Sáp nhập xã, thị trấn – nhiều vấn đề đặt ra từ thực tiễn
Theo đề án, 3 xã Thanh Tường, Thanh Hưng và Thanh Văn của huyện Thanh Chương tiến hành sáp nhập lấy tên cũ Tổng Đại Đồng trước đây thành tên xã mới là Đại Đồng. Việc sáp nhập đã nhận được sự đồng tình cao của người dân, trong đó xã Thanh Tường đạt 97,8%, Thanh Văn 96,7%, Thanh Hưng 99,4% người dân đồng ý với phương án này. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập ba xã sẽ dôi dư khoảng 70 cán bộ, công chức và cán bộ không chuyên trách, trong khi nhiều người còn trẻ và có nhiều đóng góp cho địa phương. Trước thực tiễn này, ông Nguyễn Văn Thùy – Bí thư Đảng ủy xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương kiến nghị Trung ương, tỉnh sớm có hướng dẫn về giải quyết chế độ cho cán bộ dôi dư; Cho đại hội chi bộ cấp xóm sớm để thuận lợi tiến hành sáp nhập xã.
Cũng như 3 xã ở Thanh Chương, vấn đề lo lắng nhất tại các địa phương thực hiện sáp nhập xã hiện nay đó là công tác bố trí cán bộ, công chức dôi dư. Theo phương án tổng thể, 36 đơn vị cấp xã sáp nhập có tổng số 734 cán bộ, công chức, sau khi sắp xếp giảm 20 đơn vị, còn 16 đơn vị sẽ dôi dư 366 cán bộ, công chức.
Ông Nguyễn Thành Tích – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc cho biết: Cán bộ có tư tưởng phân tâm bởi không biết ai đi ai ở.
Ông Nguyễn Lâm Sơn – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Đàn chia sẻ thêm: Nam Đàn sáp nhập 8 xã thành 3 xã và sẽ dôi dư khoảng 150 người. Việc bố trí sắp xếp cán bộ dôi dư rất khó khăn nhưng lại không có hướng dẫn cụ thể, thống nhất, dẫn đến sự băn khoăn, lo lắng của đội ngũ cán bộ.
Hiện nay, 9 huyện thị có đơn vị cấp xã tiến hành sáp nhập trong giai đoạn 1 đã tăng cường công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong cán bộ đảng viên và nhân dân. Đồng thời cũng đã chủ động trong việc rà soát lại cơ sở vật chất; xây dựng phương án bố trí cán bộ, công chức đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ khi xã mới được sáp nhập có diện tích rộng và dân số đông hơn.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Phi – Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên cho biết: Huyện tổ chức đầy đủ các cuộc họp để quán triệt thực hiện đề án; nắm bắt tư tưởng của người dân trong quá trình chuẩn bị sáp nhập; rà soát lại cơ sở vật chất để có phương án sử dụng hợp lý trong quá trình chuẩn bị sáp nhập cho đến khi sáp nhập xong. Đặc biệt, cần lựa chọn cán bộ trong quy hoạch đủ trình độ năng lực, đủ điều kiện và đủ nhiệt huyết để lãnh đạo xã mới sau sáp nhập.
Hiện nay UBND tỉnh đang tập trung hoàn thiện “Đề án tổng thể sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019 - 2021". Trong đó, ngoài phương án sáp nhập, đề án cũng nêu phương án tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ công chức và giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ dôi dư; thực hiện việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức do thay đổi địa giới đơn vị hành chính, khi đề án được thông qua sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các huyện thị tiến hành sáp nhập xã đảm bảo đúng tiến độ./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin