Bến Thủy – Khúc tráng ca trong dáng hình đất nước
Tối nay (8/9), Báo Nhân dân, Tỉnh ủy – UBND tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh tổ chức chương trình nghệ thuật “Bến Thủy anh hùng” . Chương trình được THTT bên cầu Bến Thủy và phát sóng trực tiếp trên Truyền hình Nhân Dân, Đài PT- TH Nghệ An, Đài PT- TH Hà Tĩnh và một số đài truyền hình địa phương trên cả nước.
Tới dự chương trình có các đ/c: Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị - Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Sinh Hùng – Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam; Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phan Đình Trạc - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên TƯ Đảng, TGĐ Đài Tiếng nói Việt Nam; Nguyễn Thị Thu Hà – Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LH phụ nữ Việt Nam; Thuận Hữu - Ủy viên TƯ Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Lê Đình Sơn – Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh; Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Đại diện các bộ, ban ngành TƯ và hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh; các Mẹ VNAH; các bậc lão thành cách mang và các nhân chứng lịch sử trên Phà Bến Thủy năm xưa…
Khúc tráng ca trong dáng hình đất nước
“Bến Thủy anh hùng” đã kể lại lịch sử từ năm 2879 TCN, Kinh Dương (húy Lộc Tục, sinh năm Nhâm Ngọ - 2919 TCN) lên ngôi, lập nên nhà nước Xích Quỷ và chọn đóng đô tại Ngàn Hống, cho đến Bến Thủy rực màu cờ và chí khí đấu tranh trong cao trào cách mạng 1930- 1931 và sau đó là cuộc chiến giành lại độc lập tự do cho quê hương, xây dựng quê hương giàu mạnh.
Trên dải đất “chữ S”, Bến Thủy là địa danh nối đôi bờ sông Lam để kết thành Nghệ - Tĩnh. Trong dáng hình đất nước, Bến Thủy là khúc tráng ca khắc ghi những chiến công của những người cộng sản trong cao trào cách mạng 1930- 1931; là bài ca về tinh thần yêu nước, lòng quả cảm của người Nghệ Tĩnh trong công cuộc chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Khúc tráng ca ấy đã được vẽ bằng thanh âm, sắc màu qua 4 chương: Bến Thủy – Nơi hội tụ khí thiêng sông núi; Bến Thủy – Đứng đầu dậy trước; Bến Thủy – Tọa độ anh hùng; Bến Thủy hôm nay.
Kết hợp với các Phóng sự ngắn, phim tài liệu, tư liệu về Bến Thủy, chương trình đã lần lượt điểm lại các sự kiện tiêu biểu trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Bến Thủy, Vinh xưa là một đô thị công nghiệp – thương mại có tầm cỡ ở Trung Kỳ, nơi giai cấp công nhân sớm hình thành và lớn mạnh. Đó là tiền đề cho tiếng trống 30 đã thúc giục hàng ngàn người đứng dậy làm nên một Xô Viết chấn động địa cầu. Bởi thế Bến Thủy đã đi vào lịch sử như một khúc tráng ca mỹ lệ nhất của lòng quả cảm và yêu nước.
Trong chiến tranh chống Mỹ, giữa “chảo lửa, túi bom”, quân và dân Bến Thuỷ vẫn gan dạ bám cầu, bám đường, thể hiện tinh thần cách mạng của quê hương Xô Viết anh hùng.
Chương trình nghệ thuật không chỉ tái hiện một “tọa độ lửa” trong những ngày cả nước sục sôi đánh giặc với khát vọng hòa bình, tự do cháy bỏng, mà còn làm khán giả “mãn nhãn” với các tiết mục Múa sử thi hoành tráng quy tụ dàn diễn viên đến từ Nhà hát ca múa nhạc đương đại Việt Nam, Đoàn văn công Quân khu IV, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Hà Tĩnh; Đoàn Ca múa nhạc Dân tộc Nghệ An; các ca khúc “Trung đô thuở ấy còn đây”, “Núi Hồng sông Lam”, “Bến Thủy khúc tráng ca”, “Gửi người chiến sĩ trên phà”, “Cô dân quân làng đỏ”, “Chào em cô gái Lam Hồng”, “Giữ vững biển trời Xô Viết Nghệ An”, “Nghệ Tĩnh mình đây”, “Thương về xứ Nghệ”, “Mai anh về Hà Tĩnh”…. với sự tham gia của các Nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng Quốc Hưng, Trọng Tấn,Tùng Dương, Phương Thảo, Anh Thơ, Tuấn Phương, Tiến Hưng, Phương Thanh, Đinh Trang, Trần Trang, Đăng Thuật…
Nhịp cầu chung dải thiêng sông núi
Dũng Quyết, Hồng Lĩnh, sông Lam, những tên núi, tên sông từ ngàn xưa đã lưu danh sử sách không chỉ bởi sự kỳ vĩ, hữu tình, linh thiêng của thế núi, hình sông, mà còn bởi những huyền thoại và truyền thuyết được sinh ra từ đây. Đó còn là mảnh đất văn vật, hội đức, tụ nhân, nơi di dưỡng những danh nhân, tướng công như Nguyễn Công Trứ, đại thi hào Nguyễn Du, Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà yêu nước Phan Bội Châu; các lãnh tụ, chiến sỹ cách mạng Trần Phú, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai… Khí thiêng non nước cùng với tên tuổi của các bậc vỹ nhân đã tạo nên trầm tích văn hóa sâu dày cho vùng đất Nghệ - Tĩnh.
Đầu thế kỷ XX, Cảng Bến Thủy được đánh giá là một cảng biển sầm uất với trên 40.000 tấn hàng hóa lưu thông mỗi năm. Trong số 20 nhà máy ở Vinh hồi đó, thì tại Bến Thủy đã có 7 nhà máy. Chính từ khu đại công nghiệp – kỹ nghệ Trường Thi – Bến Thủy đã là tiền đề cho giai cấp công nhân hình thành.
Lịch sử đã chứng mình, nơi đây luôn xuất hiện những “hạt giống đỏ” trong các cuộc bãi công và biểu tình của công nhân và nông dân chống lại chế độ hà khắc của thực dân phong kiến. Từ đấu tranh chính trị, phong trào đã tiến đến đấu tranh vũ trang, làm chính quyền của thực dân, phong kiến bị tê liệt và tan rã nhiều nơi, lập nên chính quyền xô viết đầu tiên.
Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, Bến Thủy lại trở thành vị trí chiến lược. Vỏn vẹn chỉ hơn 300 con người, được biên chế từ các đơn vị Phà, Cảng, Nhà máy điện, Cửa hàng ăn, cùng một lực lượng dân quân kháng chiến, vậy mà Bến Thủy đã đương đầu với hạm đội không quân Mỹ hùng mạnh. Hơn 3 nghìn trận đánh phá với gần 25 nghìn quả bom các loại đã trút xuống Bến Thủy trong những năm 1964 đến 1972. Và mỗi ngày, vẫn có hơn 250 chuyến xe vượt sông, vận chuyển quân lương vào chiến trường miền Nam. Sự gan dạ, quyết tử ấy đã làm nên một biểu tượng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết tâm thống nhất nước nhà của quân - dân Nghệ Tĩnh nơi đôi bờ Bến Thủy anh hùng.
Sau kháng chiến chống đế quốc Mỹ, chỉ riêng trên vùng đất Bến Thủy, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động cho 13 tập thể và cá nhân, đó là chưa kể nhiều tập thể, cá nhân thuộc các đơn vị bộ đội chủ lực được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì những thành tích chiến đấu xuất sắc tại đây.
Qua đi những ngày mưa bom, bão đạn, cùng chung cái nắng đốt và mưa chan, chung ân tình câu ví giặm, chung cốt cách văn hóa Lam Hồng, người Nghệ - Tĩnh hôm nay đi chung trên một cây cầu mang khát vọng vươn mình đổi mới.
Truyền thống lịch sử anh hùng “đứng đầu dậy trước” sẽ vẽ nhịp bài ca kết đoàn…
Nhịp cầu chung dải thiêng núi sông sẽ là động lực để xứ Nghệ hôm nay hòa vào bài ca đất nước, đón tương lai.
Lê Trang – Hữu Hoàng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin