Dự thảo các văn kiện vừa tiếp cận với các chuẩn mực chung của thế giới
Góp ý Dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII do TS. Nguyễn Ngọc Hiền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Vinh trình bày tại phiên trù bị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, diễn ra chiều 16/10.
TS. Nguyễn Ngọc Hiền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Vinh phát biểu tham luận. |
Đối với Dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII của Đảng, Về chủ đề của Đại hội XIII, cần bổ sung từ "trí tuệ" vào Chủ đề của Đại hội. Cụ thể: "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy trí tuệ, ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa".
Về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cần phải xác định cụ thể có bao nhiêu tiêu chí chưa đạt được trên tổng số chỉ tiêu đề ra.... Về tầm nhìn và định hướng phát triển, cần phân tích sâu hơn tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh đến định hướng phát triển kinh tế của đất nước. Bởi lẽ, ngay từ đầu năm 2020, cùng với các nước trên thế giới, Việt Nam đã bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 và tình hình khô hạn của miền Trung, nhiễm mặn của khu vực đồng bằng sông Cửu Long… Những vấn đề nói trên đã tác động không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam. Điều này kéo theo các dự báo tăng trưởng ngắn hạn và dài hạn của Việt Nam không đạt được mục tiêu đề ra. Tham luận của Đảng ủy Trường Đại học Vinh tại Đại hội cũng đề nghị bổ sung thêm một xu thế quan trọng của thế giới trong thời gian tới trong nội dung Dự báo tình hình thế giới và đất nước những năm sắp tới: Lợi ích quốc gia dân tộc ngày càng được coi là mục tiêu và nguyên tắc cao nhất trong đối ngoại của các nước. Việc nhìn nhận rõ xu thế nói trên sẽ cho phép chúng ta kịp thời đề ra những chiến lược đối ngoại phù hợp nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc, nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
Toàn cảnh Đại hội. |
Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người, cần bổ sung quan điểm, mục tiêu và giải pháp về nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên và có cơ chế đảm bảo đầu ra cho sinh viên ngành sư phạm. Có như vậy mới thu hút được ngày càng nhiều hơn những người giỏi vào học ngành sư phạm, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên và góp phần thúc đẩy chất lượng của toàn bộ hệ thống giáo dục.
Về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ, Dự thảo văn kiện cần làm sáng rõ và cụ thể hơn nữa vấn đề đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của các cơ sở giáo dục và đào tạo; việc thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng và đãi ngộ đội ngũ cán bộ khoa học, nhất là các chuyên gia đầu ngành, các nhân tài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ…
Về kết quả thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 – 2020, Dự thảo mới chỉ trình bày những nguyên nhân chủ quan mà chưa đề cập đến những ảnh hưởng và tác động của những nguyên nhân khách quan là chưa đầy đủ, vì vậy, cần bổ sung thêm. Về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 – 2030, đề nghị bổ sung thêm nội dung: Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và làn sóng dịch chuyển đầu tư của các công ty, tập đoàn từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á vào phần dự báo bối cảnh quốc tế, khu vực, cơ hội, thách thức và tác động đến phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong thời gian tới. Bởi lẽ, nội dung này sẽ có ảnh hưởng rất lớn không chỉ đối với thu hút vốn đầu tư, công nghệ, giải quyết việc làm… mà còn đặt ra không ít thách thức đối với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 của Việt Nam./.