhằm cố khép tội hai người nặng hơn. Và cũng vì đảng, vì dân, vì tổ chức mà đồng chí quyết không khai nửa lời, hiên ngang, bất khuất, bình thản đối diện với cái chết và sự tàn bạo của kẻ thù: 

Dù đánh, dù treo, càng kiên quyết
Dù kìm, dù kẹp chẳng sai lời
Hy sinh phấn đấu vì nhiệm vụ
Triệt để thực hành chết mới thôi.

Một năm sau ngày Nguyễn Thị Minh Khai hy sinh, người đồng chí, người chồng thân yêu Lê Hồng Phong cũng trút hơi thở cuối cùng trong nhà tù đế quốc Pháp, để lại đứa con thơ khi mới hơn hai tuổi. 

Là một ủy viên của Xứ ủy Nam Kỳ và trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng ở thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, với trọng trách là Bí thư, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện một cách linh hoạt những nhiệm vụ, công tác đó là: củng cố Đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; phát triển mạnh mẽ và sâu rộng phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân; không ngừng mở rộng ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng, thực hiện liên minh dân chủ rộng rãi, xây dựng lực lượng quần chúng và tổ chức Mặt trận thống nhất; kiên trì và triệt để đấu tranh chống lại những khuynh hướng tư tưởng phản động.v.v…

Đồng chí để lại tấm gương Người nữ Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Gia định tài năng, tầm hiểu biết rộng, luôn gắn lý luận với thực tiễn, sâu sát với cơ sở, luôn tin tưởng sâu sắc vào lực lượng vĩ đại và tương lai thắng lợi vẻ vang của giai cấp và của dân tộc; tấm gương về tinh thần tự học tập và rèn luyện bền bỉ; một nhà hoạt động quốc tế nhiệt tình, kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng. 

Thưa các đồng chí!

Tiếp nối truyền thống cách mạng của quê hương, học tập tấm gương của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã kiên trì, bền bỉ, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần cùng nhân dân cả nước giành thắng lợi vẻ vang trong cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả. 

Trong công cuộc đổi mới, nhất là thời gian gần đây, thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18, Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, bình quân giai đoạn 2016 – 2019 đạt 8,47%, riêng năm 2019 đạt 9,03%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt dự toán được giao, gấp khoảng 1,7 lần so với đầu năm 2016.Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng, nâng cấp ngày càng đồng bộ. Diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại, là điểm sáng của cả nước về xây dựng nông thôn mới. 
Văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ, các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh. Chế độ chính sách, giải quyết việc làm, công trình phúc lợi công cộng được quan tâm đầu tư. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; đối ngoại được tăng cường, mở rộng. Công tác xây dựng Đảng đạt nhiều kết quả quan trọng, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước được nâng lên, tạo nền tảng vững chắc để tỉnh nhà tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện trong giai đoạn mới. 

Thưa các đồng chí!

Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, chúng ta bồi hồi và xúc động ôn lại quá trình hoạt động cách mạng vẻ vang của đồng chí, đồng thời nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay phải luôn nêu cao ý chí cách mạng, tự giác phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người cộng sản, kiên trì học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, tích cực hoạt động thực tiễn, đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng và nhân dân lên trên lợi ích cá nhân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc. 

Học tập và noi gương đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và các bậc cách mạng tiền bối khác, chúng ta tiếp tục thực hiện nghiêm túc, thiết thực, có hiệu quả việc xây dựng chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tích cực đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá, chia rẽ của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ, hòa bình, độc lập của dân tộc, bảo vệ Đảng và thành quả của cách mạng. Nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, trong đó công tác cán bộ là khâu then chốt, điểm đột phá.

Không ngừng phát huy ý chí và khát vọng vươn lên mạnh mẽ, khắc phục khó khăn, trở ngại, tạo những bứt phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội; Chăm lo phát triển toàn diện văn hóa, con người Nghệ An, bảo đảm an sinh xã hội; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc; Củng cố quốc phòng, an ninh, chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế, đưa Nghệ An sớm trở thành tỉnh khá của miền Bắc. Trước mắt, tập trung tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng; tiếp tục cùng cả nước thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế, vừa phòng, chống và khắc phục hậu quả dịch bệnh covid 19.

Thưa đồng chí!

Đời đời tưởng nhớ công lao của Người nữ chiến sỹ cách mạng kiên trung, ở tỉnh Nghệ An và nhiều địa phương khác trong cả nước, tên của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã được đặt cho các ngôi trường, tuyến phố trang trọng. Tỉnh Nghệ An đã xây dựng và khánh thành Nhà lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai trên vùng đất của gia đình Đồng chí từng sinh sống trước đây, trở thành địa chỉ đỏ quan trọng giáo dục tinh thần yêu nước, lý tưởng cách mạng cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân hôm nay và mai sau, nơi tôn vinh, lan tỏa truyền thống cao đẹp của phụ nữ Việt Nam.

Thời gian có lùi xa, nhưng tấm gương chiến đấu kiên cường và sự hy sinh lẫm liệt của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai vì độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản trường tồn với non sông đất nước, sống mãi trong trái tim các thế hệ hệ người Việt Nam chúng ta, mãi mãi xuân sắc như độ tuổi ngã xuống của đồng chí, tô thắm thêm truyền thống anh hùng cách mạng của đất và người Nghệ An. 

Cuối cùng, kính chúc toàn thể đồng chí cùng quý vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc và thắng lợi. 

Xin trân trọng cảm ơn!    
 

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm